Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu
Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.
Dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và được UBND tỉnh Sơn La chấp thuận cho Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - Bộ NN-PTNT) thực hiện trên địa bàn tỉnh. Sau 3 năm triển khai thực hiện, dự án đã xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững với 34 nông hộ hưởng lợi.
Các chuyên gia kỹ thuật của FAO kiểm tra chất lượng cây trồng trong mô hình canh tác không dùng đất. Ảnh: Quỳnh Chi.
Theo chuyên gia của FAO, qua 3 năm triển khai dự án, bà con đã nâng cao trình độ sản xuất của mình lên một tầm mới. Trước đây, nông dân Mộc Châu dùng phân viên không hòa tan để bón rải trực tiếp trên mặt đất, sau đó dùng dây tưới kéo phun để phân ngấm dần vào đất. Cách này không chỉ làm rửa trôi phân bón, giảm hiệu quả của phân mà còn gây ô nhiễm môi trường, nhất là ngấm xuống dưới ảnh hưởng đến tầng nước ngầm.
Qua 3 năm, với sự tư vấn kỹ thuật từ cán bộ của dự án, bà con đã thành thạo việc sử dụng phân bón hòa tan nên tiết kiệm được vật tư. Hiệu quả bón phân tăng lên, cây rau cho năng suất và chất lượng cao hơn nhiều so với trước.
Bên cạnh đó, bà con đã tiếp cận được các cây trồng mới (ớt chuông, cà chua bi, dưa chuột baby, dưa lê và dưa lưới). Cây giống được giới thiệu cho các hộ dân là cây giống ghép, cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn nhiều so với cây giống đại trà trước đó.
Dự án đã nâng cấp 3 vườn ươm cây rau giống (nhà màng, giàn đặt khay cây, máy xay giá thể, máy gieo hạt tự động, lò hấp tiệt trùng giá thể, hệ thống tưới phun), đồng thời đào tạo kỹ thuật ghép cây cho 3 chủ vườn ươm là các hộ sản xuất cây giống chất lượng cao, cung cấp cho vùng sản xuất rau tại Mộc Châu.
Đặc biệt, cây ớt chuông - loại rau cao cấp chỉ được trồng tại Đà Lạt thì nay đã sản xuất thành công tại Mộc Châu, mang lại giá trị kinh tế rất cao cho bà con trong dự án. Ớt chuông hứa hẹn là cây trồng có triển vọng cho nông dân sản xuất rau tại Mộc Châu.
Ớt chuông hứa hẹn là cây trồng có triển vọng mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân sản xuất rau tại Mộc Châu. Ảnh: Quỳnh Chi.
Bà con cũng đã làm chủ các công nghệ quản lý nhà lưới, trở thành những công nhân nông nghiệp công nghệ cao thực thụ. Họ thành thạo điều khiển hệ thống lưới cắt nắng, chủ động giữ nhiệt trong nhà lưới vào mùa đông; biết cắt tỉa nhánh, hạ thấp cây, thụ phấn bổ sung, quản lý sâu bệnh hại một cách khoa học.
Dự án đã thử nghiệm thành công các mô hình trồng rau không dùng đất với các cây trồng như cà chua, ớt chuông, dưa lưới bằng giá thể xơ dừa; trồng rau xà lách bằng công nghệ thủy canh. Các buổi tham quan và tập huấn kỹ thuật cho bà con tham gia dự án đã góp phần giới thiệu kỹ thuật trồng rau mới tới nông dân Mộc Châu. Qua đó, đã có bước chuyển dịch, tiến tới áp dụng công nghệ cao cấp hơn trong sản xuất rau. Tới đây, một số hộ sẽ tiên phong áp dụng công nghệ này trong nhà lưới, mở ra nhiều triển vọng cho sản xuất rau công nghệ cao tại Mộc Châu.
Bà con đã biết liên kết với nhau để lựa chọn được cây rau phù hợp cho từng điều kiện nhà lưới, thời vụ. Khác với trồng ngoài trời phải phụ thuộc vào thời tiết, bà con sản xuất rau trong nhà lưới hiện đã chủ động chọn được cây rau có giá trị kinh tế cao. Nông dân chủ động lựa chọn thời vụ tốt nhất, tạo ra lợi thế cạnh tranh nhất, phát huy hiệu quả kinh tế cao nhất.
FAO đánh giá cao tinh thần ham học hỏi của hơn 30 đại diện nông dân tham gia dự án. Ảnh: Quỳnh Chi.
Về khả năng tiếp nhận các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của nông dân Mộc Châu, chuyên gia FAO đánh giá nông dân Mộc Châu nói riêng và Sơn La nói chung rất cần cù, chịu khó, ham học hỏi để cầu tiến. Dự án đã rất thuận lợi khi có đủ các điều kiện cần thiết để có được thành công. Các hộ dân được tham quan một số nhà lưới tiêu biểu trong dự án. Đồng thời, tổ chức cho nông dân đi tham quan thực tế tại Đà Lạt, qua đó giúp các hợp tác xã, các hộ sản xuất điển hình của dự án đúc rút kinh nghiệm và cải thiện nhà lưới của mình.
Dự án đã triển khai nhiều đợt tập huấn kỹ thuật được thiết kế riêng cho điều kiện trồng nhà lưới như: Tập huấn công nghệ ghép cây tại Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI) cho 3 chủ vườn ươm; kỹ thuật pha phân bón; kỹ thuật cắt tỉa, hạ thấp cây; kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại chính (bệnh héo xanh vi khuẩn Ralstonia, bệnh lở cổ rễ, bệnh héo vàng do nấm Fussarium, bệnh tuyến trùng hại rễ, sâu đục lá cà chua Nam Mỹ, bọ trĩ, bọ phấn trắng, rầy, rệp…).
Các hợp phần khác của dự án gồm công nghệ sản xuất rau không dùng đất (giá thể xơ dừa, thủy canh); công nghệ chế biến sau thu hoạch; kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm và các nền tảng kinh doanh online, cảnh báo phơi nhiễm thuốc BVTV và tác động sức khỏe liên quan đến giới…