Cổng kết nối laptop 2012: Thunderbolt hay Lightningbolt ?
Bên cạnh những cổng kết nối quen thuộc lâu nay như USB, HDMI, VGA, Card, Audio, Micro... laptop 2012 đang được tích hợp thêm một số cổng kết nối hiện đại nữa. Intel gọi đó là Thunderbolt, trong khi ADM lại lấy tên là Lightningbolt. Đặc biệt, điểm chung của cả Thunderbolt và Lightningbolt là đều có thể vừa truyền dữ liệu và hình ảnh với tốc độ cao trên cùng một sợi cáp.
Thunderbolt của Intel
Thunderbolt gồm 2 cáp riêng biệt, 1 là PCIe (PCI Express) để truyền dữ liệu và 1 là DisplayPort để truyền tín hiệu Video. 2 sợi cáp này được nhóm chung lại với nhau. Như vậy, vừa có thể truyền tải dữ liệu và tín hiệu âm thanh chỉ với 1 cổng kết nối. Giống như USB 3.0, Thunderbolt được điều khiển thông qua 1 chip Controller không nằm trên chipset như USB 2.0. Do vậy, nó sẽ làm phát sinh thêm chi phí sản xuất. Thế nên, dù công nghệ này đã được Intel và Apple đồng nghiên cứu từ năm 2009 với tên gọi Light Peak nhưng nhiều nhà sản xuất laptop vẫn chần chừ chưa vội áp dụng ngay vì chỉ riêng dây cáp đã có giá 50USD. Ngoài ra, lý do nữa khiến các nhà sản xuất laptop do dự là tốc độ truyền dữ liệu hiện tại của Thunderbolt là 10Gbps nhưng hiện vẫn chưa có ổ cứng nào có thể vượt qua tốc độ đọc ghi dữ liệu là 6Gbps. Mà như vậy là không thể phát huy hết sức mạnh của Thunderbolt.
Vì vậy, trong năm 2011, mới duy nhất có Apple trang bị cổng Thunderbolt trên các dòng sản phẩm của mình như Mac Air, Macbook Pro, Mac mini hay iMac. Dự tính trong năm 2012 này sẽ có thêm nhiều dòng laptop cao cấp từ các nhà sản xuất khác như Asus, Acer ... sử dụng Thunderbolt. Bởi xét trên mọi góc độ, Thunderbolt có khả năng truyền dữ liệu và tín hiệu video cùng lúc là yếu tố quan trọng cho laptop mạnh về công việc và giải trí cùng lúc hiện tại. Việc Thunderbolt có trở thành 1 chuẩn kết nối phổ biến hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của các nhà sản xuất thiết bị ngoại vi.
Lightningbolt của AMD
Tại CES 2012, AMD đã trình diễn phiên bản mẫu Lightningbolt với kết nối USB 3.0 và Mini Display Port 1.2. Công nghệ này cho phép truyền dữ liệu, hình ảnh và cả năng lượng trong cùng một cổng kết nối. Mục tiêu của AMD khi tạo ra kết nối này là một giải pháp đa kết nối giá rẻ trên một cáp duy nhất. USB 3.0 và Mini Display Port hiện đã có mặt trên thị trường và cũng có khá nhiều các thiết bị ngoại vi sử dụng các kết nối này. USB 3.0 có tốc độ truyền tải dữ liệu là 5Gbps (bằng một nửa Thunderbolt) nhưng cũng đủ nhanh hơn tốc độ của các loại ổ cứng thông thường (trừ loại dùng SATA 6Gbps). Còn Mini Port Display 1.2 có tốc độ truyền tải lên tới 17.28Gbps nhanh hơn 10Gbps của Thunderbolt. Việc dựa trên USB 3.0 sẽ làm tăng tính phổ biến của cổng kết nối này. Tuy nhiên, Lightningbolt chỉ mới vừa được giới thiệu và còn cần nhiều thời gian hoàn thiện để xuất hiện bản thương mại. AMD hy vọng đến cuối năm 2012 mới có các laptop đầu tiên có sử dụng cổng kết nối này.
Tương lai của Thunderbolt và Lightningbolt
Mặc dù hiện tại các bản laptop thương mại dùng cổng Thunderbolt hay Lightningbolt chưa phổ biến nhưng vấn đề không còn quá xa. Xu hướng của laptop 2012 là mỏng, mạnh, siêu di động nên cổng kết nối đa giải pháp, mạnh mẽ là yếu tố quan trọng góp phần giúp laptop 2012 đạt được các tiêu chí cần có. Thêm nữa, xu hướng công nghệ là phải thay đổi và mới mẻ để đáp ứng nhu cầu làm việc, giải trí ngày càng cao của người dùng nên tương lai của cổng kết nối Thunderbolt hay Lightningbolt có thể diễn ra sớm hơn dự định của nhiều nhà sản xuất bằng chứng là tại triễn lãm CES, nhiều thiết bị sử dụng cổng Thunderbolt đã xuất hiện khá rôm rả. Đó cũng là xu hướng tất yếu của phát triển công nghệ.
Tại CES 2012 có nhiều thiết bị sử dụng Thunderbolt được trình diễn. Cả 2 nhà sản xuất ổ cứng hàng đầu là Seagate và Western Digital đều có sản phẩm với kết nối Thuderbolt. OCZ cũng mang đến ổ cứng di động với kết nối Thunderbolt. Ngoài ra còn có màn hình với cổng Thunderbolt của AOC và máy tính xách tay Lenovo trang bị cổng Thunderbolt.
Hoàng Kim