Công nghệ làm thay đổi ngành sản xuất thực phẩm
Khi nhắc đến thực phẩm, công nghệ không phải là điều đầu tiên mọi người thường nghĩ đến. Tuy nhiên, công nghệ trong những năm qua đã thay đổi cách chúng ta sản xuất và phân phối thực phẩm của mình thông qua các ứng dụng, robot, dữ liệu và kỹ thuật xử lý.
Theo một báo cáo của tập đoàn ngân hàng ING, công nghệ đang giúp các nhà sản xuất thực phẩm đảm bảo số lượng sản phẩm đủ lớn cho dân số thế giới vẫn đang ngày càng gia tăng. Hiện có 7,5 tỷ người trên thế giới và điều đó đồng nghĩa là nhu cầu thực phẩm sẽ cao hơn mỗi năm.
Bằng cách sử dụng công nghệ để cải thiện phương pháp chế biến và đóng gói, nó có thể cải thiện cả thời hạn sử dụng và nâng cao tính an toàn thực phẩm cho nhiều người hơn.
Công nghệ đang giúp các nhà sản xuất thực phẩm đảm bảo số lượng sản phẩm cho dân số thế giới
Robot và máy móc
Việc các nhà sản xuất sử dụng máy móc trong hoạt động sản xuất thực phẩm giúp đảm bảo chất lượng và đưa giá cả xuống mức hợp lý hơn. Bằng cách sử dụng máy móc, nhà sản xuất sẽ giảm được cả chi phí bảo quản lẫn nhân sự, do máy móc sẽ chế biến thực phẩm tươi nhanh hơn, đảm bảo chất lượng đồng đều cũng như tăng năng suất mà không cần quá nhiều nhân lực.
Theo báo cáo của ING, sự bùng nổ của robot trong ngành công nghiệp thực phẩm là một ví dụ hữu hình của công nghệ thực phẩm. Số lượng robot trong ngành công nghiệp thực phẩm tại châu Âu là hơn 30.000 robot, trong khi số lượng robot tính trên 10.000 nhân viên đã tăng từ 62 năm 2013 lên 84 robot vào năm 2017.
Mặc dù Đức là thị trường lớn nhất, mật độ robot cao nhất lại thuộc về Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan và Italy.
Sử dụng robot cũng có thể giúp loại bỏ các vấn đề về an toàn cho lao động con người trong các hoạt động nguy hiểm. Năm 2016, một công ty công nghệ đã triển khai một chương trình riêng chuyên phục vụ cho các lò mổ.
Bằng cách sử dụng robot để cắt những phần thịt khó xử lý bằng tay, chúng có thể giảm thiểu được nhiều thương tích trong công việc này. Đây chỉ là một trong nhiều cách công nghệ có thể giúp cải thiện ngành công nghiệp thực phẩm.
Công nghệ in 3D
Trong vài năm qua, công nghệ in 3D đã thực sự trở nên phổ biến hơn với nhiều ngành công nghiệp, một trong số đó là ngành công nghiệp thực phẩm. Hiện đã xuất hiện một số ứng dụng “in” thực phẩm bằng công nghệ này, từ việc NASA in thử nghiệm một chiếc bánh pizza, đến việc các bệnh viện sử dụng máy in 3D để tạo ra các loại thực phẩm mềm cho những người không thể nhai thức ăn cứng.
Những máy in thực phẩm 3D có thể chưa tạo ra các loại món ăn có hương vị tuyệt vời hoặc nấu các bữa ăn công phu. Nhưng nó hoàn toàn có khả năng làm điều đó và mở ra cánh cửa cho vô số tiềm năng đổi mới mà trước đây chúng ta chưa thể làm được. Đồng thời, công nghệ này cũng sẽ giúp đảm bảo sự bền vững của ngành công nghiệp thực phẩm.
