Đã có kỹ thuật lưu trữ dữ liệu an toàn trong hàng tỷ năm
12:10, 17/02/2016
Công bố mới nhất hôm 16/2 được Đại học Southampton đưa ra cho rằng dữ liệu đã có thể lưu trữ an toàn trong hàng tỷ năm nhờ kỹ thuật ghi dữ liệu theo 5 chiều.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu quang học (ORC) tại Đại học Southampton, kỹ thuật mới này có thể khắc dữ liệu bằng tia laze lên một loại đĩa có khả năng ổn định nhiệt để lưu trữ 360 TB dữ liệu mỗi đĩa trong khoảng thời gian 13,8 tỷ năm ở nhiệt độ phòng mà không bị hao mòn. Thậm chí, đĩa lưu trữ còn có thể chịu được nhiệt độ lên đến 1.000 oC mà không bị hỏng hóc.
Theo kích thước ở mức nano, mỗi tập tin sẽ được tạo thành bởi 3 lớp chấm nhỏ (dots) với 5 chiều lưu trữ dữ liệu. Ánh sáng truyền qua đĩa sẽ làm thay đổi phân cực của các chấm nhỏ và được đọc bằng kính hiển vi, kính phân cực.
Trước đó, công nghệ này đã được nhóm nghiên cứu Đại học Southampton giới thiệu vào năm 2013 ở giai đoạn chưa hoàn chỉnh chỉ 300 Kb dữ liệu ghi trên mỗi đĩa. Sau ba năm kể từ buổi giới thiệu đầu tiên, kỹ thuật ghi dữ liệu trên đĩa CD 5D đã đạt được một bước tiến mới đáng kể.
"Thật là phấn khích khi nghĩ rằng, chúng tôi đã tạo ra công nghệ bảo quản tài liệu và thông tin, lưu trữ nó cho các thế hệ tương lai", giáo sư Peter Kazansky tại ORC bày tỏ. "Công nghệ này có thể bảo mật bằng chứng cuối cùng của nền văn minh nhân loại. Tất cả chúng ta đã tìm ra cách để không bị lãng quên", ông chia sẻ.