Chuyển đổi số trong trường phổ thông: Giáo viên giữ vai trò chủ đạo
Chuyển đổi số đang là chủ trương lớn của Chính phủ và mọi ngành nghề trong đó có giáo dục.
- Bộ TT&TT và Microsoft tăng cường hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số
- Đắk Lắk và FPT ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025
- Họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Hội thảo chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái
- Doanh nghiệp ngành Công Thương: Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm
Một giờ học của học sinh có sự hỗ trợ của công nghệ. Ảnh minh họa
Ở bậc phổ thông, chuyển đổi số đã ngày một “thấm sâu” vào các hoạt động giảng dạy, học tập mang đến nhiều tín hiệu tích cực. Tuy vậy, vẫn còn không ít thách thức.
Yêu cầu bắt buộc và tự thân
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thứ 2 sau Y tế. Chuyển đổi số đã, đang và sẽ là yêu cầu bắt buộc để các cơ sở giáo dục phải thực hiện để bảo đảm kế hoạch tiến độ, bảo đảm chất lượng đào tạo, bảo đảm mọi hoạt động trong tổ chức đào tạo và quản lý để hướng đến phát triển bền vững; góp phần đào tạo nhân lực có chất lượng, bảo đảm cho phát triển kinh tế.
Theo ông Đoàn Nhật Quang - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh, Quận 8, TPHCM, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học đã giúp các trường, thầy, cô giáo dần thay đổi phương pháp giảng dạy từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả.
“Chuyển đổi số đã giúp nhà trường linh hoạt chuyển đổi từ mô hình lớp học tập trung sang các mô hình dạy học trực tuyến, với sự ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Sự bùng nổ về công nghệ giáo dục đã, đang và sẽ tạo ra những phương thức giáo dục phi truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền giáo dục mang tính chuyển đổi sâu sắc vì con người”, ông Quang nói.
Chuyển đổi số và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học công nghệ vào học tập, giảng dạy mang lại nhiều tích cực, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. Tuy nhiên, với những đặc thù riêng khác nhau của bậc học, tiến trình số hóa và chuyển đổi số trong các trường phổ thông vẫn chỉ đang ở mức tương đối, chưa phát huy toàn diện hiệu quả.
Cô Phạm Thúy Hà - Phó Trưởng phòng Giáo dục Quận 4, TPHCM - nhìn nhận chuyển đổi số có thể thay đổi cách dạy và học thích ứng với môi trường mới. Nhưng với đặc thù ở bậc phổ thông, tính phổ quát và tính ứng dụng tuyệt đối của công nghệ ít nhiều vẫn bị hạn chế bởi học sinh phải tuân thủ các quy tắc lớp học riêng (không sử dụng điện thoại), khác biệt với bậc đại học.
“Hiện, 100% các trường đều có hệ thống máy tính kết nối mạng và kho dữ liệu dùng chung của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, để thành công và phát huy tối đa hiệu quả không chỉ ở việc đầu tư hạ tầng công nghệ, mà quan trọng là sự chủ động và linh hoạt trong việc tương tác, thích ứng và xây dựng tiết học của người giáo viên dưới sự hỗ trợ của công nghệ.
Một trong những biện pháp mà ngành GD-ĐT đang tích cực triển khai là xây dựng hệ thống tài nguyên số, khai thác và sử dụng hiệu quả kho học liệu số, học liệu điện tử toàn ngành. Đây là điều kiện quan trọng tạo môi trường học tập mở, giúp học sinh tự học, tự nghiên cứu, là điều kiện quan trọng để xây dựng xã hội học tập, hướng đến học tập suốt đời”, cô Hà nói.
