Miền Nam trong lòng Hà Nội

11:42, 28/04/2025

Cùng với hậu phương lớn miền Bắc sôi nổi thi đua, đẩy mạnh sản xuất, không tiếc sức người sức của, Thủ đô Hà Nội đã nỗ lực, tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt, góp phần quan trọng trong chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975.

Lời tòa soạn: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đã đi qua nửa thế kỷ nhưng thanh âm về cuộc chiến vẫn còn vang vọng như vừa mới ngày hôm qua. Những sự kiện, những hình ảnh, những nhân chứng, những thời khắc lịch sử…vẫn còn đó - hòa quyện trong dòng huyết quản anh hùng cách mạng. Trong cuộc kháng chiến ấy, Hà Nội – trái tim của cả nước cũng là nơi bắt nguồn cho mạch đập ấy. Và hôm nay, Thủ đô Hà Nội đang đổi thay từng ngày, từng giờ song ký ức về một thời đạn bom, một thời hòa bình thì không gì có thể lấy đi được.


‘Hà Nội, ngày chiến thắng’ gồm 4 bài: Điện mật từ tổng hành dinh; Miền Nam trong lòng Hà Nội; Tin chiến thắng; Tiếng nói từ Hà Nội sẽ là những lát cắt của thanh âm hào hùng ấy. Từ những khắc khoải, từ những hy sinh đợi chờ ngày đất nước thống nhất, tới những bức điện mật gấp gáp gửi chiến trường đã nói lên những khát vọng mãnh liệt về một tương lai hòa bình, thống nhất.

Từ năm 1954 đến 1975, một cuộc dịch chuyển lịch sử đã xuất hiện ở Việt Nam. Hơn 32.000 học sinh miền Nam lần lượt theo xe bộ đội tập kết… ra miền Bắc học tập. Cùng với hậu phương lớn miền Bắc sôi nổi thi đua, đẩy mạnh sản xuất, không tiếc sức người sức của, Thủ đô Hà Nội đã nỗ lực, tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt, góp phần quan trọng trong chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975.

***

Tháng 12 năm 1957, từ ngôi nhà số 4 phố Lý Nam Đế, Hà Nội nổi lên một sự kiện văn chương bất thường. Tác phẩm “Im lặng” của Nguyễn Thi ra mắt công chúng, gây tiếng vang lớn dù gặp phải không ít những ý kiến về quan điểm, về góc nhìn hiện thực. Trong truyện ngắn “Im lặng”, người ta bàng hoàng trước số phận của một người vợ chiến sĩ, bị quân giặc hãm hiếp, bị dồn ép đến tận cùng vì chồng là bộ đội tập kết.

Bi kịch đó không chỉ đến với một người. Nỗi đau “ngày Bắc - đêm Nam” chạm đến triệu người.

Nghệ thuật là tấm gương phản chiếu bối cảnh xã hội chân thực nhất, nó giúp chúng ta hiểu những gì đang diễn ra tại miền Nam sau năm 1954, về nỗi khắc khoải của những mảnh đời biệt li, về chính sách trả thù tàn bạo mà chế độ Diệm Nhu đã thực thi đối với gia đình những người ra Bắc tập kết.

Không thể dồn nén trong im lặng hơn nữa, Hà Nội đã cất tiếng. Không điều gì có thể ngăn cản thủ đô dậy lên khát vọng thống nhất và niềm tin cho cuộc đấu tranh chính nghĩa. Vì trong lòng Hà Nội có miền Nam ruột thịt.

Thân phận của con người thời chiến giống như vết nứt trên tường đổ, mang theo tiếng thở dài của những thập niên chia ly.

Từ năm 1954 đến 1975, một cuộc dịch chuyển lịch sử đã xuất hiện ở Việt Nam. Hơn 32.000 học sinh miền Nam lần lượt theo xe bộ đội tập kết, đi tàu thủy hoặc vượt dãy Trường Sơn… ra miền Bắc học tập.

