Dấu hiệu trục lợi BHYT: Cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc (Kỳ 1)

13:30, 04/05/2019

(THDS) - Tình trạng chi vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT (KCB BHYT) vẫn rất nóng. Các dấu hiệu trục lợi vẫn chưa dứt mặc dù nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng tình trạng vẫn chưa hạ nhiệt. Tính đến hết quý I/2019, thu chi BHYT vẫn vượt thu 1.327 tỷ đồng. Một số điểm nóng về KCB BHYT rất cần các cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của cơ sở KCB, người tham gia BHYT cũng như sự bền vững của quỹ KCB BHYT.

Thực trạng chi vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT (KCB BHYT) đã được “báo động đỏ” trong nhiều năm liên tiếp. Năm 2016, số thu vào quỹ là hơn 82.500 tỷ đồng thì số chi lên tới hơn 95.000 tỷ đồng. Năm 2017 số thu cũng thấp hơn số chi khoảng 9.200 tỷ đồng. Con số bội chi của 2017 giảm so với 2018 nhưng tình trạng này lại xuất hiện ở 59 trên 63 tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh, thành phố bội chi tới hơn 1.000 tỷ đồng. Năm 2018, tình trạng bội chi tiếp tục lan rộng ra cả nước. Trong đó, con số bội chi ở mức trên 200 tỷ đồng lên tới hàng chục tỉnh. Không ít tỉnh bội chi lên tới 700 tỷ đồng. Tình trạng nói trên khiến mức bội chi và chênh lệch thu chi của quỹ KCB BHYT lên tới cả vạn tỷ và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.  

(Ảnh: Cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc về việc lợi dụng BHYT.)

 

Cần chấn chỉnh từ chính các cơ sở KCB và BHXH

Nguyên nhân của việc bội chi nói trên ngoài việc do các yếu tố khách quan, trên thực tế cho thấy, yếu tố chủ quan đến từ các cơ sở khám chữa bệnh nhưcấp thuốc, chỉ định các xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật không xuất phát từ yêu cầu điều trị bệnh, tăng số ngày nằm điều trị nội trú, thu gom người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh…. Điều này đã được BHXH khẳng định nhiều lần.  

Tình trạng trên đã diễn ra trong nhiều năm với những “kịch bản” không mới trong khi  đối sách của các cơ quan quản lý vẫn chưa hữu hiệu. Số lượng các vụ việc trục lợi BHYT hay gây thất thoát, lãng phí được đưa ra ánh sáng vẫn rất khiêm tốn. Cuối 2018, Công an Tỉnh Hưng Yên phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh Hưng Yên tiến hành điều tra, khởi tố bốn vụ án, 21 bị can “trục lợi” BHXH, BHYT. Các đối tượng đã sử dụng 640 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và 45 giấy ra viện giả, gây thất thoát số tiền hơn 580 triệu đồng. Các cơ quan chức năng đã thu hồi được hơn 292 triệu đồng. Tình trạng “trục lợi” BHXH, BHYT diễn biến phức tạp đến nỗi, BHXH tỉnh Hưng Yên và Công an tỉnh Hưng Yên phải ký kết quy chế phối hợp về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT.

Mới đây, ngày 22/4, Công an thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã quyết định khởi tố hình sự vụ án làm giả giấy tờ Bệnh viện Bạch Mai nhằm chiếm đoạt tiền BHXH, đồng thời khởi tố, ra lệnh tạm giam hình sự đối với 2 bị can về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tiếp đó, ngày ngày 24/4, TAND TP Hòa Bình cũng đã đưa vụ án liên quan đến trục lợi bảo hiểm và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ ra xét xử sơ thẩm đối với 8 bị cáo nguyên là các bác sĩ, điều dưỡng công tác tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Tình hình trên khiến cho thấy, thực trạng trục lợi bảo hiểm đang trở nên ngày càng phức tạp.

(Nhóm Ảnh chụp báo cáo của Sở Y tế Bắc Giang.)

Thực tế cho thấy, việc trục lợi không thể thực hiện được nếu không có yếu tố “người trong ngành”. Nhiều hiện tượng gây tổn hại đến quỹ KCB BHYT được tổ chức tinh vi bởi chính các cơ sở khám chữa bệnh có hợp đồng KCB với ngành BHXH. Hiện tượng tổ chức thu gom người có thẻ BHYT của không ít cơ sở KCB bùng phát từ 2016. Với sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, nhiều vụ việc đã được đưa ra ánh sáng khi tình trạng các cơ sở y tế tổ chức chi tiền cho các nhà xe, thu gom người có thẻ BHYT đưa đến khám bệnh. Việc tổ chức “thu gom” được thực hiện khép kín từ cơ sở KCB, người môi giới, nhà xe vận chuyển cho tới người có chế độ BHYT. Mới đây, Bắc Giang,  trước tình trạng tổ chức KCB theo đoàn, vượt quỹ KCB BHYT nhiều năm liền... đã phải lập tổ công tác để giải quyết các vướng mắc về BHYT do một phó GĐ Sở đứng đầu.

