Đại học Phenikka hướng tới mô hình Đại học đổi mới sáng tạo

06:05, 23/07/2025

Mục tiêu của Đại học Phenikaa tới năm 2030 là phát triển thành công ít nhất 2 công nghệ lõi thuộc công nghệ chiến lược cấp quốc gia; tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như các công nghệ: bán dẫn, tự hành, tích trữ năng lượng, y - sinh, vật liệu tiên tiến.

Ngày 22/7/2025, Tập đoàn Phenikaa, Đại học (ĐH) Phenikaa long trọng tổ chức “Lễ Công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường Đại học Phenikaa thành ĐH Phenikaa và Chiến lược đột phá phát triển”.

Sự kiện vinh dự được đón tiếp và lắng nghe ý kiến chỉ đạo của 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tiếp đón Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học uy tín, sinh viên cùng nhiều đối tác trong nước và quốc tế của ĐH Phenikaa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Lễ công bố

Sự kiện là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự bứt phá ĐH Phenikaa sau 6 năm tái cấu trúc toàn diện một cách quyết liệt để bước sang một giai đoạn mới với những mục tiêu đầy thách thức, nhưng cũng tràn đầy cảm hứng, vinh dự và tự hào.

Nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ĐH Phenikaa chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động, trở thành một ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, vận hành theo mô hình tích hợp Đại học - Doanh nghiệp (ĐH - DN), liên kết chặt chẽ với Hệ sinh thái Tập đoàn Phenikaa, kiến tạo một ĐH đổi mới sáng tạo (ĐMST) với 3 nhiệm vụ trọng tâm có vai trò ngang nhau: (1) Đào tạo, (2) Nghiên cứu khoa học, (3) ĐMST.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định chuyển Trường ĐH Phenikaa thành ĐH Phenikaa và Chiến lược đột phá phát triển.

ĐH Phenikaa sẽ trở thành bệ phóng cho các hoạt động đào tạo thực chiến và nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ (KHCN); tạo đột phá trong đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao về trình độ học thuật và kỹ năng thực tiễn; kiến tạo những công nghệ lõi chiến lược có khả năng ứng dụng - chuyển giao quy mô công nghiệp, tạo những ảnh hưởng tích cực và giá trị cao trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trên tinh thần các Nghị quyết đột phá của Đảng và Chính phủ (Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW, Nghị quyết số 59-NQ/TW, Nghị quyết số 66-NQ/TW, Quyết định số 452/QĐ-TTg), tại Sự kiện, ĐH Phenikaa cũng chính thức công bố mục tiêu 2030, tầm nhìn 2035 vô cùng thách thức, đòi hỏi tư duy kiến tạo, đột phá và nỗ lực không ngừng:

Mục tiêu tới năm 2030: Trở thành Top 100 các trường ĐH châu Á; Top 3 Việt Nam về ĐH đổi mới sáng tạo với Hệ sinh thái ĐH - DN, tích hợp đồng bộ các hoạt động Đào tạo - Nghiên cứu khoa học - ĐMST, trong đó: ít nhất 50% tổng thu của ĐH từ hoạt động ĐMST; 20% nhân sự kiêm nhiệm chéo giữa ĐH và DN; trên 20% giờ giảng DN và đặc biệt tham gia cùng Quốc gia phát triển hiệu quả ít nhất 2 công nghệ chiến lược và có ít nhất có 2 startup/spin-off từ chuyển giao vốn hoá trên 100 triệu USD mỗi DN.

Mục tiêu chiến lược 2030 và Tầm nhìn 2035 của ĐH Phenikaa

Tầm nhìn tới năm 2035: Trở thành Top 200 - 300 ĐH trên thế giới, Top 1 Việt Nam về Đại học ĐMST, đưa nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ chiếm 70% tổng nguồn thu của ĐH.

Để hiện thực các mục tiêu đặt ra, tại sự kiện, ĐH Phenikaa công bố 5 đột phá mang tầm chiến lược, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của nhà trường:

Đột phá về Mô hình ĐH và thể chế: 

Phenikaa hướng tới ĐH ĐMST, Phenikaa phát triển theo mô hình tích hợp ĐH - DN với:

(1) Chiến lược phát triển và hoạch định nguồn lực cho dài hạn, xuyên suốt thời gian, không phụ thuộc vào thế hệ lãnh đạo ĐH.

