Cuộc sống của cô gái tự tử vì... sản xuất iPhone
05:55, 08/08/2013
Điều kiện sống và làm việc tồi tệ của công nhân tại các nhà máy Foxconn đang bị giới truyền thông và các tổ chức công đoàn lên án. Câu chuyện về một cô gái mới 17 tuổi phải tự tử vì không chịu nổi cảnh sống và làm việc hà khắc tại một nhà máy Foxconn đã cho thấy cái nhìn rõ nét hơn về những con người sản xuất ra iPhone, iPad.
Cô gái có cái tên Trung Quốc là Tian Yu đã phải làm việc hơn 12 giờ một ngày, 6 ngày một tuần. Cô phải bỏ cả bữa cơm để làm thêm giờ. Sau đó, cô đã lao mình tự tử từ một ô cửa sổ trên tầng 4. Tian Yu đã tự tử vào năm 2010, cũng trong năm này, có 17 đồng nghiệp khác của cô làm việc tại Foxconn đã tự tử.
Tian Yu, cô gái 17 tuổi làm việc tại nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn đã tự tử nhưng may mắn thoát chết
Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 17/3/2010, Tian Yu đã nhảy xuống từ tầng 4 của khu phòng ngủ tập thể tại nhà máy Foxconn ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Trong tháng trước đó, cô gái vị thành niên này đã phải làm việc trong một dây chuyền lắp ráp các linh kiện iPhone và iPad cho Apple. Tại các nhà máy Longhua của Foxconn, 400.000 công nhân chuyên làm công việc sản xuất smartphone và tablet của các hãng Samsung, Sony hay Dell và những sản phẩm này sẽ đến với các hộ gia đình ở Anh và Mỹ.
Nhưng nổi tiếng hơn cả là nhà máy lớn nhất tại Trung Quốc này sản xuất thiết bị cho Apple. Trong năm 2010, họ đã sản xuất ra một con số không tưởng các điện thoại iPhone: trong năm 2010, mỗi ngày các nhân viên cho ra đời 137.000 iPhone, tức cứ một phút lại có khoảng 90 máy iPhone ra đời.
Cũng trong năm đó, 18 công nhân – không ai quá 25 tuổi - đã tự tử tại các cơ sở của Foxconn. 14 người đã chết. Tian Yu là một trong những người may mắn, tỉnh dậy sau 12 ngày hôn mê, cô đã bị gãy cột sống và hông, bị liệt từ phần thắt lưng trở xuống. Lúc đó, cô mới 17 tuổi.
Khi tin tức về các vụ tự tử nổ ra, các phóng viên đã lao vào cuộc tìm hiểu xem có gì sai trái tại các dây chuyền cung ứng sản phẩm của Apple. Các bức ảnh được chụp, các cuộc phỏng vấn với công nhân cho thấy điều kiện lao động và sinh hoạt tệ thế nào. Trong 3 năm qua, Yu liên tục được Jenny Chan và Sacom, nhóm vận động vì quyền lợi người lao động ở Hong Kong phỏng vấn. Từ khi cô gái được phục hồi sức khoẻ ở bệnh viện tại Thâm Quyến đến khi cô về nhà với gia đình ở một ngôi làng, Chan và các đồng nghiệp luôn liên lạc với nhau. Kết quả là một cái nhìn sâu sắc hiếm thấy đã tiết lộ về cách thức các công ty điện tử lớn hoạt động: họ tuyển dụng những lao động trẻ tuổi, những người nhập cư nghèo khổ đến từ các vùng nông thôn Trung Quốc, nhồi nhét họ vào các khu nhà tập thể đông đúc tồi tàn, sau đó chọn ra những người có thể giữ lại.
Vào tháng 2/2010, Yu rời làng ở miền Trung Trung Quốc để đi kiếm tiền hỗ trợ gia đình nghèo. Khi ra đi, bố cô đã đưa cho cô số tiền 500 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu đồng) và chiếc điện thoại secondhand để cô có thể gọi về nhà. Sau chuyến đi gần 700 dặm (hơn 1.000 km), cô đã đến Foxconn. Cuốn sổ tay nhân viên kêu gọi: “Hãy nhanh chóng đến với những giấc mơ đẹp nhất của bạn, theo đuổi một cuộc sống sung sướng, tuyệt vời”.
Như Yu không hề thấy cuộc sống hàng ngày của cô có gì “tuyệt vời”. Các giám sát sẽ bắt đầu từng ca làm việc bằng cách hỏi các công nhận: “Các bạn có khoẻ không”, các nhân viên bị bắt buộc trả lời: “Tốt! Rất tốt! Rất rất tốt!” Sau đó, mọi người đều phải im lặng, không được nói chuyện.
Yu đã làm việc hơn 12 giờ một ngày, 6 ngày một tuần. Cô bị buộc phải tham dự các cuộc họp vào buổi sáng mà không được trả tiền, phải bỏ bữa cơm để làm quá giờ. Giờ để đi vệ sinh cũng bị hạn chế, nếu phạm lỗi lầm sẽ bị quát mắng. Và cô không hề được đào tạo.
Trong tháng đầu tiên, Yu phải làm việc toàn bộ 7 ngày/tuần. Cô hầu như không muốn làm gì ngoại trừ ngủ. Cô phải thay ca liên tục cả ngày và đêm và ở trong phòng ngủ tập thể có 8 người, và cô cũng hiếm khi biết tên của những người bạn ngủ cùng mình.
Bị mắc kẹt trong một thành phố xa gia đình, không thể kết bạn hay thậm chí là một đêm ngủ ngon giấc, cuối cùng Yu đã kiệt quệ khi các sếp của cô không trả tiền lương cho tháng làm việc này bởi một số quy định hành chính. Tuyệt vọng, cô gái đã nhảy qua cửa sổ. Lúc đó, Foxconn còn nợ cô khoảng 4,5 triệu tiền lương cơ bản và lương làm thêm giờ, chưa bằng ¼ chiếc iPhone 5 mới.
Các vụ tự tử liên tiếp tại các nhà máy của Foxconn đã khiến Tổng giám đốc Tim Cook của Apple phải yêu cầu Foxconn cải thiện điều kiện làm việc. Nhưng không có thông tin nói ông cung cấp tiền để làm điều đó, hay thậm chí giảm nhẹ các điều kiện làm việc hà khắc đã áp đặt lên Foxconn.
Sau vụ tự tử đó, Yu nhận được khoản tiền gọi là “thanh toán nhân đạo” là 180.000 nhân dân tệ (khoảng 600 triệu đồng) để giúp cô về nhà. Bố của cô nói rằng: “Cứ như là họ đang mua và đang bán một thứ gì đó vậy”.
Hoàng Hải