Học sinh miền Nam đi tàu thủy ra miền Bắc học tập. Ảnh: Tư liệu

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông – một học sinh miền Nam tập kết ra Bắc nhớ lại năm tháng ấy: “Sau hiệp định Geneva năm 1954, vào cuối năm, một hôm cả nhà đang ăn cơm tối thì có một người đàn ông đến bảo cho một thằng ra Bắc. Thì má chỉ tôi đi. Nhà thì tám anh em… một mình tôi đi. Đêm đó má tôi thức trắng đêm để may cho tôi một cái bộ quần áo dài tay”.

Bà Đỗ Thị Đông Xuân cũng là một trong số đó. “Tôi được đưa ra ngoài Bắc học để đào tạo “hạt giống đỏ”. Chúng tôi vượt Trường Sơn ba tháng thì mới ra được đến nơi…Chúng tôi phải đối mặt với sốt rét rừng, ăn uống khổ cực và trèo đèo, lội suối...”, bà Đông Xuân nhớ lại.

Những gia đình êm ấm bỗng chốc bị xé rời thành những mảnh đời riêng biệt. Trên chuyến tàu tập kết, giữa miên trường sóng biển, “những hạt giống đỏ” liệu có tự hỏi: Tại sao? Tại sao tổ quốc Việt Nam lại bị chia cắt làm hai miền Bắc – Nam? Tại sao những đứa bé lại rời bỏ quê nhà? Tại sao không thể hẹn ngày gặp lại? Điều gì đã xảy ra?...

Vào 16h ngày 9/10/1954, những lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên, Hà Nội.

Những lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, Hà Nội - Tháng 10/1954. Ảnh: Tư liệu

Theo hiệp định Genève, Quân đội Quốc gia Việt Nam theo quân Pháp tập kết về miền Nam Việt Nam, quân Pháp sẽ rút dần sau hai năm và Việt Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, báo cáo của CIA cho Tổng thống Mỹ Eisenhower thấy rằng khoảng 80% dân số Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh nếu cuộc tổng tuyển cử được thi hành. Làn sóng đỏ đang cuộn trào xuống phương Nam phải bị ngăn chặn bằng sự can thiệp của 'chú Sam'.

Ông Douglas MacArthur – Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản 1957 - 1961: "Lý do mà chúng tôi ủng hộ cuộc chiến, ủng hộ người Pháp chiếm Đông Dương và quan tâm đến khu vực này là do Hoa Kỳ quan điểm rằng chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa cộng sản quốc tế là một khối khổng lồ cứng rắn và thống nhất hoàn toàn của Trung Quốc và Nga đang có tham vọng mở rộng và thống trị thế giới."

Tháng 6/1955, Hà Nội tuyên bố sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương với chính quyền Sài Gòn nhưng không được đáp ứng.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn muốn thiết lập quan hệ thương mại giữa hai miền, nhưng chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng khước từ.

Ngược về 70 năm trước, tháng 10 năm 1954, ngày Hà Nội đón đồng bào miền Nam ra tập kết. Cách cửa biển Sầm Sơn gần 180 cây số là đình Chèm, phường Thuỵ Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội ngày nay. Nằm ẩn mình bên dòng sông Hồng, ngôi đình cổ này không chỉ phủ lên mình rêu phong lịch sử mà còn gắn với những ký ức không thể nào quên của nhiều học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Bà Monique – Học sinh miền Nam tập kết ra Bắc: "Tôi đến Việt Nam năm 3 tuổi, và chị của tôi 5 tuổi rưỡi, đến mà không có gia đình…Hà Nội ngày xưa nhỏ, nhỏ, nhỏ hơn là hôm nay."

Bà Nguyễn Thế Thanh - Học sinh miền Nam tập kết ra Bắc: "Hồi ấy đồng bào miền Bắc còn nghèo đói lắm…nhưng mà cái gì tốt nhất ở trong nhà thì phải nhường cho các cháu học sinh miền Nam…Bởi vì đồng bào miền Bắc nghĩ miền Nam đang thay mặt cả nước chiến đấu với quân thù."

