Phải coi Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng - bước đi tất yếu của lịch sử

11:22, 17/07/2021

Phát triển từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số là xu hướng dịch chuyển chung của các quốc gia trên thế giới. Chính phủ số là chính phủ đưa toàn bộ hoạt động của mình lên môi trường số, không chỉ là nâng cao hiệu lực, hiệu quả, mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên Công nghệ số và dữ liệu. Đây là quá trình Chuyển đổi số của Chính phủ.

Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn mới

Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hướng đến cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Chính phủ số bản chất là chính phủ điện tử, bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của Công nghệ số. Vì vậy, khi nói phát triển chính phủ số chính là nói phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số đã bao hàm chính phủ điện tử.

Chính phủ điện tử, hiểu một cách đơn giản, là “bốn Không”, có khả năng họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.

Chính phủ số là chính phủ điện tử, thêm “bốn Có”, có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt Chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.

Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Quyết định cũng xác định 6 quan điểm, 6 nhiệm vụ, giải pháp nền móng Chuyển đổi số, 9 nhiệm vụ phát triển chính phủ số, 5 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số, 7 nhiệm vụ phát triển xã hội số...

Chính phủ số gắn kết chặt với Chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và chủ quyền số quốc gia.

Tiếp đó, ngày 15/6/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký thay Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Đây là chiến lược tổng thể, đưa ra được tầm nhìn, mục tiêu, trách nhiệm triển khai các nội dung theo một lộ trình, bảo đảm việc thực hiện được đồng bộ, kế thừa, kết nối, phát triển cả chiều sâu và chiều rộng.

Theo Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, tầm nhìn đặt ra Việt Nam có chỉ số phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên hợp quốc.

Lần đầu tiên, các địa phương sẽ xây dựng phương án bảo đảm kinh phí hàng năm từ ngân sách nhà nước cho chính phủ số, phấn đấu tỷ lệ chi cao hơn mức trung bình trên thế giới. Các nước hiện dành tỷ lệ chi khoảng 1-2% tổng chi ngân sách nhà nước cho chính phủ số, cá biệt, một số nước như Singapore, Hàn Quốc dành tỷ lệ chi cao hơn.

Chiến lược đặt ra mục tiêu cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành chính phủ số vào năm 2025.

Tầm nhìn chiến lược của Chính phủ số

Phát triển chính phủ điện tử đặt ra nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp, xã hội tốt hơn và trang bị công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, đó là Trợ lý ảo hay những Nền tảng làm việc, cộng tác trên môi trường số.

Chiến lược Chính phủ số đặt ra năm mục tiêu: Cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân; huy động sự tham gia rộng rãi của người dân và doanh nghiệp; sự vận hành tối ưu của cơ quan nhà nước dựa trên Công nghệ số; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội như y tế, giáo dục, giao thông...

Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số cũng sẽ đặt ra sáu nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng số quốc gia, phát triển nền tảng số quốc gia, phát triển dữ liệu quốc gia, phát triển các ứng dụng quốc gia và bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.

Cùng với đó, Chính phủ số sẽ chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân. Để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước, cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.

Chính phủ số cũng sẽ chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Nền tảng số được xác định là giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển chính phủ số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Nền tảng được tạo ra bởi những doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc, cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngay dưới dạng dịch vụ thay vì phải tự đầu tư, tự vận hành.

Định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát động giải thưởng.

Cần phát triển các sản phẩm Công nghệ số “Make in Viet Nam”

Năm 2021 là năm thứ hai Giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh các sản phẩm Công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam và có giá trị thực tế lớn được ghi nhận trong phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định: Phát triển sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam chính là con đường để doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam làm chủ công nghệ và sản phẩm, đi cùng nhịp với các cường quốc trên thế giới để đưa Việt Nam sớm tự lập, tự cường. Đây là “chìa khóa” để Việt Nam vươn lên chiếm thứ bậc cao trên chuỗi giá trị, bắt kịp các nước phát triển.

Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh Việt Nam còn rất nhiều bài toán cần giải trong quá trình phát triển. Đặc biệt là quá trình Chuyển đổi số quốc gia, Chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp Công nghệ số cần phát huy các lợi thế, am hiểu thị trường nội địa, nhu cầu khách hàng, chủ động, sáng tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, các doanh nghiệp Công nghệ số của Việt Nam cần có niềm tin mình là người có khả năng giải quyết tối ưu nhất các bài toán của Việt Nam, qua đó chiếm lĩnh được thị trường Chuyển đổi số trong nước.

Các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam cũng cần khai thác hiệu quả các công nghệ số mới. Từ đó làm chủ các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Đặc biệt là ứng dụng các công nghệ mới nổi như AI, tự động hóa quy trình Robotics… Đi từ ứng dụng tiến đến làm chủ công nghệ lõi và tiến tới đóng góp công nghệ cho thế giới.

“Ứng dụng càng nhiều thì càng có nhiều cơ hội để cải thiện, làm chủ công nghệ và giá thành” - Thứ trưởng nhận định.

Bộ TT&TT và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc quảng bá, hỗ trợ kết nối thị trường, hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia, xây dựng khung pháp lý, kết nối các nhà đầu tư để các sản phẩm Công nghệ số có thị trường rộng lớn hơn và đi xa hơn. – Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho hay.

Cơ cấu Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2021 có một số thay đổi so với năm trước. Cụ thể, BTC sẽ trao các giải: Giải Vàng, giải Bạc, giải Đồng và Top 10 cho 4 hạng mục nền tảng số xuất sắc, sản phẩm số xuất sắc, giải pháp số xuất sắc, thu hẹp khoảng cách số.

Các sản phẩm được tôn vinh sẽ phải thỏa mãn 2 nhóm tiêu chí chính, đó là thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và có giá trị thực tế. Trong nhóm tiêu chí “Giá trị thực tế”, cơ cấu điểm liên quan đến doanh thu, số lượng người dùng chiếm khoảng 70% số điểm.

Đơn vị tham gia đạt giải sẽ được hỗ trợ đánh giá, nâng cao chất lượng sản phẩm từ các chuyên gia hàng đầu; giới thiệu rộng rãi đến các địa phương, cơ quan nhà nước; đưa vào danh mục khuyến khích sử dụng trong quá trình Chuyển đổi số; hỗ trợ kết nối với thị trường quốc tế và gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng.

Minh Triết