Đảm bảo an toàn thông tin mạng cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó định hướng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo Quy hoạch đã được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết, gắn kết, song hành với hoạt động chuyển đổi số trong toàn bộ quá trình thiết kế, thử nghiệm, đánh giá, vận hành, khai thác. Do đó, Quy hoạch yêu cầu phải phát triển các hệ thống kỹ thuật, giải pháp, nền tảng bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng phục vụ Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phát triển ổn định, bền vững, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia. Chú trọng triển khai các hệ thống, nền tảng bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng cho người dân và bảo mật dữ liệu, giao dịch điện tử trên môi trường mạng. Phổ cập công cụ, dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể người dân.
Ảnh minh họa.
Đến năm 2025, phải tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường mạng Việt Nam văn minh, lành mạnh. Xây dựng được hệ thống “Thế trận An ninh nhân dân” trên không gian mạng có khả năng chỉ huy, kết nối, chia sẻ thông tin; tiếp nhận và xử lý sớm các thông tin gây hại tới không gian mạng quốc gia từ các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp viễn thông, internet, dịch vụ nội dung số.
Theo đó, phải đảm bảo 100% hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước được bảo đảm an toàn theo cấp độ hệ thống thông tin. 100% bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp. 100% thiết bị đầu cuối của các cơ quan nhà nước được cài đặt giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng. Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tối thiểu 1 đơn vị chuyên nghiệp bảo vệ an toàn thông tin mạng. Mỗi người dân có tối thiểu 1 công cụ bảo vệ an toàn thông tin mạng.
Hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam đạt 100% chủng loại. Phát triển từ 3 - 5 sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin trọng điểm, chiếm lĩnh thị trường trong nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Doanh thu thị trường an toàn thông tin mạng hàng năm tăng trưởng 20 - 30%. 100% người sử dụng internet được tiếp cận thông tin, tài liệu nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ, dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản. Duy trì thứ hạng 25 đến 30 nước dẫn đầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế.
Đến năm 2030, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng hàng đầu châu Á. Hình thành được thị trường về bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng; có sự cạnh tranh và ảnh hưởng trên toàn khu vực cũng như thế giới. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tận dụng các công nghệ nguồn mở để tự chủ công nghệ. Phát triển, làm chủ thị trường an toàn thông tin mạng, an ninh mạng Việt Nam, đóng góp vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng
(https://dientuungdung.vn/dam-bao-an-toan-thong-tin-mang-cho-chinh-phu-so-kinh-te-so-va-xa-hoi-so)