Chuyển đổi số để phát triển bền vững

14:47, 21/08/2021

Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết khuyến khích các nước thành viên xem xét tác động của những thay đổi nhanh chóng và quan trọng trong lĩnh vực công nghệ, đối với việc đạt các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) để tận dụng cơ hội và giải quyết thách thức. Chuyển đổi số được coi là một nhân tố quan trọng đẩy nhanh việc hoàn thành các SDGs.

Người dân Indonesia sử dụng rô-bốt phân phát thức ăn trong phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: REUTERS

Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ hối thúc các hành động nhằm thu hẹp khoảng cách giữa tri thức và kỹ thuật số, trong đó có sự chênh lệch trình độ kỹ thuật số giữa hai giới; đồng thời cho rằng cần phổ cập internet với chi phí phải chăng vào năm 2030. Nghị quyết nhấn mạnh cần tăng cường và phối hợp tốt hơn các nỗ lực xây dựng năng lực số toàn cầu và hỗ trợ xây dựng năng lực mạnh hơn ở cấp quốc gia. 

Bên cạnh đó, nghị quyết tái khẳng định các nước cần bảo vệ quyền lợi của con người trên mạng internet tương tự như trong thế giới thực, trong đó có quyền riêng tư, và đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ trẻ em. Văn kiện này kêu gọi các nước thành viên cân nhắc thông qua hoặc duy trì các điều luật, quy định và chính sách bảo vệ dữ liệu.  Nhấn mạnh rằng sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực, nghị quyết của Đại hội đồng LHQ cũng khuyến nghị các nước nên áp dụng công nghệ thông tin phù hợp và tiến bộ nhất vào các hệ thống nông nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tạo điều kiện tiếp cận cũng như thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ, nghiên cứu năng lượng sạch.

Vấn đề chuyển đổi kỹ thuật số các hoạt động sản xuất hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững cũng đã được Italia, nước Chủ tịch Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay, đặt làm trọng tâm thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số G20 gần đây. Các quan chức G20 đã xác định 12 hành động để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. 

Thừa nhận rằng cần phải tăng cường nỗ lực phát triển cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm đối với nền kinh tế kỹ thuật số, đồng thời có tính đến nhu cầu và quan điểm của các nhóm dễ bị tổn thương, các bộ trưởng G20 cam kết hành động theo hướng củng cố các chính sách công nghiệp và hợp tác quốc tế để chuyển đổi kỹ thuật số trong sản xuất nhằm tăng trưởng bền vững, theo cách có lợi cho tất cả mọi người. 

Các bộ trưởng công nhận sự cần thiết phải tăng cường khả năng trí tuệ nhân tạo (AI) của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm khả năng sử dụng dữ liệu, tiếp cận tài chính, chia sẻ cơ hội và xây dựng lực lượng lao động tài năng và có kỹ năng. G20 cũng cam kết hành động để nâng cao nhận thức, giáo dục và hỗ trợ người tiêu dùng, bao gồm cả thông qua các chương trình kỹ thuật số, nhằm ngăn chặn việc khiến người tiêu dùng bị thiệt hại và bảo vệ người tiêu dùng về chất lượng, an toàn sản phẩm, quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân...
 
G20 coi các vấn đề liên quan chuyển đổi kỹ thuật số của nền kinh tế và xã hội như một đòn bẩy cho sự phục hồi bền vững và toàn diện. Chuyển đổi số có thể khuyến khích thay đổi mô hình kinh doanh, tăng cơ hội gia tăng giá trị và thúc đẩy thay đổi tư duy kinh doanh đa ngành. Tập trung vào chuyển đổi số cũng được cho là yếu tố quan trọng thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch. Bởi thế, tăng cường hợp tác để tối ưu hóa các cơ hội kỹ thuật số và lợi ích kinh tế là xu hướng tất yếu hiện nay.

Theo Thanh Vân/nhadan.vn