Ông Mai Liêm Trực vẫn còn hằn in những "thước phim" về những tháng ngày tuổi thơ: “Những đêm đông lạnh giá… 21 năm, không có cách nào, không nhận được bất cứ một thư từ, một bưu thiếp, một cái gì của trong Nam gửi ra. Biệt tăm luôn… đấy là những lo lắng, là nỗi sợ hãi”. Nhưng với ông, “đó lại là một môi trường giáo dục tuyệt vời thời kỳ đó….Niềm tin luôn luôn hướng về miền Bắc, hướng về Bác Hồ và những đứa con của miền Nam… đã rèn luyện được một niềm tin sắt đá. Đó là tính trung thực, lòng biết ơn, ý thức tập thể và sau này ra đời là một sự dấn thân… Những học sĩ miền Nam đã đã được dạy dỗ lớn lên trong lòng Hà Nội và lại trực tiếp ở Hà Nội để phục vụ cho công cuộc bảo vệ và xây dựng Hà Nội.”

Trong xuyên suốt cuộc chiến khốc liệt, Hà Nội hiện lên là một hậu phương vững chắc, nơi từng con phố, góc phố trở thành “pháo đài” của ý chí. Nếu như cuộc chia cắt năm 1954 là một nỗi đớn đau khắc khoải của dân tộc, vì nhiều người trong số đó khi tập kết không tin rằng Đế quốc Mỹ sẽ tôn trọng hiệp định Geneva để thống nhất hai miền, thì trong cuộc chiến, ở Hà Nội lại luôn đong đầy một niềm tin - niềm tin về ngày đoàn tụ chắc chắn sẽ đến.

Ba năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, công viên Thống Nhất ở Hà Nội được khởi công xây dựng để làm nơi vui chơi, giải trí cho người dân.

Đã ba năm từ khi đất nước bị chia cắt. Miền Bắc xã hội chủ nghĩa có Thủ đô là Hà Nội, nửa miền Nam đau thương do chưa được giải phóng. Vậy là khi công viên được xây bằng lao động tự nguyện của người Hà Nội, công viên cũng được đặt tên là công viên Thống Nhất. Công viên xây bên con đường quốc lộ số 1, nơi hàng ngày có các chuyến tàu đưa những đoàn quân chiến đấu giải phóng miền Nam đi qua, nên con đường ấy có tên là đường Nam Bộ.

Trong lòng công viên Thống Nhất, đảo Hòa Bình là trái tim, là mảnh đất lành cho đàn chim phương Bắc mỗi mùa xuân về tìm hướng về phía Nam.

Con đường lớn ở trung tâm hướng nhìn ra phía hồ, nơi có đảo Hòa Bình và đảo Thống Nhất. Cây cầu ấy như một hình ảnh tượng trưng nối hai miền chia cắt nên gọi là cầu Thống Nhất. Con đường chính đi qua những khu vực trồng các loại cây của ba miền, như nói rằng đất nước có ba miền nhưng đều đi chung trên một con đường và cuối cùng con đường này sẽ nở hoa.

Cầu Thống Nhất nối tới đảo Hòa Bình trong công viên Thống Nhất.

Hà Nội, miền đất của ký ức, thành phố của những biểu tượng đã trở thành di sản. Ở nơi ấy có những tác tác sản sinh ra từ chính đôi bàn tay của nhân dân, để nhằm gửi gắm mong ước về một ngày đất nước hòa bình, độc lập.

Xe đạp Thống Nhất như một phần ký ức lịch sử ấy. Chiếc xe đạp là niềm tự hào của ngành cơ khí non trẻ ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nó đã theo người lính ra trận, theo chân những thanh niên xung phong trên những cung đường Trường Sơn huyền thoại. “Con ngựa sắt” ấy cũng kiên cường vượt mưa bom bão đạn đem gạo, muối, thuốc men… ra tiền tuyến.

