“Công thức” làm việc mới là thí điểm quy mô nhỏ, có kết quả thì mới nhân rộng
Phát biểu tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 02/2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, cách làm các việc mới nói chung là làm thí điểm mô hình nhỏ, có kết quả thì mới nhân rộng và chi tiết công việc. “Công thức” là thí điểm quy mô nhỏ, làm thành công, rồi hướng dẫn nhân rộng.
- Bộ Thông tin và Truyền thông giao ban quản lý nhà nước tháng 8/2023
- Phân công công việc giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
- Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai quyết định về công tác cán bộ
- Bộ Thông tin và Truyền thông là ngôi nhà thứ hai của mỗi người và chắc chắn không bao giờ bỏ rơi nhau
Sáng ngày 04/3, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 02/2024. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Phan Tâm, Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long và Nguyễn Thanh Lâm; lãnh đạo chủ chốt các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ, Chánh Văn phòng Đảng ủy, Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng, Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam, Bí thư Đoàn thanh niên, đại diện Văn phòng Bộ tại TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, cán bộ biệt phái tại các bộ, địa phương.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Thảo Anh)
Hội nghị đã nghe Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo tình hình thay đổi nhân sự trong tháng 2/2024; nghe Văn phòng Bộ báo cáo công tác quản lý nhà nước và tình hình thực hiện nhiệm vụ trong tháng 02/2024. Tiếp đó là các tham luận: “Định hướng phát triển hạ tầng số của Singapore, những nội dung đáng quan tâm” của Cục Viễn thông và “Tương lai của quản trị chiến lược dựa trên AI” của Vụ Kinh tế số và Xã hội số.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, trao đổi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị lưu ý cân bằng giữa quản lý và phát triển. Bộ trưởng quán triệt định hướng hoạt động của Bộ TT&TT trong năm 2024 là “Rộng hơn, toàn diện hơn, thiết thực hơn, chất lượng hơn và nhanh hơn”.
Về vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, lừa đảo qua điện thoại, giả danh cơ quan công quyền đang rất phổ biến, Bộ trưởng yêu cầu Cục An toàn thông tin cần sớm có buổi họp chuyên đề để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Hiện nay, việc mua bán sim rác vẫn còn tồn tại, không mang lại lợi ích cho nhà mạng. Bộ trưởng yêu cầu kiểm tra các điểm bán sim, nếu phát hiện sai phạm thì dừng kinh doanh ngay lập tức.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị nên coi việc cởi mở, gặp gỡ và trả lời báo chí là cơ hội truyền thông cho lĩnh vực của mình. Ngại báo chí là biểu hiện của năng lực lãnh đạo kém. Ngại báo chí là dấu hiệu chuyên môn không vững.
Về việc kiện toàn nhân sự các cấp, Bộ trưởng yêu cầu tất cả các đơn vị phải có từ 3-4 lãnh đạo. Vụ Tổ chức cán bộ phải giám sát online để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo ngay khi phát hiện bất cập.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Công thức” làm việc mới là thí điểm quy mô nhỏ, có kết quả thì mới nhân rộng (Ảnh: Thảo Anh)
Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết của việc luân chuyển cán bộ để cán bộ phát triển toàn diện, từ đó tạo ra sự đổi mới. Bộ đã triển khai việc luân chuyển cán bộ ở cấp Cục, Vụ và mới đây Bộ trưởng đã ký Quyết định phân công lại nhiệm vụ giữa các Thứ trưởng. Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Tổ chức Cán bộ tổng kết, bổ sung và hoàn thiện quy chế về công tác luân chuyển cán bộ.
Bộ trưởng yêu cầu mỗi Cục, đơn vị sự nghiệp cần có ít nhất một lãnh đạo am hiểu về đầu tư tài chính, nếu có thêm kiến thức về quản lý nội chính thì càng tốt.
Về cách làm chuyển đổi số nói riêng và cách làm các việc mới nói chung, thì làm thí điểm mô hình nhỏ, có kết quả mới nhân rộng và chi tiết công việc. “Công thức” là thí điểm quy mô nhỏ, làm thành công, rồi hướng dẫn nhân rộng.
Lãnh đạo các đơn vị coi việc làm thể chế là cơ hội để trưởng thành. Trưởng thành lĩnh vực này mới làm lãnh đạo được. Làm nhà nước có thể chế và thực thi. Thể chế trước, thực thi sau. Thể chế không tốt thì thực thi không hiệu quả. Thể chế là điều kiện cần, thực thi là điều kiện đủ. Năng lực đầu tiên của cán bộ là làm thể chế, am hiểu thực tế. Làm thể chế là cao hơn một mức so với thực thi. Làm thể chế phải đọc rất nhiều kinh nghiệm quốc tế, nhất là các vấn đề mới, thể chế số. Để làm thể chế thì đầu tiên cần có sơ sở dữ liệu về các quốc gia khác để xem họ đã làm như thế nào. Cho nên, từng lĩnh vực phải xây dựng cơ sở dữ liệu riêng của mình.
Bộ trưởng giao Thứ trưởng Phạm Đức Long chủ trì nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam một bộ thể chế số xem phải gồm những gì, luật, chiến lược, quy hoạch. Việt Nam thiếu gì, bổ sung như thế nào, cái gì đưa vào văn bản cũ, cái gì phải ban hành văn bản mới./.
Số liệu tổng quan ngành TT&TT tháng 02 và 02 tháng đầu năm 2024: - Trong 02 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 653.284 tỷ đồng, tăng 24,55% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 15,7% so với kế hoạch năm (4.171.172 tỷ đồng). - Lợi nhuận toàn Ngành ước đạt 46.300 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 15% so với kế hoạch năm (302.400 tỷ đồng). - Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 16.053 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 15,8% so với kế hoạch năm (101.593 tỷ đồng). - Đóng góp vào GDP của ngành TT&TT ước đạt 148.063 tỷ đồng, tăng 12,51% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 15% so với so với kế hoạch năm (938.136 tỷ đồng). - Tổng số lao động toàn Ngành tính đến tháng 02/2024 ước khoảng 1.536.796 lao động, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 97,17% so với kế hoạch năm (1.581.662 lao động). |
Theo mic.gov.vn