Công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh

09:42, 04/04/2024

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh được người dân đánh giá cao hơn hiệu quả phòng, chống tham nhũng và quản trị điện tử, nhưng lại đánh giá thấp hơn hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định tại địa phương.

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) lần thứ 15 được công bố tại Hà Nội ngày 02/4 cho thấy, năm 2023, người dân đánh giá cao hơn hiệu quả phòng, chống tham nhũng và quản trị điện tử, nhưng lại đánh giá thấp hơn hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định tại địa phương.

 Nguồn ảnh: https://congbo2023.papi.org.vn/

Hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được cải thiện

So sánh kết quả khảo sát PAPI năm 2023 với năm 2021 và năm 2022 cho thấy, nhìn chung hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và hiệu quả quản trị điện tử được cải thiện phần nào.

Ngược lại, hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có xu hướng giảm sút. Năm chỉ số nội dung còn lại, gồm “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Thủ tục hành chính công”, “Cung ứng dịch vụ công” và “Quản trị môi trường” cho thấy hiệu quả thực hiện công vụ ở những lĩnh vực này ít thay đổi so với hai năm trước.

Trong bối cảnh tham nhũng vẫn là vấn đề hệ trọng được Đảng, Nhà nước và người dân hết sức quan tâm, kết quả đánh giá về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công cũng như trong thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có ý nghĩa quan trọng, cho dù đánh giá của người dân ở hai chỉ số này đang cho thấy hai chiều hướng khác nhau trong năm 2023.

Theo đánh giá của người dân, công tác kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở địa phương có cải thiện nhưng chưa đáng kể, thể hiện qua mức tăng điểm ở chỉ số nội dung này còn khiêm tốn, từ 6,71 điểm vào năm 2022 lên 6,77 vào năm 2023.

Mức thay đổi theo hướng tích cực hơn này cũng phù hợp với xếp hạng của người dân về các vấn đề Nhà nước cần tập trung giải quyết trong thời gian tới: tham nhũng đã giảm từ vị trí thứ năm vào năm 2022 xuống vị trí thứ sáu vào năm 2023 trong danh mục top 10 vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm.

Bên cạnh đó, người dân có cảm nhận hiện trạng tham nhũng có xu hướng giảm ở 5 trong số 8 hoạt động công vụ đo lường qua PAPI. Đó là: cán bộ chính quyền dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng, người dân phải đưa “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính quyền địa phương nhận chung chi để doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường, phụ huynh phải “bồi dưỡng” giáo viên để con em được quan tâm hơn ở trường tiểu học công lập và người dân phải đưa “lót tay” để được quan tâm hơn khi đi khám chữa bệnh ở bệnh viện công.

Mặc dù vậy, trong năm 2023, tỉ lệ người cho rằng cần phải đưa ‘lót tay’ để đảm bảo xin được việc làm trong khu vực Nhà nước cao hơn so với năm 2021.

Kết quả khảo sát PAPI 2023 cũng cho thấy một số hành vi tham nhũng vẫn tồn tại trong khu vực công ở địa phương, tác động tiêu cực đến niềm tin của người dân. Đáng chú ý là số người cho rằng cần phải dựa vào “quan hệ” để có được việc làm trong cơ quan Nhà nước vẫn ở mức cao, mặc dù tỉ lệ người dân có cảm nhận như vậy đã giảm kể từ năm 2016.

Trên phạm vi toàn quốc, có từ 56% đến 62% số người được hỏi cho biết vẫn tồn tại hiện trạng ‘vị thân’ này. Cũng cần nhấn mạnh lại rằng “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” là chỉ số có mối tương quan mạnh nhất với sự hài lòng chung của người dân đối với công tác quản trị và hành chính công ở địa phương.

Bên cạnh bức tranh nhiều màu thể hiện đánh giá của người dân về hiệu quả kiểm soát tham nhũng ở địa phương là một bức tranh có màu sắc xám hơn về hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương trong năm 2023.

Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có ý nghĩa rất quan trọng cho việc phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công, bởi khi người dân có thông tin đúng đủ, họ mới có thể thực hiện “kiểm tra, giám sát” và yêu cầu cán bộ, công chức giải trình.

Điều đáng lo ngại là có tới 23 tỉnh, thành phố có điểm số ở chỉ số nội dung về công khai, minh bạch giảm đáng kể so với năm 2021, đặc biệt là trong công khai, minh bạch thu, chi ngân sách cấp xã.