(2) Một thể chế tạo ra cơ chế: Cho phép phân quyền ra quyết định đến tất cả các cấp một cách hiệu quả nhất, nhanh nhất và chủ động nhất, cho phép các chủ thể sở hữu trí tuệ (SHTT) là chủ thể kinh doanh ý tưởng của mình, phát huy tài năng của mỗi cá nhân trong tổ chức; cho phép các lãnh đạo, quản lý, giảng viên, nhà khoa học của ĐH kiêm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý, tư vấn, tham gia chuyên môn cho các DN (trong và ngoài Tập đoàn) và ngược lại, các lãnh đạo, quản lý DN (có trình độ phù hợp) tham gia lãnh đạo, quản lý, giảng dạy, nghiên cứu tại ĐH.

Hệ sinh thái ĐH Phenikaa nằm trong Hệ sinh thái Tập đoàn Phenikaa thực hiện 3 nhiệm vụ cốt lõi là Đào tạo - Nghiên cứu Khoa học - ĐMST được gắn kết một cách tự nhiên hữu cơ, hình thành một tam giác vàng tương hỗ, trong đó: (1) Đào tạo cung cấp nhân lực chất lượng cao và ý tưởng sáng tạo; (2) Nghiên cứu khoa học tạo ra tri thức mới (công bố quốc tế, bằng sáng chế/GPHI); (3) ĐMST: chuyển hóa tri thức thành giải pháp thương mại và kinh doanh tri thức.

Các nhiệm vụ cốt lõi của Hệ sinh thái ĐH Phenikaa được liên kết chặt với 4 lĩnh vực của Tập đoàn: Công nghiệp, Phát triển Công nghệ, Chăm sóc sức khỏe, Giáo dục và Đào tạo.

Được quản trị theo mô hình DN tri thức, Khối Học thuật chịu trách nhiệm triển khai các mục tiêu về đào tạo và nghiên cứu khoa học, Khối ĐMST hoạt động như một DN holding hỗ trợ khởi nghiệp, chuyển giao, kinh doanh, tạo môi trường ươm tạo và đỡ đầu DN khởi nghiệp với sự hỗ trợ nguồn lực từ Tập đoàn.

Mô hình quản trị này là điểm đột phá, tạo nên sự khác biệt của ĐH Phenikaa - một ĐH ĐMST.

Hệ sinh thái ĐH Phenikaa trong sự liên kết với Hệ sinh thái Tập đoàn Phenikaa.

Đột phá trong nghiên cứu khoa học

ĐH Phenikaa hướng tới Nghiên cứu khoa học chất lượng - đẳng cấp với các công bố khoa học quốc tế uy tín chất lượng, lấy tác động thực tiễn làm thước đo.

Mục tiêu của ĐH Phenikaa tới năm 2030 là phát triển thành công ít nhất 2 công nghệ lõi thuộc công nghệ chiến lược cấp quốc gia; tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như:

Công nghệ bán dẫn: Phenikaa xây dựng Hệ sinh thái thiết kế chip hàng đầu khu vực, tạo nền tảng triển khai đồng bộ các hoạt động nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn hướng tới mục tiêu tự chủ ít nhất 5 mảng công nghệ lõi như: Thiết kế Processors cho các ứng dụng cụ thể; Thiết kế thuật toán, Compiler và SW dev environment, phát triển IP truyền thống (ADC/DAC, interface) và quy trình thiết kế chip tiên tiến;

Công nghệ tự hành: Phenikaa tiên phong phát triển một nền tảng công nghệ tự hành toàn diện do chính các nhà khoa học và chuyên gia nội bộ Phenikaa nghiên cứu, thiết kế và làm chủ; đưa ứng dụng thực tế vào thị trường với các dòng sản phẩm như: Xe tự hành, robot công nghiệp, robot dịch vụ, drone... và đã xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Luxembourg...;

Công nghệ tích trữ năng lượng: Chiến lược phát triển trọng tâm là làm chủ công nghệ chế tạo và ứng dụng chất điện phân rắn. Hiện Phenikaa đã được cấp 3 bằng sáng chế, đã chế tạo được mẫu pin lithium rắn dạng túi và đóng gói được đánh giá tốt, đang chuẩn bị dây chuyền sản xuất pilot, lắp ráp mẫu pin rắn sử dụng trên ô tô, nhằm làm chủ công nghệ lõi pin lithium rắn...;