Một trong các điểm nóng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là bệnh viện Y học cổ truyền LanQ (LanQ). Tại LanQ, việc tổ chức hệ thống thu gom bệnh nhân đã được thực hiện bài bản và bị phát hiện từ 2016. Các hoạt động này bao gồm từ chi phí cho người đi vận động, tài trợ chi phí đi lại cho người có thẻ BHYT đến KCB... Mặc dù khi Sở Y tế Bắc Giang vào cuộc chấn chỉnh, song do việc thực hiện của LanQ chưa triệt để nên nhiều hệ luỵ vẫn còn tiếp tục kéo dài. Các khoản nợ và tranh chấp giữa LanQ với cộng tác viên còn kéo sang tận 2017. 

Bệnh viện LanQ không chỉ là một điểm nóng nổi bật về vấn đề nêu trên mà còn được nhắc đến nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng. Năm 2011, Bệnh viên Y học cổ truyền LanQ đã bị BHXH Bắc Giang từ chối thanh toán hơn 6 tỷ đồng. Trong đó chỉ tính từ ngày 14/10/2011 đến 30/11/2011 (45 ngày), chi phí KCB BHYT vượt tuyến, trái tuyến dạng tập thể đã là gần 400 triệu đồng. Tiếp đó, cũng với nội dung KCB theo đoàn, năm 2016, tại LanQ hoạt động này lại tiếp tục rộ lên. Sau khi Sở Y tế và BHXH tỉnh Bắc Giang vào cuộc, LanQ đã buộc phải ra CV số 52/CTLQ gửi sở Y tế và BHXH tỉnh Bắc Giang hứa dừng việc tổ chức KCB theo đoàn và hỗ trợ tiền đi lại, thù lao cho người giới thiệu bệnh nhân đến KCB. Tuy nhiên chỉ 2 quý đầu năm 2016, LanQ vượt quỹ được giao hơn 4 tỷ đồng (Quý I/2016 bệnh viện này vượt quỹ KCB BHYT là 1,93 tỷ đồng; Quý II vượt 2,679 tỷ đồng). Cũng vào thời điểm này, bệnh viện LanQ còn đưa vào sử dụng thiết bị được quảng cáo là phát hiện ung thư sớm và các bệnh nguy hiểm. Điều đáng nói là chiếc máy quét diệu kỳ này khi đưa vào vận hành chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép song nó khiến số lượng bệnh nhân đến KCB tăng đột biến lên nhiều lần. 

Các hoạt động được cho là tổ chức khám chữa bệnh theo đoàn tại LanQ gần đây được dư luận cho là vẫn tiếp diễn. Theo báo cáo ngày 9/3/2019 của sở Y tế Bắc Giang, trước thời điểm tháng 3/2018, LanQ có thành lập phòng Kế hoạch – Kinh doanh. Bộ phận này đã được giải thể vào 13/3/2018 và thành lập phòng Công tác xã hội. Nhân viên của phòng Kế hoạch – Kinh doanh cũng cung cấp cho đoàn kiểm tra danh sách 15 người đã từng cộng tác giới thiệu người đến KCB tại LanQ. Kết quả kiểm tra tại bệnh viện của Sở Y tế Bắc Giang cho thấy, vẫn có hiện tượng có người thu thẻ BHYT của bệnh nhân để làm thủ tục thay. Tuy nhiên điều đáng tiếc là do quy mô của cuộc kiểm tra cũng như những hạn chế khác khiến nhiều “uẩn khúc” vẫn chưa được đoàn kiểm tra của Sở Y tế Bắc Giang và BHXH Bắc Giang làm rõ. 

Cần sự tiếp tục vào cuộc của cơ quan chức năng

Những lùm xùm ở bệnh viện LanQ đã sảy ra khá nhiều lần và trong một thời gian dài. Việc thành lập phòng kinh doanh hay tổ chức hoạt động giới thiệu bệnh nhân đến KCB là quyền tự chủ của Bệnh viện. Ngay cả việc LanQ chi trả tiền cho người môi giới hay tài trợ tiền xe cho bệnh nhân cũng là bình thường đối với một doanh nghiệp. Tuy nhiên đằng sau việc tổ chức nói trên có hay không việc trục lợi bảo hiểm, gây lãng phí hay tổn hại đến quỹ KCB BHYT là điều rất cần làm sáng tỏ. Nhất là đối với LanQ, một cơ sở KCB đã được BHXH “chọn mặt gửi vàng” để thực hiện việc KCB theo chế độ BHYT trong khi các “lùm xùm” lại liên tục sảy ra trong nhiều năm. Việc thanh, kiểm tra nói trên vừa bảo vệ quyền lợi của chính bệnh viện LanQ, quyền lợi của người tham gia BHYT đồng thời bảo đảm tính bền vững cho hoạt động BHXH và quỹ KCB BHYT vốn đang bị bội chi hàng vạn tỷ hiện nay. 

Công văn thông báo của BHXH VN (ngày 4/3/2019) cho biết, tình trạng chi KCB BHYT vượt dự toán đang tiếp tục sảy ra tại nhiều tỉnh, TP. Mức chi của tháng 1/2019 ở nhiều Tỉnh đã vượt so với tháng 1/2018 tới 120%.

Nhóm PV

Nguồn: Theo Thương Hiệu Và Pháp Luật