Có bao nhiêu app truy vết trên toàn quốc đang được sử dụng?
Từ đầu năm 2020 tới nay, để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, đã có rất nhiều app (ứng dụng, phần mềm) khai báo sức khỏe được các đơn vị cho ra mắt và đưa vào sử dụng phục vụ công tác phòng chống dịch. Dù vậy, tính năng các phần mềm này khá trùng lắp.
Nhiều người dân cài đủ các ứng dụng khai báo y tế, tránh tình trạng mỗi nơi yêu cầu khai báo ở 1 ứng dụng khác nhau.
NCOVI
Ra mắt tháng 3.2020, NCOVI (tờ khai y tế dành cho công dân Việt Nam) là ứng dụng chính thức và duy nhất của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, được xây dựng với mục tiêu giúp cơ quan quản lý phát hiện kịp thời các trường hợp nguy cơ nhiễm bệnh, quản lý việc di chuyển, có thông tin toàn cảnh về dịch bệnh để đưa ra quyết định.
Về cơ bản, trong ứng dụng NCOVI cập nhật thông tin dịch bệnh (của Việt Nam và thế giới) và Khai báo y tế tự nguyện, Theo dõi sức khoẻ, Phản ánh thông tin cá nhân.
Vietnam Health Declaration (VHD)
Ra mắt cùng thời điểm ứng dụng NCOVI vào tháng 3.2020, Vietnam Health Declaration là ứng dụng khai báo y tế dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam. Hệ thống này có trên app và trên website (tokhaiyte.vn), gồm cả khai báo y tế nhập cảnh và khai báo y tế nội địa, khai báo toàn dân, bản đồ khuyến cáo, khai báo cách ly.
Cả 3 phần mềm Bluezone, NCOVI, VHD đều do Bộ TT-TT và Bộ Y tế phối hợp triển khai, ngoài tính năng chính có thể được sử dụng để quét mã QR Code ghi nhận khi ra vào các địa điểm công cộng.
Tuy nhiên, trước thời điểm tháng 5.2021, 3 phần mềm này không liên thông về dữ liệu, gây khó khăn, bất tiện cho người sử dụng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 cuối tháng 5.2021, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các ứng dụng này đã sử dụng kho dữ liệu đồng nhất, tạo thuận lợi cho người dùng và quản lý của các địa phương.
Bluezone
Bluezone ra mắt vào tháng 4.2020, là ứng dụng cảnh báo nếu tiếp xúc gần người nhiễm Covid-19, hiện có lượt tải lớn nhất trong các ứng dụng, với trên 40 triệu lượt.
Trong đó, tính đến 4.8, TP.HCM đứng đầu với 3,2 triệu Bluezone có số điện thoại, Hà Nội xếp thứ 2 với 3,17 triệu, Bình Dương xếp thứ 3 với gần 1,1 triệu.
Cụ thể, trong ứng dụng Bluezone có phần Quản lý QR, Khai báo y tế (gồm cả Khai báo di chuyển nội địa). Khi người dân đến các địa điểm, có thể Quét mã QR qua Bluezone để khai báo y tế. Hoặc khai báo khi di chuyển nội địa (máy bay, xe khách, tàu hoả, tàu thuyền) từ địa phương này tới địa phương khác.
Ùn ứ do khai báo phần mềm "di biến động dân cư" tại TP.HCM sáng 15.8 khiến nhiều chốt kiểm soát phải "xả trạm".
Phần mềm “di biến động dân cư”
Phần mềm của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) được các chốt nội thành TP.HCM đồng loạt triển khai hôm 14.8, nhằm quản lý “di biến động dân cư” vùng dịch. Theo đó, người dân cần truy cập website https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn để thực hiện khai báo. Hoặc quét mã QR Code tại ứng dụng Zalo hoặc ứng dụng quét mẽ QR Code bằng camera để vào biểu mẫu khai báo y tế. Tuy nhiên, người dân được lưu ý không dùng ứng dụng Bluezone để quét mã QR của phần mềm này.
Về cơ bản, các nội dung trên tờ khai tại phần mềm “di biến động dân cư” giống với tờ khai y tế nội địa, với các thông tin cá nhân, địa chỉ thường trú, nơi đi đến, phương tiện di chuyển, ngày khởi hành, các thông tin tiếp xúc trong vòng 14 ngày…
Sau khi nhập mã xác thực gửi đi, người dân sẽ được nhận mã QR code. Tại các chốt, người dân sẽ xuất trình mã QR Code cho cán bộ tại chốt kiểm dịch kèm theo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để đối chiếu thông tin. Tuy nhiên, các mã QR Code này chỉ được sử dụng trong 3 ngày, sau 3 ngày sẽ khai báo lại để lấy mã QR mới.
Khai theo phần mềm riêng của các đơn vị
Tại một số điểm chưa có check QR Code, người dân vẫn phải thực hiện khai báo y tế thủ công bằng giấy.
Tại một số siêu thị, người dân có thể quét mã QR để khai báo y tế qua ứng dụng Zalo.
Một số doanh nghiệp, bệnh viện lại yêu cầu người dân phải khai báo trên hệ thống tờ khai riêng. Đơn cử như bệnh viện Medlatec Hà Nội yêu cầu người bệnh khi đến khám bệnh khai báo thông tin y tế riêng trên phần mềm tokhaiyte riêng của bệnh viện, phiếu khai báo ngoài các thông tin cá nhân, mục đích đến bệnh viện, cũng có các thông tin liên quan đến yếu tố dịch tễ.
PV (T/h)