Không chỉ có chiếc xe Thống Nhất, tình người Hà Nội gửi về phương Nam như mạch ngầm cuộn chảy...

“Con ngựa sắt”, vượt mưa bom bão đạn đem gạo, muối, thuốc men… ra tiền tuyến. Ảnh: Tư liệu

Hình ảnh bao diêm Thống Nhất loại 82 que có in hình chim bồ câu trắng ngậm bông hoa đỏ, đang dang rộng cánh trên nền trời xanh đã trở nên rất đỗi quen thuộc với nhiều người dân Hà Nội, người dân Việt Nam.

Và còn thật nhiều nhiều nữa, một cái tên như xí nghiệp xe khách Thống Nhất, Nhà máy xe đạp Thống Nhất, Ủy ban Thống Nhất, Câu lạc bộ Thống Nhất, đoàn tàu Thống Nhất… Còn ước mong nào hơn ước mong thống nhất non sông, được người Hà Nội gửi gắm bằng trọn vẹn trái tim mình

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến vẫn còn nhớ như in về người bố của mình: “Bố tôi ngày xưa là cũng được cơ quan phân phối cho một cái xe Thống Nhất… anh đi cái xe đạp Phượng Hoàng, xe đạp Vĩnh Cửu nó vẫn không nó không oai bằng anh đi cái xe đạp Thống Nhất. Vì đây là sản phẩm của chủ nghĩa xã hội, là tự hào lắm".

Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc cái vai trò của một trung tâm kinh tế - chính trị…Sức sống của người Hà Nội và cái niềm tin người Hà Nội lan tỏa cho nhân dân cả nước là chúng ta chắc chắn sẽ thắng…

 

Bóng ma chiến tranh đã xuất hiện trên bầu trời Việt Nam.

Năm 1972, khi Quảng Trị nhuốm màu lửa đạn, những sinh viên Hà Nội đã “xếp bút nghiên lên đường ra trận” – khoác ba lô thay cặp sách, cầm súng thay trang vở. Họ rời giảng đường im tiếng giảng bài, bước vào cuộc chiến nơi tiếng đại bác gầm thét. Tuổi trẻ mang theo khát vọng hòa bình, họ lao vào trận mạc bằng trái tim thanh xuân rực lửa. Như một viên đạn được đúc bằng chất thép của lí tưởng yêu nước, đã bắn ra là không bao giờ quay lại.

PGS, TS Phạm Thành Hưng (Lính sinh viên Hà Nội 1971) nhớ rất rõ những ngày tháng ấy: “Tôi nhớ cái lúc mà tôi về, tôi báo tin cho mẹ: "Mẹ ơi, con sẽ đi bộ đội, có nhập ngũ đợt này."…Tôi nói một câu: "Đi lính là bổn phận của người đàn ông thời loạn"… Tôi nhìn vào mắt mẹ tôi thì không thấy bà nhỏ một giọt nước mắt nào cả. Mình cứ hình dung là báo tin cho mẹ. Thế thì mẹ rất thương mình, sẽ rơi cho mình một giọt nước mắt, nên mình rất chờ điều ấy. Nhưng mà thấy bà không khóc, bà chỉ quay đi… thì tôi cảm thấy buồn, thất vọng và mình mới nghĩ: "À thôi." Tôi hiểu, đấy là người mẹ đã thầm ký một bản giao ước giống như là bán đứa con trai của mình cho cuộc kháng chiến, bán con cho đất nước. Thực ra, sau đó tôi mới biết khi em tôi kể lại rằng lúc tôi đi, mẹ bắt đầu khóc. Mẹ muốn cho mình phải cứng rắn để lên đường".

Đạo diễn, NSND Trần Lực: "Người đi rơi nước mắt, người ở lại cũng rơi nước mắt. Chiến trường nó là là như vậy. Đằng sau nó nó cả một cái giá quá lớn, chiến tranh là một cái thứ không đáng xảy ra…"

Lúc sợ hãi là khoảnh khắc duy nhất con người ta có thể trở nên dũng cảm. Năm 1972, những thanh âm của cuộc chiến đã vang vọng một lần nữa trên bầu trời Hà Nội.

