Đột phá trong nông nghiệp nhờ ứng dụng công nghệ 5.0

14:06, 25/07/2024

Tận dụng thành tựu khoa học công nghệ, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao giúp tạo ra nền kinh tế có giá trị cao hơn, xanh hơn, sạch hơn.

Chiều 23/7, Diễn đàn Nông nghiệp 2024 "Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0" đã được tổ chức nhằm góp phần nhận diện các cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam; đồng thời đưa ra giải pháp để ứng dụng công nghệ 5.0 thành công tạo chuỗi sản xuất cung ứng ngành nông nghiệp bền vững…

Nông nghiệp không thể cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp

Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

"Với kết quả này, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm", ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.

Trong bối cảnh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức do sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI nhận định nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên. Cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ 4.0 đang là nền tảng. Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hoá đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.

"Đặc biệt, với ngành nông nghiệp Việt Nam có chủ thể là hàng chục triệu nông dân với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, năng suất lao động thấp dễ tổn thương và chịu nhiều tác động của sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp", ông Phòng nói.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp).

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp) cho biết: Trước 3 chữ "biến" của ngành nông nghiệp là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng, phương châm chính và cách tiếp cận của ngành nông nghiệp đưa ra là tạo ra giá trị nhiều hơn từ việc sử dụng ít đầu vào hơn, ít tài nguyên thiên nhiên hơn, ít sức lao động hơn và tạo ra giá trị cao hơn.

"Làm được điều đó, chỉ có cách tận dụng thành tựu của khoa học công nghệ, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra nền kinh tế có giá trị cao hơn, xanh hơn, sạch hơn", ông Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cùng với nông nghiệp bền vững là nhiều chính sách, cơ chế của Chính phủ để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số trong nông nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn… Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư như trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp chế biến, logistics…

Chưa có điều kiện ứng dụng công nghệ cao

Tại sự kiện, ông Đặng Kim Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao nhấn mạnh: "Lực lượng chủ lực trong sản xuất, kinh doanh nông lâm ngư nghiệp ở Việt Nam vẫn là khoảng 10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ và vài triệu hộ kinh doanh nông nghiệp. Với quy mô đất đai manh mún và nguồn vốn nhỏ bé, trình độ chuyên môn kỹ thuật hạn chế, các hộ sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp của Việt Nam chưa có điều kiện và năng lực để ứng dụng công nghệ cao".

Ông Sơn nhấn mạnh, cả hai mảng xanh và hiện đại đều phải dựa trên nền tảng vững chắc là nông dân, doanh nghiệp. Trong đó chủ lực là các tập đoàn, doanh nghiệp trong ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao. Do đó, ông Đặng Kim Sơn đề xuất chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp đi đầu này.

Cụ thể, hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực; áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Với quy mô đất đai manh mún và nguồn vốn nhỏ bé, trình độ chuyên môn kỹ thuật hạn chế, các hộ sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp của Việt Nam chưa có điều kiện và năng lực để ứng dụng công nghệ cao.

Bàn về cơ hội áp dụng cuộc cách mạng công nghệ 5.0 vào sản xuất nông nghiệp, ông Sơn cho rằng, trong bối cảnh khoa học công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất quan trọng, đặc biệt những đột phá mới trong kỹ thuật số và công nghệ tin học đang thực sự tạo ra một cuộc cách mạng mới.

Cùng với những thay đổi to lớn về nhu cầu của người tiêu dùng và chính sách của các thị trường hướng đến thân thiện với môi trường, thích nghi với biến đổi khí hậu, phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trên mọi ngành nghề, đặc biệt là nông nghiệp đang gắn giữa thông minh và vững bền.

"Liệu nông nghiệp Việt Nam có tiếp tục giữ vững vai trò bệ đỡ ổn định và động lực phát triển cho kinh tế, xã hội, môi trường của đất nước hay không hoàn toàn tùy thuộc vào quá trình thích nghi và phát triển của các doanh nghiệp ứng dụng khoa học nghệ đầu đàn của Việt Nam", ông Sơn nhấn mạnh.

Do đó, ông Sơn cho rằng cần nhanh chóng đổi mới cơ chế và hoàn thiện hệ thống tổ chức của các viện nghiên cứu và trường đại học, thực sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo, tạo động lực để cán bộ khoa học tập trung vào sáng tạo, quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của sản phẩm khoa học.

Theo Tạp chí Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/dot-pha-trong-nong-nghiep-nho-ung-dung-cong-nghe-5-01-p56713.html