Hiện một số nhà khoa học đang thử nghiệm xây dựng các máy in thực phẩm có thể “nấu” ăn với các viên nang chứa dầu và bột có thời hạn sử dụng lên tới 30 năm. Nếu thành công, một chiếc máy như vậy không chỉ giảm thiểu tác động môi trường của hoạt động nấu ăn, mà còn trở thành một hình thức duy trì sinh tồn cho một thế giới nơi dân số không ngừng tăng lên.,
Drone
Nông nghiệp chính xác (Precision agriculture) là một yếu tố quan trọng khi đề cập đến cách công nghệ có thể tạo ra sự khác biệt ra sao cho ngành công nghiệp thực phẩm. Đây là khái niệm chỉ việc sử dụng các hệ thống theo dõi GPS và hình ảnh vệ tinh để giám sát năng suất cây trồng, tình hình đất đai và diễn biến thời tiết để tăng hiệu quả cho các trang trại.
Với hệ thống này, người nông dân không chỉ có thể quan sát tất cả những gì đang xảy ra trên các cánh đồng, họ còn có thể sử dụng những phân tích từ các phát hiện để kiểm tra đất và sức khỏe của cây trồng.
Phương pháp chính mà người nông dân đang ứng dụng là hệ thống thông qua các máy bay không người lái (drone). Những drone này có thể xác định vị trí các cây trồng bị bệnh hoặc bị hư hỏng và đưa ra phản ứng ngay lập tức.
Việc sử dụng những drone này không loại bỏ nhu cầu sử dụng nhân lực trong ngành sản xuất thực phẩm, nhưng chúng giúp họ trở nên hiệu quả hơn trong công việc.
Khi phải đối mặt với khối lượng sản phẩm số lượng ngày càng lớn nhưng đi kèm các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và đảm bảo giá cả ở mức thấp, việc sử dụng drone giúp ngành thực phẩm tạo ra một môi trường phù hợp để sản xuất nhiều hàng hóa hơn so với lao động con người thông thường.
Bao bì và chất thải
Một trong những mối quan tâm lớn nhất đối với người tiêu dùng hiện nay là tiếp cận được những hàng hóa lành mạnh và đảm bảo tính bền vững cho môi trường. Người tiêu dùng đang ngày chú ý đến các nhãn hiệu và thành phần gây hại đến môi trường.
Vì vậy ngày càng nhiều công ty ứng dụng các công nghệ mới để trở nên “thân thiện với môi trường” hơn. Bằng cách sử dụng robot và công nghệ số hóa, các công ty trong ngành thực phẩm có thể phát triển những sản phẩm thay thế cho bao bì nhựa vốn mang tới rất nhiều tác động tiêu cực cho tự nhiên.
Hiện đã có những công ty ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất bao bì đóng gói, từ bao bì ăn được, bao bì vi mô và thậm chí cả bao bì chống vi khuẩn.
Người tiêu dùng cũng quan tâm đến nơi cung ứng nguồn hàng cho các công ty và cách họ xử lý chất thải của họ. Theo một số liệu thống kê, hơn 30% lượng thực phẩm của thế giới bị bỏ đi mỗi năm.
Với sự trợ giúp của công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể giảm bớt số lượng thực phẩm bị bỏ phí đó và tận dụng chúng trở thành nguồn thực phẩm bổ sung.
Như ở Mỹ, ứng dụng có tên Copia đã sử dụng mạng lưới theo dõi rộng lớn để kết nối các doanh nghiệp có lượng thực phẩm dư thừa với các cơ sở nhân đạo tại từng địa phương, các chương trình bổ túc văn hóa cũng những tổ chức phi lợi nhuận khác có nhu cầu tận dụng số thực phẩm đó.
Phần mềm phân tích của Copia quản lý và theo dõi lượng thực phẩm thặng dư của những doanh nghiệp này để giúp họ tiết kiệm chi phí và giảm lượng chất thải thực phẩm.
Thanh Tùng/TH