Thị trường Việt Nam rất phong phú về các loại tai nghe nhạc của các hãng, hàng "xịn" có, hàng "nhái" có. Người mua có thể chọn cho mình một chiếc như ý tùy theo túi tiền của mình.
|
Tai nghe Creative HQ-1700. ảnh: Creative. |
Khi mà điều kiện kinh tế hoặc không gian không cho phép bạn mua một bộ giàn âm thanh thì một chiếc headphone để thỏa mãn nhu cầu “thưởng âm" là một lựa chọn hợp lý. Thị trường Việt Nam hiện tại đã có headphone của các hãng tên tuổi như Sony, Creative, Audio-Technica, Sennheiser, hay ít nổi hơn là Koss, Grado, AKG, bên cạnh đó còn rất nhiều hàng Trung Quốc. Giá cả của những loại này rất đa dạng, vài trăm nghìn đồng cũng có mà mấy triệu cũng có. Tạm thời, Số Hóa chia headphone theo giá: thấp hơn 50 USD, từ 50 đến 100 USD, từ 100 đến 200 USD và cao hơn thế.
|
Tai nghe của AKG K26 P tầm 50 USD. ảnh: Musikland. |
Theo anh Sơn, chủ một cừa hàng chuyên bán thiết bị âm thanh trên phố Hàng Bài (Hà Nội), rất nhiều người tìm mua những headphone có giá dưới 50 USD. Với tầm tiền này, bạn có khá nhiều lựa chọn, như Creative HQ-1700, Sennheiser HD414, PMX100, PMX200, Koss KSC75, ProtaPro, AKG K26 P… Những nhãn hiệu trên phần nào thỏa mãn được nhu cầu thưởng âm của những người không quá cầu kỳ. Với tầm tiền từ 50 đến 100 USD, lựa chọn của bạn càng nhiều hơn, và bạn cũng mua được nhiều thương hiệu nổi tiếng như Sony, Sennheiser. Một số nhãn hiệu được gợi ý là Sony MDR-V6, Sennheiser HD-280, Grado SR60/SR80, AKG 26 P, AKG K240S, AKG K240Studio… Đặc điểm của những loại này là được thiết kế ôm lấy vành tai, khiến âm thanh phát ra không bị ảnh hưởng của tiếng ồn bên ngoài. Hơn nữa, không giống những headphone rẻ tiền, chụp tai của những loại này mềm và không gây nhức đầu mỗi khi đeo lâu. Nếu bỏ ra nhiều tiền hơn thì bạn hoàn toàn có thể chọn Sony MDR-XD400, Audio Technica ATH-A500, Sennheiser HD580/HD595, Grado SR225… Những loại trên chủ yếu được hãng quảng cáo là "trang bị công nghệ tái tạo âm thanh tiên tiến", hay có bộ lọc âm chất lượng tốt. Tuy nhiên, những người bán hàng cho biết loại này ít có hàng chính hãng, muốn mua khách phải đặt và họ mới nhập hàng về.
|
Tai nghe Sennheiser dành cho những người sành nhạc. ảnh: Livedoor. |
Chủ một cừa hàng bán headphone trên đường Bà Triệu (Hà Nội) cho hay, mỗi loại có một âm sắc riêng. Thực ra, từng loại tái tạo chi tiết, tính chính xác của âm thanh khác nhau. Độ rộng của trường âm thanh mà từng loại mang lại cũng khác nhau. Theo người bán hàng này, khi mua headphone, bạn phải chú ý đến thể loại mình hay nghe vì thường mỗi loại chỉ phù hợp với một hai loại nhạc. Anh ví dụ, những loại hợp với nhạc jazz hay pop thì nghe rock sẽ không "phê". Bên cạnh hàng chính hãng, tại các cừa hàng bán đồ máy tính cũng có rất nhiều loại "nhái". Đặc điểm của những loại này là do Trung Quốc hay Đài Loan sản xuất, giá rất rẻ, chỉ khoảng 100 - 200 nghìn đồng. Theo một người bán hàng, khách hàng là sinh viên hay chọn mua loại này, nhưng dùng một thời gian lại phải thay mới. Bệnh thường gặp của nó là mất một kênh tiếng do lỏng dây nối bên trong.
|
Tai nghe không dây thường đi kèm bộ phát tín hiệu. ảnh: Ferra. |
Tai nghe không dây Nếu bạn cảm thấy headphone theo kiểu "truyền thống" khá vướng víu và không linh động trong khi sử dụng thì có thể chọn loại không dây. Những loại này thường dòng sóng ngắn hồng ngoại, sóng vô tuyến, hay "xịn" hơn là sóng Bluetooth để truyền tín hiệu. Nếu so với tai nghe có dây thì tai nghe không dây đắt hơn một chút. Giá trung bình khoảng 100 USD/chiếc. Mặc dù tiện lợi khi sử dụng nhưng loại tai nghe này không được đánh giá cao vì chất lượng âm thanh không tương ứng với số tiền mà bạn bỏ ra. Tín hiệu truyền từ bộ phát tới tai nghe thường bị nhiễu hoặc bị phản xạ nhiều lần nên chất lượng âm thanh giảm xuống. Thêm vào đó, khi đeo lâu, bạn sẽ cảm thấy nặng đầu vì phần lớn những headphone loại này đều có một bộ pin để làm nguồn nuôi. Những thương hiệu headphone không dây có tên tuổi tại Việt Nam là Sennheiser RS30/RS45/RS65/RS85, Genius BT-02N… với giá từ 100 đến 300 USD.
H.T.H.