Đặc sắc Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh - vị thánh đứng đầu trong Tứ bất tử

10:46, 24/02/2024

Ngày 23/2 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh đã diễn ra tại Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội). Đây là năm thứ 16 huyện Ba Vì khôi phục và tổ chức lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tại cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ với mong muốn, giá trị văn hóa của lễ hội, những phong tục tập quán của Ba Vì được bảo tồn và lan tỏa mạnh mẽ.

Tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh tưởng nhớ tới người anh hùng văn hóa, vị thánh đứng đầu trong "Tứ bất tử" của người Việt. Theo GS. Trần Quốc Vượng: "Ở Ba Vì, núi trở nên thiêng là nhờ thần Núi Sơn Tinh - Thánh Tản. Và vị thần Núi này trở nên bất tử là do có bệ đỡ của tảng nền văn hóa - tâm linh của người Việt cổ trong cộng đồng Việt Mường chung".

Phát biểu tại Lễ khai hội, ông Đỗ Mạnh Hưng - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì (TP. Hà Nội) cho biết, trong tâm thức dân gian của người Việt, Tản Viên Sơn Thánh tên thật là Nguyễn Tuấn, là con của Thánh mẫu Đinh Thị Đen và Cố phụ Nguyễn Cao Hành, sinh ra tại Động Lăng Sương, nay thuộc xã Đồng Trung (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ).

Ông Đỗ Mạnh Hưng - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì (TP. Hà Nội) phát biểu tại Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh.

Tản Viên Sơn Thánh không chỉ hiện thân của một vị thần núi, cai quản không gian thiêng của ngọn núi Tản phía Tây kinh thành Thăng Long mà còn là hiện thân của nhân vật anh hùng chiến đấu chống lại thế lực ngoại bang, liên minh các bộ tộc, bảo vệ địa bàn cư trú của cư dân.

Tản Viên Sơn Thánh, hay còn được người đời biết đến dưới cái tên Sơn Tinh – một vị thần trong truyền thuyết mà ắt hẳn bất kỳ người Việt Nam nào cũng biết “Sơn Tinh, Thủy Tinh”.

Bên cạnh đó, Tản Viên Sơn Thánh còn là nhân vật anh hùng sáng tạo văn hóa, tạo ra lửa, khơi nguồn nước cứu nạn dân chúng, dạy dân các nghề nghiệp khác nhau và được tôn thờ như một vị tổ sư bách nghệ. Tôn vinh công trạng, ân đức của gia đình ngài, việc thờ phụng được nhân dân lưu truyền và tiếp nối ngàn đời và lập đền thờ ở nhiều nơi. Đặc biệt là cụm di tích lịch sử văn hóa Tản Viên Sơn trên núi Ba Vì.

Người dân và du khách thập phương được tham gia nghi thức dâng hương tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Tản, cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân cường, vật thịnh, dân sinh ấm no, hạnh phúc.

Tản Viên Sơn Thánh từ lâu được phong tặng, tôn vinh là Đệ nhất phúc thần, Thượng đẳng tối linh thần, Nam thiên thánh tổ. Đứng đầu "tứ bất tử" trong tín ngưỡng thần điện của người Việt. Với giá trị di sản văn hóa to lớn đó, năm 2018, Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh là lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ vị thần đứng đầu trong "tứ bất tử" theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì (TP. Hà Nội) cho biết, năm nay huyện Ba Vì quyết định tổ chức Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh kết hợp với khai trương du lịch nhằm khởi động và khuyến khích, quảng bá du lịch ngay từ những ngày đầu năm và thống nhất sẽ tổ chức chính lễ vào đúng ngày 14 tháng Giêng hằng năm.

Theo thống kê, dịp đón Xuân từ ngày mùng 1 Tết đến hết Rằm tháng Giêng, dự kiến trên địa bàn đón trên 100.000 lượt khách, chủ yếu du Xuân và lễ bái tại các di tích và lễ hội. Trong đó, chỉ tính tiêng cụm di tích thờ Đức Thánh Tản Viên trên núi Ba Vì đón khoảng 90.000 lượt khách.

