Chuyển đổi số đối với ngành giao thông vận tải & logistics
Theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030," giao thông vận tải và logistics là một trong tám lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số. Nhưng chuyển đổi như thế nào là cả một vấn đề lớn cần phải phân tích, mổ xẻ.
Thực trạng và hiệu quả
Trước hết, giao thông vận tải và logistics luôn được xem là lĩnh vực liên quan nhiều đến đời sống của người dân, là ngành xương sống của nền kinh tế quốc dân, đồng hành với tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ sản xuất, phân phối, lưu thông đến tiêu thụ. Việc triển khai chuyển đổi số trong GTVT và logistics sẽ có tác dụng đảm bảo an toàn, hạ giá thành vận tải và tạo thuận lợi cho người dân, DN vận tải nên Chính phủ xem đây là một trong những lĩnh vực trọng yếu cần ưu tiên trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Trong giai đoạn hiện nay GTVT và logistics đã có nhiều sự thay đổi trong ứng dụng CNTT nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Ngành Hàng không có thuận lợi nhất khi chỉ cần có tiền là có ngay các ứng dụng Chuyển đổi số từ các nước về ứng dụng cả trong quản lý, điều hành. Nhưng trong đại dịch Covid-19 chúng ta vẫn thấy Bộ Y tế phát đi thông báo truy tìm hành khách F0, các hành khách đi cùng trên các chuyến bay vì việc kết nối dữ liệu của các hãng với bên ngoài vẫn đang có sự khập khiễng.
Sử dụng hệ thống thu phí không dừng ePass, người tham gia giao thông giảm thời gian đi qua trạm thu phí.
Với vận tải đường bộ thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã quản lý, cấp, đổi giấy phép lái xe, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ dựa trên dữ liệu số. Trong khi đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã số hóa toàn bộ phương tiện để đăng kiểm phương tiện nhanh và thuận tiện hơn.
Nhưng chỉ nội một việc đơn giản triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) khởi động hồi cuối tháng 11/2014 nhưng đến cuối năm 2020 sau nhiều lần trì hoãn cũng chỉ thực hiện được 91 trạm trong 192 số trạm thu phí trên toàn quốc. Việc mỗi ngày có khoảng nửa triệu xe ô tô lưu thông mà vẫn còn 50% phải dùng biện pháp thủ công, số sử dụng công nghệ ePass thì vẫn dính lỗi không nhận diện thẻ dẫn đến tình trạng tài xế phải dừng lại trình bày, gây ùn tắc cho các xe cùng chiều vẫn phổ biến cho thấy chuyển đổi số trong GTVT đã trở thành cấp bách.
Muốn đạt được kỳ vọng đến năm 2023, số lượng lưu trữ và quản lý trên hệ thống số sẽ lên đến 1.750.000 phương tiện phải tăng tốc, dù ePass Viettel được coi là đơn vị CNTT hàng đầu Việt Nam đã vào cuộc. Không có kết nối cung cầu nên 70% xe vận tải rỗng chuyến chiều về là một lãng phí ghê gớm đối với vận tải đường bộ.
Đến nay, Cục Hàng hải Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu, thuyền ra, vào cảng biển tại Việt Nam. Nhưng việc chuyển đổi số trong lĩnh vực này đang gặp khá nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, đó là sự hạn chế tài chính đầu tư ban đầu (vì khoảng 97% DN vừa và nhỏ), khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với hoạt động dịch vụ của mỗi DN, một rào cản khác là các phần mềm tiêu chuẩn quốc tế chưa ứng dụng được nhiều tại Việt Nam.
Đối với đường sắt, việc Chuyển đổi số được triển khai khá chậm khiến cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thiếu công cụ quản lý, điều hành để quản lý được giá thành vận tải, khiến họ liên tiếp mất thị phần vận tải. Dự án “Hiện đại hóa trung tâm điều hành vận tải” trị giá 254 tỷ đồng của Hiệp định vốn vay của dự án đã được ký kết từ cuối năm 2006 giữa nhà tài trợ KFW (CHLB Đức), Bộ Tài chính và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bị chậm trễ không phát huy được tác dụng.
