Có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia hay không?
Đây là câu hỏi của đại biểu Quốc hội tiếp tục gửi tới Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trong phiên chất vấn chiều nay 11/11.
Bộ trưởng GD-ĐT tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ giải trình với Quốc hội về vấn đề thực hiện biên chế và tinh giản biên chế trong ngành giáo dục. Có thể bỏ kỳ thi THPT quốc gia? Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh): Việc cử tri kiến nghị năm học 2021-2022 được xem là năm học dự phòng, nên lùi lại đánh giá năm học vào năm học 2022-2023, ý kiến của ngành giáo dục ra sao? Đại biểu Phúc Bình Niê KDăm (Đắk Lắk): Bộ trưởng có cơ chế chính sách gì hỗ trợ các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non trong tình hình dịch bệnh? Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Nhiều trường đại học tăng cường thu hút sinh viên để có chi phí dẫn tới chất lượng học tập chưa cao. Có nên chăng cần có sự cam kết việc làm cho sinh viên? Đại biểu Hòa cũng hỏi rằng có thể bỏ kỳ thi THPT quốc gia toàn quốc để có sự công bằng và giúp các trường đại học trong tuyển sinh, không phải tổ chức thi và tuyển sinh nhiều đợt Dương tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu): Trong bối cảnh dịch bệnh, việc chăm sóc sức khỏe học đường còn khó khăn. Nhiều cơ sở giáo dục thiếu biên chế về y tế học đường, mong ngành giáo dục có hướng giải quyết. |
Chiều nay 11/11, Bộ trưởng GD-ĐT tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng sẽ giải trình thêm với Quốc hội về vấn đề thực hiện biên chế và tinh giản biên chế trong ngành giáo dục
Kết thúc phiên trả lời chất vấn sáng nay của Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, danh sách chờ còn 30 đại biểu, 28 đại biểu tại Diên Hồng và 2 đại biểu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn 7 đại biểu đăng ký tranh luận thêm. Chiều nay Bộ trưởng còn thời gian là 50 phút để trả lời.
Cũng trong chiều nay, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ cung cấp thêm thông tin và báo cáo giải trình thêm với Quốc hội về vấn đề thực hiện biên chế và tinh giản biên chế trong ngành giáo dục, như là vấn đề xây dựng các định mức về lớp học, chủ trương sắp xếp trường nhiều cấp học, sắp xếp lại đội ngũ y tế và kế toán học đường như thế nào.
Cả nước bây giờ là 80.000 kế toán và y tế học đường. Vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực này làm sao, việc rà soát, sắp xếp các điểm trường cũng như cơ cấu lại đội ngũ nhà giáo và cán bộ phục vụ, theo quy định của Trung ương là 65-35 và các giải pháp để điều hòa nơi thừa, nơi thiếu giáo viên ở từng địa phương, từng tỉnh.
Đồng thời có giải pháp tổng thể để chúng ta đáp ứng được yêu cầu, nguyên tắc là có học sinh thì phải có thầy giáo, cô giáo nhưng vẫn đảm bảo được các mục tiêu về vấn đề đổi mới, sắp xếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả của đơn vị sự nghiệp công lập và vấn đề tinh giản biên chế bộ máy.
Theo/dantri.com.vn