Theo truyền thuyết, Đức Thánh Tản Viên sống vào thời Hùng Duệ vương thứ 18. Ngài là hiện diện của Tam vị sơn thần: Tuấn Công, Sùng Công và Hiển Công đã được lưu truyền qua hàng ngàn đời. Tục thờ cúng Đức Thánh Tản Viên Sơn đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Trong đó tập trung ở Hà Nội và một số tỉnh như Thanh Hóa, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... Khu vực quanh núi Ba Vì (Hà Nội) là nơi phát tích và được coi là trung tâm thờ phụng Tản Viên Sơn Thánh. Theo thống kê, huyện Ba Vì có số lượng di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh lớn nhất vùng với trên 100 di tích.

Tại lễ hội, du khách được thưởng thức màn trình diễn trống hội, hát múa Trường ca sử Việt và sử thi tái hiện truyền thuyết Sơn Tinh cầu hôn con gái Vua Hùng, giúp dân chế ngự thiên tai.

Theo truyền thống, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức rộng khắp xứ Đoài, trong đó tập trung tại Cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ thuộc địa phận hai xã Minh Quang và xã Ba Vì (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội). Những năm gần đây, lễ hội từng bước phục dựng các nghi thức truyền thống để nâng tầm lễ hội, thu hút sự quan tâm của cộng đồng và du khách thập phương.

Trong đó, nghi lễ rước kiệu liên vùng dâng Thánh mẫu cùng Phụ thân của Thánh Tản (từ đền Hạ sang đền Lăng Sương, tỉnh Phú Thọ); rước kiệu lễ, hạ lộc từ đền Lăng Sương về đền Hạ được phục dựng sau nhiều năm gián đoạn. Ngoài ra, Ban tổ chức còn chú trọng thực hiện lễ rước nước từ Sông Đà tại bến sông xóm Cốc Đồng Tâm, xã Minh Quang (trước cửa đền Hạ) về làm lễ mộc dục.

Lễ rước nước diễn ra đúng 0 giờ đêm 14 tháng Giêng. Thực hiện nghi lễ là một cặp thiện nam – thiện nữ có đủ tài sắc, nhân thân tốt đã qua tuyển chọn từ trước. Đi theo tháp tùng là lãnh đạo địa phương, chủ nhang đền Hạ và đông đảo nhân dân1. Đoàn người được một chiếc thuyền đưa ra giữa dòng sông Đà trong đêm tối để lấy nước.

Tục truyền, người Nam múc 7 gầu nước, người nữ múc 9 gầu theo quan niệm “nam 7 vía, nữ 9 vía”. Nước được đem từ giữa dòng sông dâng lên bao sái các đồ thờ tự tại đền Hạ. Sau nghi thức tế lễ tại đền Hạ, 5 giờ sáng ngày 14 tháng Giêng, lễ rước nước thiêng từ đền Hạ được dâng lên đền Trung bắt đầu khởi hành.

Cùng với kiệu rước nước thiêng còn có kiệu lễ chay và kiệu lễ mặn gồm các lễ vật dâng cúng thần gồm lợn, gà, bánh chưng, bánh dày, hương hoa, oản, quả. Tiếng chiêng trống nổi lên từ trong đền, lần lượt dòng người đi theo trong tiếng nhạc. Đi đầu là thanh niên trai tráng khênh kiệu, lọng, cờ hoa. Ai được chọn trong đội rước là niềm vinh dự cho bản thân, gia đình. Kế theo là các cụ bô lão và người dân.

Đoàn rước cứ đi qua thôn nào, dân làng thôn đó lại nhập vào đoàn rước, cứ thế kéo dài tới vài cây số. Trống hội rền vang, lễ rước hoành tráng, cả không gian dưới chân núi Ba Vì tưng bừng không khí lễ hội, cầu mong Đức Thánh Tản Viên phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Di tích quốc gia đặc biệt mang trong mình đầy đủ về văn hóa, lịch sử về văn minh tín ngưỡng không chỉ người dân Hà Nội mà người dân của cả nước. Với đặc thù Ba Vì huyện miền núi địa lý như vậy với dân tộc Mường, dân tộc Dao còn ở trên huyện Ba Vì là nguồn chất liệu, cũng như tài nguyên rất là tốt để khai thác, phát huy giá trị phát triển du lịch về tâm linh và văn hóa tín ngưỡng”.

PV (Theo Tạp chí Tin học và Đời sống)