Điều này khiến cho các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật như thời gian quay vòng toa xe hàng, tốc độ lữ hành, tỷ lệ chạy rỗng toa xe, tỷ lệ chạy phù trợ của đầu máy đều tăng cao, khiến giá vé cả vận tải hành khách lẫn hàng hóa đều không còn sức cạnh tranh. Trong nhiều nguyên nhân để đường sắt đứng bên bờ vực thẳm có nguyên nhân chậm ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành công việc.
GS.TS KH Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Tỷ lệ chi phí logistics so với GDP quốc gia của Việt Nam là 18% GDP, trong khi con số này ở các nước phát triển chỉ 9 - 14%. Trong tổng chi phí logistics thì chi phí vận tải chiếm 60%, chi phí xếp dỡ chiếm 21%, chi phí kho bãi chiếm 12%... là một bất hợp lý lớn. Nếu chúng ta không nhanh chóng thúc đẩy một số hoạt động chuyển đổi số của ngành logistics: Sàn giao dịch, vận tải kho bãi, dữ liệu thông minh, phi giấy tờ; tối ưu hóa quy trình logistics giao hàng chặng cuối, logistics đô thị giao hàng tự động, tự động hóa quy trình sử dụng IoT, AI, công nghệ truy xuất, nhận diện; giao dịch giữa nhà nước và DN thông qua các dịch vụ công trực tuyến thì không thể giảm chi phí, tăng hiệu quả”.
7 nhiệm vụ, giải pháp
Đối với Bộ GTVT, chương trình Chuyển đổi số đã đưa ra 7 nhiệm vụ giải pháp để thực hiện, gồm: Chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển dữ liệu số; xây dựng nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng và hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.
Việc áp dụng công nghệ để quản trị tối ưu hơn và giảm chi phí là điều mà các DN cần chủ động đầu tư. Bên cạnh việc các DN chủ động liên kết với nhau, Chính phủ đóng vai trò cầu nối đứng ra liên kết các DN, trong đó các DN có nền tảng lớn và là trung tâm liên kết cùng các DN nhỏ để tận dụng được nguồn tài nguyên của từng DN. Ngay từ khâu thiết kế hạ tầng GTVT đã phải nghĩ đến hạ tầng số, xem đây là tiêu chuẩn bắt buộc khi xây dựng đường cao tốc, đường sắt cao tốc, cảng biển…
Ví dụ, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đang xây dựng nền tảng bản đồ Vmap và cơ sở dữ liệu địa chỉ theo thời gian thực về định vị, dữ liệu về địa chỉ, gán mã cho địa chỉ đến hộ gia đình. Nền tảng mã địa chỉ bưu chính có khả năng số hóa, định vị chính xác vị trí địa chỉ của khách hàng nhằm cung cấp thông tin cho DN trong các ngành, lĩnh vực, dịch vụ cần "tìm" khách hàng. Nếu các đơn vị vận tải hàng lẻ kết nối kho dữ liệu này để cung gặp cầu, quá tốt.
Theo ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam vấn đề lớn nhất của chuyển đổi số trong GTVT và logictics chính là kết nối cung - cầu. Kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ, Sở GTVT, chính quyền địa phương) với các hiệp hội, DN vận tải; giữa các DN với nhau, giữa DN Việt Nam với các công ty nước ngoài; giữa DN với khách hàng, đối tác; giữa các đơn vị làm dịch vụ với các công ty vận tải, các đơn vị kinh doanh kho tàng, bến bãi.
Chúng ta phải có lộ trình để đưa tỷ lệ chi phí logistics so với GDP quốc gia từ 18% GDP xuống còn chỉ 9 - 14% như các nước đang phát triển để hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia khác trên thế giới. Để làm được điều này, chúng ta phải bắt đầu từ việc chuyển đổi nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, CEO các DN.
Theo/kinhtedothi.vn