Chuyển đổi số ở cực Nam Tổ quốc
Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ngành chức năng, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt lưu ý để thực hiện chuyển đổi số thành công, cần phải bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm.
- Long An giảm 50% lệ phí để 'kích cầu' dịch vụ công trực tuyến
- Long An chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng đến một ‘Long An số’
- Số ca mắc COVID-19 có chiều hướng tăng, Thủ tướng Chính phủ ra Công điện chỉ đạo
- Toyota Việt Nam mở rộng hệ thống đại lý Ra mắt Toyota Nam Bình Cà Mau
- Hà Nội xây dựng kịch bản ứng phó với 3.000 ca mắc COVID-19/ngày
- Hải Dương phát hiện 1 ca nhiễm SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng sau 43 ngày không có ca mắc
Đẩy mạnh giao dịch trực tuyến
Trong đó, Cà Mau ưu tiên các giải pháp rút ngắn chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đẩy mạnh giao dịch trực tuyến... Địa phương này tập trung cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa các quy trình, thủ tục hành chính.
Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, cho biết địa phương quyết tâm hiện thực hóa chương trình chuyển đổi số với 3 trụ cột: xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Cà Mau đã đạt được những kết quả tích cực về phát triển hạ tầng số, như: 100% xã, phường, thị trấn đã có cáp quang tới khu vực trung tâm; 100% trường học, bệnh viện có kết nối internet băng thông rộng; tỉ lệ dân số được phủ sóng di động đạt 100%.
Người dân Cà Mau tìm hiểu thông tin qua ứng dụng CaMau-G.
"Tất cả các cơ quan nhà nước đã được trang bị hệ thống mạng cục bộ, kết nối internet tốc độ cao. Trung tâm dữ liệu chính và trung tâm dữ liệu dự phòng của tỉnh tiếp tục được đầu tư, bổ sung thiết bị để nâng cao năng lực hoạt động…" - ông Chính thông tin.
Cà Mau chú trọng phát triển hệ thống nền tảng số, triển khai nền tảng điện toán đám mây tại trung tâm dữ liệu tỉnh, sử dụng giải pháp công nghệ ảo hóa, nền tảng tích hợp để chia sẻ dữ liệu. Bước đầu, Cà Mau đã kết nối các ứng dụng với những cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin như: hộ tịch, tư pháp, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp, cấp mã số cho đơn vị có quan hệ ngân sách, thanh toán quốc gia.
Về phát triển dữ liệu, Cà Mau có khoảng 142 phần mềm, hệ thống thông tin đang được sử dụng và khai thác tại các cơ quan, đơn vị nhà nước. Trong đó, trên 60 phần mềm, hệ thống thông tin do địa phương triển khai.
Kết quả ấn tượng
Về ứng dụng, dịch vụ phục vụ chính quyền và người dân, trên 650 cơ quan, đơn vị trên địa bàn Cà Mau đã triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice). Cà Mau đã triển khai chữ ký số chuyên dùng cho 1.316 cơ quan Đảng và nhà nước; cấp 11.000 tài khoản hộp thư điện tử cho các cơ quan, đơn vị. Đầu năm 2021, tỉnh đã đưa vào vận hành hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ…
Đặc biệt, tỉnh cực Nam Tổ quốc này còn triển khai ứng dụng CaMau-G làm đại diện cho các hệ thống phần mềm chính quyền điện tử của tỉnh. Từ đó, tập trung về một đầu mối để hướng tới phục vụ đa dạng người dùng, tăng trải nghiệm của người dân và doanh nghiệp trên môi trường số.
CaMau-G hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và du khách phản ánh những vấn đề bất cập trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp cơ quan nhà nước có thể tiếp cận, xử lý nhanh chóng những thông tin phản ánh; giúp phát huy hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp…
Thời gian qua, các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giao thông vận tải… ở Cà Mau cũng được ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, điều hành. Nhờ vậy, cơ quan chức năng tạo được sự hài lòng và niềm tin của người dân do thực hiện công khai, minh bạch.
Ứng dụng CaMau-G.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh đã có chủ trương đầu tư Trung tâm Giám sát - Điều hành thông minh với tổng kinh phí 28 tỉ đồng. Đây là hệ thống hiển thị thông tin tập trung, bộ phận cốt lõi trong triển khai Chính phủ số, chính quyền số. Dự án này đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị đầu tư.
"Trung tâm Giám sát - Điều hành thông minh sẽ hiện thực hóa các chức năng như: giám sát, chỉ đạo điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; giám sát, điều hành an ninh trật tự và giao thông đô thị; giám sát hoạt động của chính quyền địa phương. Sở Thông tin và Truyền thông đang tập trung đầu tư xây dựng trung tâm, dự kiến đưa vào vận hành vào cuối năm 2022" - ông Trần Quốc Chính cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt lưu ý để thực hiện chuyển đổi số thành công, cần phải bắt đầu từ người dân và lấy người dân làm trung tâm. "Các địa phương phải phối hợp chặt chẽ và nhân rộng những cách làm hay trong công tác chuyển đổi số" - ông Việt nhấn mạnh.
Hướng tới "Long An số" UBND tỉnh Long An vừa khai trương "Nền tảng xã hội số - ứng dụng Long An ID". Với nền tảng công nghệ định danh điện tử eKYC, "Long An ID" tích hợp nhiều chức năng ưu việt, như nhận diện người dùng bằng trí tuệ nhân tạo. Ứng dụng này trực tiếp hỗ trợ người dân trong vấn đề tìm kiếm việc làm trực tuyến; đăng tin và tìm nhà cho thuê nhanh chóng; cập nhật tin tức đời sống - xã hội; nhắn tin tương tác, mua bán, trao đổi hàng hóa và nhận ưu đãi khuyến mại mới nhất; gửi thông tin phản ánh đến chính quyền... "Long An ID" còn nhằm hỗ trợ người lao động, dù bất kỳ ai, đến từ đâu, khi muốn tìm kiếm công việc hay bắt đầu cuộc sống tại Long An cũng có thể an tâm vì mọi tiện ích cơ bản nhất đều có sẵn trên app. Người dùng có thể cài đặt "Long An ID" từ 2 kho ứng dụng Apple Store và Google Play. Theo ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, việc ra mắt "Long An ID" cùng với hoạt động của Kho Cơ sở dữ liệu dùng chung - Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh (IOC) và các nền tảng số khác đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Đây là cơ sở, nền tảng dẫn dắt, thúc đẩy tỉnh chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; giúp địa phương hướng tới một "Long An số", ngày càng phát triển, hiện đại. |
Thùy Dung (T/h)