Công nghệ y - sinh: Phenikaa đang từng bước hiện thực hóa hệ sinh thái y học chính xác và tái tạo, do người Việt làm chủ - phục vụ bền vững cho sức khỏe cộng đồng Việt Nam với các định hướng chiến lược ưu tiên cho công nghệ gen và di truyền học và công nghệ tế bào;

Công nghệ vật liệu tiên tiến: Phenikaa đã có những thành tựu trong nghiên cứu vật liệu tiên tiến được chuyển giao quy mô công nghiệp như:

(1) Nhà máy Hóa chất Phenikaa với vật liệu nhựa polyester không no - nơi được chuyển giao công trình nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn đạt giải Công trình xuất sắc do Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO) trao tặng; Giải Nhất - Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) 2023;

(2) Nhà máy cristobalite công suất lớn thứ 2 toàn cầu và Nhà máy vật liệu Bio quartz xanh đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ tiên tiến;

(3) Công nghệ nano và vật liệu thông minh ứng dụng trong sản xuất thuốc, cảm biến.

Đột phá trong ĐMST

Với Phenikaa, ĐMST là chìa khóa cho sự tăng trưởng bền vững, khẳng định bản sắc trí tuệ Phenikaa và trí tuệ Việt Nam.

ĐH Phenikaa đang tập trung nguồn lực nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi thuộc các ngành công nghệ mới, công nghệ chiến lược quốc gia, đưa vào ứng dụng các sản phẩm công nghệ và chuyển giao quy mô công nghiệp với cơ chế phối hợp Đặt hàng sản phẩm - Chào hàng sản phẩm giữa DN và ĐH với sự bảo trợ từ Tập đoàn và được hỗ trợ từ hệ thống vệ tinh các Quỹ/Trung tâm của Tập đoàn để tạo ra sản phẩm mang giá trị thực tiễn, góp phần vào mục tiêu tăng doanh thu từ hoạt động ĐMST.

Doanh thu từ ĐMST chiếm ≥50% (2030) và ≥70% (2035) tổng thu của ĐH;

Tạo ra ít nhất 2 startup/spin-off định giá hơn 100 triệu USD mỗi công ty.

Đột phá về Quốc tế hóa

Hướng tới Quốc tế hóa một cách toàn diện, tập trung chiều sâu cho các hoạt động cốt lõi, Phenikaa xây dựng mạng lưới hợp tác với ĐH hàng đầu khu vực và thế giới; thu hút đội ngũ giảng viên, sinh viên quốc tế, mục tiêu có ít nhất 5% sinh viên quốc tế vào năm 2030; thu hút giảng viên/nhà khoa học quốc tế, đạt 10% tổng số cán bộ toàn ĐH; phát triển các chương trình đào tạo quốc tế, thu hút đề tài/dự án quốc tế; xếp hạng trong Top 100 ĐH tốt nhất châu Á (năm 2030), Top 200 - 300 ĐH trên thế giới (năm 2035).

Đột phá trong đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và thu hút nhân tài cho các công nghệ chiến lược

ĐH Phenikaa thực hiện chiến lược đầu tư dài hạn cho R&D để nghiên cứu khoa học, phát triển theo mô hình Tổng công trình sư cho các lĩnh vực chiến lược với chính sách hấp dẫn để thu hút Tổng công trình sư hiện tại và đào tạo các Tổng công trình sư tương lai; đào tạo thực chiến, tạo nguồn lực chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào thực tế chất lượng - hiệu quả.

Đồng thời, ĐH Phenikaa tạo cơ chế hấp dẫn về quyền sở hữu minh bạch, công bằng, nguồn vốn cho startup hoặc spin-off để các chủ sử hữu trí tuệ yên tâm phát triển công nghệ và chuyển giao.

Việc định giá không chỉ căn cứ vào các sáng chế/GPHI mà còn căn cứ vào cả tính tiềm năng của các ý tưởng khoa học, kinh nghiệm và thành tựu của các nhà khoa học.

ĐH Phenikaa xác định nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số là những lĩnh vực chiến lược cần đột phá với mục tiêu trở thành Đại học xuất sắc trong đào tạo - nghiên cứu - ĐMST, kiến tạo giá trị thực tiễn cho cộng đồng và DN.

Nhà trường tập trung đào tạo nguồn nhân lực thực chiến - chất lượng cao, có chuyên môn vững vàng, tư duy đổi mới, kỹ năng thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong kỷ nguyên số; trên tinh thần kiến tạo và phụng sự./.