Khu Công nghệ cao TP.HCM giai đoạn 2025-2030 sẽ ưu tiên công nghệ chủ lực vi điện tử, bán dẫn, AI, robot
Xác lập các nền tảng và giải pháp trọng tâm thúc đẩy Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) phát triển bền vững, trở thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố...
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai “Chương trình phát triển khoa học công nghệ tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2030” năm 2025 (gọi tắt là Chương trình). Theo đó, TP.HCM nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao. Xác lập các nền tảng và giải pháp trọng tâm thúc đẩy Khu Công nghệ cao phát triển bền vững, trở thành trung tâm khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố.
Ngoài ra, Chương trình triển khai hiệu quả và xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quan trọng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực mũi nhọn: Vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, thúc đẩy chuyển đổi kép hướng tới mục tiêu Net Zero;
Hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025-2030 trong năm 2025; Xây dựng Chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học tại Khu Công nghệ cao đến năm 2030 và tầm nhìn 2045; Hoàn thiện Đề án Chuyển đổi kép: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh Khu Công nghệ cao hướng đến mô hình net-zero đầu tiên trên cả nước.
Bên cạnh đó, Chương trình triển khai theo tiến độ Đề án mở rộng Khu Công nghệ cao (Bổ sung chức năng Khu Công viên Khoa học và Công nghệ); Xây dựng, hoàn thiện các đề án, chương trình để phát triển cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ gồm: Chương trình nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao thành Trung tâm Nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế (CoE), Đề án nâng cấp Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Khu Công nghệ cao, Dự án nâng cấp Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao trở thành Trung tâm Đào tạo đạt chuẩn quốc tế, Đề án Khu Công nghệ cao không phát thải.
Chương trình phát triển khoa học công nghệ tại Khu Công nghệ cao TP.HCM giai đoạn 2025-2030 - Ảnh minh họa.
Đồng thời, Chương trình tạo đột phá trong đào tạo bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài, kết nối mạng lưới nhân tài trong nước và quốc tế; thu hút ít nhất 1 chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại các đơn vị nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo trực thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao. Đánh giá thực trạng hoạt động nghiên cứu phát triển của các dự án có hoạt động công nghệ cao đã đi vào hoạt động tại Khu Công nghệ cao. Thu hút/tái đầu tư ít nhất 1 dự án có thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển.
Song song đó, hoàn thành một số chỉ tiêu hoạt động nghiên cứu phát triển, khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp, các mô hình Trung tâm Nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế (CoE), Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Trung tâm Đào tạo đạt chuẩn quốc tế nhằm tạo nâng cao năng lực công nghệ nội sinh tại Khu Công nghệ cao.
Chẳng hạn, tỷ lệ ứng dụng kết quả sau nghiệm thu của nhiệm vụ khoa học công nghệ đạt trên 70%, ứng dụng trực tiếp cho doanh nghiệp đạt 60%; Thu hút mới ít nhất 20 dự án khởi nghiệp, nhóm khởi nghiệp và ít nhất 1 nhóm nghiên cứu trong doanh nghiệp phát triển các giải pháp trong lĩnh vực công nghệ cao; Xây dựng ít nhất 1 chương trình đào tạo trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ xanh; Số hóa dữ liệu hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao để tiến tới quản lý quản lý hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trên môi trường số với cơ sở dữ liệu đồng bộ, đầy đủ.
Trong giai đoạn 2025-2030, SHTP cũng xác định ưu tiên tập trung phát triển các lĩnh vực công nghệ chủ lực: Vi điện tử, bán dẫn, trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (Data Center & AI Factory), robot và thiết bị tự hành (Autonomous), công nghệ sinh học phục vụ chăm sóc sức khỏe con người.