Phòng học tại Trường Liên cấp Tiểu học - THCS - THPT Quốc tế Nam Việt, Quận 12. Ảnh: NTCC
Mở rộng không gian học tập
TPHCM với chủ trương xây dựng đô thị thông minh vào năm 2025, càng đòi hỏi ngành Giáo dục phải tiên phong trong chuyển đổi số để đáp ứng mục tiêu trên. Vì thế, chuyển đổi số trong giáo dục đã được nhiều cơ sở giáo dục của thành phố từng bước thực hiện với những mức độ khác nhau.
Ông Nguyễn Đức Quốc - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt - tin rằng, số hóa giáo dục và chuyển đổi số sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc nâng cao chất lượng giáo dục của từng trường và toàn ngành.
“Hiện nay, số hóa trong quản lý giáo dục bao gồm: Số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu…) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành GD-ĐT, nhà trường một cách nhanh chóng, chính xác.
Trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá việc số hóa học liệu, bài giảng (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng E-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường đại học ảo (cyber university)… đã mang lại sự tương tác nhanh chóng, tích cực trong học tập, giúp học sinh chủ động hơn trong việc tìm tòi tài liệu. Vì vậy, tập đoàn nhiều năm qua đầu tư rất lớn về công nghệ và phần mềm quản trị”, ông Quốc chia sẻ.
Trường THPT Võ Trường Toản, Quận 12, TPHCM cũng đã ứng dụng công nghệ LMS (ứng dụng được dùng để lưu trữ và quản trị nội dung bài học online) vào giảng dạy trực tuyến, quản lý hồ sơ và theo dõi hoạt động học tập của học sinh, hướng đến việc chuyển đổi số toàn diện.
Cô Đỗ Thị Việt Phương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản - cho biết, nhờ hệ thống, tài nguyên học tập, công tác giảng dạy triển khai hiệu quả hơn. Đồng thời, học sinh cũng gia tăng tương tác, gắn kết và có những hành vi ứng xử chuẩn mực, nhân văn hơn.
“Qua LMS, nhà trường hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy theo mô hình lớp học đảo ngược (Flipped classroom) chủ động hơn. Người học thực hiện theo ba bước: Học trước qua học liệu trên LMS; tương tác trực tiếp qua các tiết livestream và hoàn tất môn học. Việc giảng dạy qua livestream cũng giúp tăng tính tương tác thông qua các tình huống, thuyết trình thảo luận. Từ đó, chất lượng dạy, tỉ lệ học sinh tham gia và hoàn thành khóa học cao và có kiểm soát hơn”, cô Phương nói.
Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) - cũng nhìn nhận chuyển đổi số đã mang lại nhiều bước đột phá trong hoạt động dạy và học. Từng bộ môn có phòng thực hành với đầy đủ trang thiết bị và mở cửa cho học sinh tự học mọi lúc. Cùng với sử dụng kho dữ liệu chung đã được ngành Giáo dục thẩm định, trường đã xây dựng kho dữ liệu là video các bài học, thí nghiệm để học sinh học tập, tham khảo.
“Nhà trường đã đầu tư phủ sóng wifi để học sinh, giáo viên thuận tiện khi sử dụng các thiết bị thông minh trong dạy và học; hình thức kiểm tra, đánh giá cũng đổi mới. Từ học kỳ II năm học 2020 - 2021, nhà trường đã chính thức triển khai kiểm tra trên máy tính ở tất cả môn thi trắc nghiệm. Bên cạnh bồi dưỡng về chuyên môn, nhà trường khuyến khích giáo viên chủ động học tập nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, tin học bảo đảm ứng dụng tốt công nghệ trong dạy học”, ông Phú cho biết.
Chuyển đổi số trong giáo dục là việc áp dụng công nghệ kỹ thuật vào trong mục đích đào tạo và giảng dạy của hệ thống hay doanh nghiệp giáo dục. Trong đó 3 áp dụng cơ bản là: Ứng dụng công nghệ trong phương thức giảng dạy, ứng dụng công nghệ trong quản lý, ứng dụng công nghệ trong lớp học.
Theo/giaoducthoidai.vn