Nếu như từ năm 2018 đến năm 2022, có khoảng 43% đến 46% số người được hỏi trên toàn quốc xác nhận bảng kê khai thu, chi ngân sách cấp xã được niêm yết công khai, thì đến năm 2023, tỉ lệ này giảm xuống còn 39%, mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Tương tự, mức độ công khai, minh bạch trong lập và niêm yết danh sách hộ nghèo ở địa phương cũng giảm sút rõ rệt kể từ năm 2019.

Việc áp dụng chính quyền điện tử giúp kiểm soát tham nhũng tốt hơn

Một trọng tâm quan trọng khác của Báo cáo PAPI năm 2023 là kết quả đánh giá hiệu quả thực hiện quản trị điện tử trong bối cảnh Chính phủ và chính quyền các cấp thúc đẩy việc phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số và công dân số trong thời gian qua. Quản trị điện tử là một trụ cột quan trọng cho ngồi nhà quản trị công hiệu quả.

Quản trị điện tử hiệu quả có ý nghĩa quan trọng bởi qua đó người dân có thể tránh được thủ tục hành chính rườm rà, đồng thời thúc đẩy công khai, minh bạch trong mối quan hệ giữa chính quyền với người dân.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc áp dụng chính quyền điện tử đã giúp kiểm soát tham nhũng tốt hơn, nhất là các hành vi tham nhũng như vòi vĩnh trong cung ứng dịch vụ công gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Kết quả khảo sát năm 2023 cho thấy những thay đổi tích cực về điều kiện tiếp cận internet của người dân và mức độ sử dụng các cổng dịch vụ công ở địa phương so với năm 2020.

Mặc dù có tới gần 80% người dân tham gia khỏa sát PAPI năm 2023 cho biết họ đã dùng internet tại nhà, song “khoảng cách số” trong tiếp cận internet giữa các nhóm dân cư khác nhau về giới tính, khu vực sinh sống, dân tộc hoặc tình trạng hộ khẩu vẫn là vấn đề đáng quan tâm.

Đáng chú ý là tỉ lệ nam giới có điều kiện sử dụng internet cao hơn từ 5%-10% so với nữ giới, và người đồng bào dân tộc thiểu số cũng có mức độ tiếp cận internet thấp hơn từ 10%-20% so với người Kinh qua các năm từ 2016 đến 2023.

Bên cạnh đó, kết quả PAPI năm 2023 cũng cho thấy đa số người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, có khoảng 8,3% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng Cổng dịch vụ công Quốc gia và 7,6% sử dụng Cổng dịch vụ công cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc.

Một trong những lý do khiến người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến là do lo ngại về quyền riêng tư, với 1/3 số người đã dùng các cổng dịch vụ công nêu lý do này.

Những phát hiện này cho thấy cần cải thiện tính dễ tiếp cận và thân thiện với người dùng của các cổng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tính thuận tiện và toàn trình cho tất cả các đối tượng người dùng là công dân. Một biện pháp thiết thực là thiết kế cổng dịch vụ công trực tuyến theo hướng tạo điều kiện cho người dùng có thể truy cập và sử dụng mọi lúc, mọi nơi bằng điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, các cổng dịch vụ công phải đảm bảo quyền riêng tư của công dân.

Có thể nói, qua Chỉ số Papi 2023, chúng ta thấy có những điểm sáng, đặc biệt về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và quản trị điện tử, nhưng chúng ta cũng thấy còn có những mảng màu chưa sáng ở các lĩnh vực khác, đặc biệt là đánh giá của người dân về mức độ công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương.

Dựa trên những dữ liệu này, các tỉnh, thành phố có thể đề ra những chủ trương và hành động cụ thể để cải thiện sự hài lòng của người dân đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Từ năm 2009, Chỉ số PAPI đã lắng nghe 197.779 lượt người dân thuộc mọi thành phần nhân khẩu học phản ánh về hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.

Với “mỏ vàng” dữ liệu định lượng, Chỉ số PAPI ngày một trở thành một công cụ đo lường “của dân, do dân và vì dân” đáng tin cậy, cung cấp thông tin thực chứng cho quá trình xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan tới người dân, cũng như cho quá trình xây dựng kế hoạch hành động nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân phản ánh qua Chỉ số PAPI của tất cả chính quyền cấp tỉnh.

Theo thanhtravietnam.vn

(https://thanhtravietnam.vn/phong-chong-tham-nhung/cong-bo-bao-cao-chi-so-hieu-qua-quan-tri-va-hanh-chinh-cong-cap-tinh-207940.html)