Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ nền kinh tế số

11:39, 16/07/2025

Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương đặt mục tiêu không chỉ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mà còn phổ cập kỹ năng thương mại điện tử đến từng địa phương, từng doanh nghiệp, nhất là tại vùng sâu, vùng xa. Qua đó, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng tối đa cơ hội từ nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng trong khu vực và toàn cầu.

Hội nghị Liên kết vùng tại Lai Châu là một phần trong chuỗi sự kiện nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương, góp phần phát triển thương mại điện tử và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa qua các kênh phân phối hiện đại.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Quyết định số 1970/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 18/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2025.

Theo kế hoạch, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ chủ trì phối hợp cùng các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế để triển khai chương trình kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa qua môi trường trực tuyến. Đối tượng được ưu tiên là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, làng nghề và cơ sở sản xuất địa phương. Đồng thời, Bộ cũng khuyến khích việc phát động các chương trình quảng bá hàng Việt và sản phẩm đặc trưng vùng miền trên nền tảng số, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Một trong những trọng tâm là đào tạo chuyên sâu và hướng dẫn ứng dụng công nghệ số cho doanh nghiệp, bao gồm thương mại điện tử xuyên biên giới, phân tích dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), từ đó giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị liên quan như Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài... sẽ tăng cường triển khai các chương trình xúc tiến thương mại chuyên sâu theo từng ngành hàng tại các thị trường trọng điểm như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN.

Cục Thương mại điện tử hợp tác cùng BIDV nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng TMĐT, thanh toán số cho doanh nghiệp và tiểu thương.

Liên kết vùng và đào tạo thực chất

Trong thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã triển khai hàng loạt chương trình thúc đẩy thương mại điện tử gắn với phát triển vùng. Đáng chú ý là các hội nghị liên kết vùng như tại miền Trung và Lai Châu nhằm kết nối địa phương với hệ thống phân phối hiện đại và khuyến khích ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh.

Thông qua Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX), Cục đã tổ chức nhiều lớp tập huấn tại các tỉnh như Thái Nguyên, Trà Vinh, Hưng Yên, Gia Lai, Quảng Trị... giúp doanh nghiệp và hợp tác xã nắm bắt kiến thức pháp luật, kỹ năng kinh doanh số, chiến lược livestream, xây dựng thương hiệu cá nhân, ứng dụng AI và các công cụ số khác.

Các chương trình đào tạo không chỉ chú trọng lý thuyết mà còn thực hành các kỹ năng như giám sát hoạt động thương mại điện tử, xây dựng chiến lược truyền thông và vận hành bán hàng đa kênh. Đặc biệt, các đối tượng yếu thế như người khuyết tật và thanh niên khởi nghiệp cũng được tiếp cận các chương trình riêng để tham gia vào nền kinh tế số.

Những hoạt động này hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu đã được đề ra trong Quyết định số 1970/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, các chương trình kết nối thương mại điện tử và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm Việt qua các nền tảng trực tuyến, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ hiện đại như AI và Big Data, đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất nhỏ và vừa. Những nỗ lực này không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực mà còn thúc đẩy khả năng xuất khẩu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tại các địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm eComDX, cho biết trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai các khóa đào tạo chuyên sâu theo bốn trụ cột: GoOnline - hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập hiện diện số và phát triển bán hàng trực tuyến; GoExport - hỗ trợ kết nối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, thúc đẩy xuất khẩu số; GoAI - đào tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong marketing, vận hành, chăm sóc khách hàng và quản lý công; GoRight - cập nhật khung pháp lý và tiêu chuẩn hóa hoạt động thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu bền vững.

Các chương trình này góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp địa phương, tạo tiền đề cho tăng trưởng bền vững và hội nhập kinh tế số.

Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương đặt mục tiêu không chỉ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mà còn phổ cập kỹ năng thương mại điện tử đến từng địa phương, từng doanh nghiệp, nhất là tại vùng sâu, vùng xa. Qua đó, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng tối đa cơ hội từ nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng trong khu vực và toàn cầu.