Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận 8 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7

10:37, 26/03/2024

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV diễn ra từ ngày 26-28/3 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, cho ý kiến về 8 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận 8 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7- Ảnh 1.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV.

Phát biểu khai mạc Hội nghị vào sáng 26/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 sẽ cho ý kiến vào 8 dự án luật nhằm thể chế hóa một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng, có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng cần được cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng (như Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…

Để việc thảo luận đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, thể hiện rõ quan điểm với những nội dung cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, xin ý kiến, những nội dung còn có các phương án khác nhau; đồng thời lưu ý rà soát các dự thảo luật đã quán triệt, thể chế hóa đầy đủ và đúng đắn chủ trương của Đảng, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị.

“Đề nghị các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến những quy định về điều khoản áp dụng pháp luật, điều khoản chuyển tiếp, bởi nếu không được xem xét kỹ lưỡng, quy định không đầy đủ, không rõ ràng thì luật ban hành xong vẫn còn những vướng mắc, bất cập, khó triển khai thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Từ những quan điểm, mục tiêu, chính sách lúc đầu đặt ra, cần xem xét những chính sách dự kiến hoàn thiện trong quá trình xây dựng pháp luật đã được thể hiện đầy đủ chưa? Những đề xuất mới đã được đánh giá tác động đầy đủ chưa? Các chính sách được quy định trong dự thảo có bảo đảm tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, có “mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững” được không? Đặc biệt, cần rà soát để không bị sơ hở, ngăn chặn được tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích của cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng đến các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Phát huy bài học, kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong quá trình xem xét, thông qua các luật, nghị quyết từ đầu nhiệm kỳ và kết quả của 4 hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục thống nhất nguyên tắc: Những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng và có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện. Những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày.

“Đề nghị các đại biểu tích cực nghiên cứu; chuẩn bị ý kiến ngắn gọn, súc tích, tránh trùng lặp; góp ý kiến thật sự chất lượng với phương án đề xuất chỉnh lý cụ thể. Trong quá trình thảo luận, khi cần thiết, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra sẽ báo cáo, làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu quan tâm; nội dung nào kết thúc sớm hơn thì sẽ chuyển luôn sang nội dung kế tiếp để tiết kiệm thời gian và bảo đảm hiệu quả của Hội nghị. Đề nghị các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan soạn thảo, cơ quan tổ chức hữu quan trực tiếp giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu và tiếp thu đầy đủ ý kiến tại Hội nghị để bổ sung, hoàn thiện các dự án Luật bảo đảm chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ bảy”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Theo Báo điện tử Chính phủ

https://baochinhphu.vn/dai-bieu-quoc-hoi-chuyen-trach-thao-luan-8-du-an-luat-trinh-quoc-hoi-tai-ky-hop-thu-7-102240326094005895.htm