Khơi thông hành lang pháp lý cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao

10:26, 27/07/2024

Không chỉ các doanh nghiệp, người nông dân tiếp cận các nguồn lực tài chính cho đầu tư và phát triển nông nghiệp thông minh gặp khó, mà các ngân hàng cho vay vốn với các dự án nông nghiệp công nghệ cao cũng gặp nhiều vướng mắc…

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao vẫn đang vấp phải nhiều thách thức. Ảnh minh họa.

Xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực được ưu tiên và luôn dành nhiều ưu đãi cho khách hàng vay vốn. Tuy nhiên, tại "Diễn đàn Nông nghiệp 2024” mới đây, ông Lê Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay vốn thực hiện công nghệ cao.

CHO VAY CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC

Cụ thể, ông Tuấn cho rằng chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều bất cập như việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn chung chung, chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí của dự án, nên ngân hàng thiếu căn cứ để xác định cho vay theo chương trình.

Ngoài ra, thiếu nguồn vốn đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ông Tuấn đánh giá, đây là một yếu tố quan trọng, bởi lẽ, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trước tiên phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, công nghệ, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm…

Việc tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập. Để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần phải có diện tích đất quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, việc phát triển nông nghiệp còn thiếu quy hoạch, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất còn chậm.

Thêm vào đó, chính sách đất nông nghiệp chưa khuyến khích nông dân bảo vệ đất và đầu tư dài hạn vào đất. Đất sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn còn rất manh mún.

Những năm gần đây, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Mặc dù vậy, ông Tuấn nhận định, so với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thì vẫn còn khoảng cách khá xa.

Hệ thống đường nông thôn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp sẽ là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp khi muốn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Thực tế cho thấy năng lực nội sinh lĩnh vực khoa học công nghệ trong nông nghiệp của nước ta còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; công nghệ chế biến sâu chưa làm chủ được, các doanh nghiệp vẫn phải nhận chuyển giao từ nước ngoài... là những rào cản cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua.

Ông Tuấn cũng chỉ ra, tính tuân thủ của các bên khi tham gia chuỗi giá trị và thị trường bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa phát triển tương xứng. Việc tuân thủ hợp đồng nông nghiệp của các đơn vị trong chuỗi giá trị còn nhiều bất cập, thiếu biện pháp xử lý để tăng tính ràng buộc.

Cùng với đó, lĩnh vực nông nghiệp có rủi ro lớn nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia bảo hiểm còn hạn chế, sản phẩm bảo hiểm còn đơn điệu. Mặt khác, bản chất của ngành nông nghiệp là gắn liền với rủi ro nên các doanh nghiệp bảo hiểm cũng chưa mặn mà.

Ông Lê Văn Tuấn: "Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay vốn thực hiện công nghệ cao."

Hơn nữa, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Phần lớn nông sản của Việt Nam xuất khẩu mới chỉ ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, nhiều loại nông, lâm, thủy sản chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, khả năng cạnh tranh thấp.

Chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, lao động nông nghiệp trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo là 12,57 triệu người, chiếm 89,97% tổng số lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong độ tuổi lao động. Trong khi đó, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa bám sát yêu cầu của thực tế.

NHANH CHÓNG BAN HÀNH CÁC KHUNG PHÁP LÝ

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới, ông Phạm Đình Nam, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ và phát triển nông nghiệp Việt Nam, cho biết khi đầu tư nông nghiệp công nghiệp cao, doanh nghiệp phải bỏ chi phí lớn cho hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật… Do đó, cần coi đây là tài sản đảm bảo để tiếp cận tín dụng kể cả những sản phẩm được hình thành trên đất nông nghiệp.

Theo đó, các Bộ ngành cần nhanh chóng ban hành các khung pháp lý, quy định và hướng dẫn liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tài chính xanh nhằm khơi thông hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp cũng như tổ chức tài chính tham gia vào thị trường nông nghiệp công nghệ cao, tài chính xanh.

Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ chi phí thiết kế đồng ruộng, cơ sở hạ tầng, tạo vùng sản xuất tập trung chuyên canh sản xuất hàng hóa, thuận tiện cho áp dụng cơ giới hóa để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ chi phí đo đạc, lập hồ sơ, chuyển đổi đất đai giữa các tổ chức, hộ nông dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Đồng thời, cần hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xúc tiến thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao…

Tiến hành xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để đưa vào phục vụ nông nghiệp. Phối hợp với các sở, ngành, viện, trường, các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài tập hợp các dữ liệu, tài liệu, mô hình đã có.

Ông Tuấn kiến nghị cần xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp từng bước phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Đặc biệt, các trường đại học, viện, học viện cần có các chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng, thu hút được lao động trẻ, có năng lực, trình độ nghiên cứu về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Chú trọng đào tạo nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, kỹ năng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho cán bộ quản lý khoa học - công nghệ, cán bộ kỹ thuật… của hợp tác xã, tổ hợp tác. Đào tạo tay nghề ngắn hạn và thường xuyên cho nông dân, tập huấn cho các doanh nghiệp, nông dân về kiến thức công nghệ cao trong nông nghiệp.

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/khoi-thong-hanh-lang-phap-ly-cho-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao.htm