Thị trường TMĐT sẽ luôn xuất hiện những nhân tố mới

11:33, 28/04/2025

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều thay đổi lớn trong thời gian tới, sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt và các nhân tố mới sẽ xuất hiện.

Theo nghiên cứu của Nielsen IQ về hành vi người tiêu dùng trong môi trường số, đặc biệt là hành vi mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, trong năm 2025 ước tính sẽ có khoảng 63 triệu người tiêu dùng Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, tương đương với 63% dân số. Mỗi người chi trung bình 396 USD/năm. 

Ảnh minh họa

Livestream đang trở thành công cụ ảnh hưởng lớn đến quyết định mua sắm, với 62% người tiêu dùng mua sắm thông qua hình thức này. Đặc biệt, người tiêu dùng dù không chủ động dùng AI khi mua sắm trực tuyến nhưng vẫn bị "dẫn dắt" bởi các thuật toán AI và nội dung cuốn hút, dẫn đến việc mua sắm kể cả khi không có nhu cầu thực sự.

AI thực sự đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực trong đời sống, và thương mại điện tử cũng không phải là ngoại lệ. Nhờ sự hỗ trợ từ các công ty công nghệ, AI đã trở nên phổ cập, giúp cả các doanh nghiệp lớn và nhỏ đều có thể tiếp cận và triển khai. Người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử hiện đang sử dụng AI dưới nhiều hình thức khác nhau.

Theo chuyên gia của Nielsen IQ, những thay đổi mạnh mẽ và sự phức tạp và đa dạng của thị trường thương mại điện tử sẽ đặt ra bài toán vận hành và tăng trưởng với doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh đổi mới liên tục như hiện nay.

Ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng ban Hợp tác, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng với sự thay đổi mua sắm liên tục của người tiêu dùng, biến động của thị trường, sự đổi mới của công nghệ và môi trường cạnh tranh, thị trường TMĐT sẽ luôn xuất hiện các nhân tố mới hoặc doanh nghiệp thử nghiệm thị trường với mức giá cạnh tranh.

Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) dự báo, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi lớn trong thời gian tới. Bởi thị trường thương mại điện tử đang chứng kiến sự nổi lên của các mô hình kinh doanh xuyên biên giới, các nền tảng số có khả năng cung cấp dịch vụ trên phạm vi toàn cầu. 

Những mô hình này không chỉ phá vỡ ranh giới địa lý truyền thống mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, cũng như giữa các cơ quan quản lý trong nước để đảm bảo hiệu quả điều hành và thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (big data) đang làm thay đổi toàn bộ chuỗi giá trị trong thương mại điện tử, từ khâu quảng cáo, bán hàng, hậu cần cho đến chăm sóc khách hàng, xử lý khiếu nại và giải quyết tranh chấp.

Trước thực tiễn này, chính sách pháp luật cần được định hình theo hướng đổi mới và linh hoạt hơn, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện cho sáng tạo và phát triển, nhưng đồng thời cũng cần đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo an ninh, an toàn trong không gian số.