Trước thất bại không thể cứu vãn, Mỹ chấp nhận dự thảo "Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, nhưng sau đó lại lật lọng, mở chiến dịch tập kích chiến lược mang tính hủy diệt vào miền Bắc, gây sức ép đòi thay đổi hiệp định.

Trong 12 ngày đêm ấy, thay vì đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá, thời kỳ của những người anh hùng, của hòa bình, thống nhất bắt đầu ló rạng sau những làn khói đạn…

Xác máy bay B52 vẫn nằm giữa hồ Hữu Tiệp như một chứng tích sống động về chiến thắng của quân và dân Hà Nội.

Ông Mai Liêm Trực - Học sinh miền Nam tập kết ra Bắc nhớ lại: "Chứng kiến người dân Thủ đô cũng như cả nước lúc ấy mới thấy hết sự ngoan cường và dũng cảm. Những đêm bầu trời, bầu trời của mười hai ngày đêm đỏ lửa. Nhưng mà những người trực chiến ở Hà Nội có cái lạ… vẫn rất bình thản…."

Ngày 30/04/1975 – khoảnh khắc lịch sử chạm đến trái tim muôn triệu người Việt Nam, dù ở chiến hào đầy khói lửa hay góc phố Sài Gòn ngập nắng.

Với người lính, đó là giây phút nghẹn ngào khi lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, bao năm xa nhà hóa thành nước mắt hạnh phúc.

Với người dân miền Nam, đó là ngày bình minh của tự do, tiếng xe tăng nghiền nát xiềng xích như lời hứa về một dải non sông liền mạch.

Với mẹ già miền Bắc, đó là niềm mong mỏi được ôm con vào lòng, dẫu biết nhiều đứa đã hóa thành những anh hùng vô danh.

Từ công nhân nhà máy đến trí thức thành thị, từ nông dân ruộng lúa đến em bé mồ côi… tất cả cùng chung một nhịp thở – nhịp thở ngày Thống nhất! Ngày 30/4/1975 không chỉ khép lại cuộc chiến, mà mở ra một kỷ nguyên mới, nơi vết thương của dân tộc dần dần lành lại.

PGS.TS Phạm Thành Hưng – Lính sinh viên Hà Nội kể lại: "Có một thầy giáo không trả bài cho những sinh viên ra trận…thầy bảo là thôi. Tất cả những bài của những người ra trận…khi nào các em quay trở về thì thầy sẽ nhận điểm và lúc đó thầy sẽ báo điểm. Có những sinh viên còn ngẫm nghĩ rằng họ sẽ trở về Hà Nội, sẽ nhận điểm…Nhưng rất tiếc, những người suy nghĩ như vậy thì phần lớn đã hy sinh. Cho nên, lúc chúng tôi trở về gặp thầy để lấy điểm…Thầy gọi những bài có điểm cao nhất, điểm cao thật chứ không phải là điểm ưu tiên. Gọi tên thì không thấy ai đến nhận cả và chúng tôi cũng im lặng. Không nói, thầy gọi mãi không thấy ai lên…"

Ngày 30 tháng 4 - ngày Thống nhất, ngày nước non nối về một dải, ngày đoàn tụ của các gia đình chia ly đã nửa đời người. Nỗi đau khắc khoải “ngày Bắc đêm Nam” giờ chỉ còn là những câu chuyện hồi ức, dù đã qua, nhưng mãi mãi không bao giờ quên.

50 năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, nhưng bài học về phát huy sức mạnh hậu phương vẫn còn nguyên giá trị. Cùng với hậu phương lớn miền Bắc sôi nổi thi đua, đẩy mạnh sản xuất, không tiếc sức người sức của. Cùng với hậu phương tại chỗ miền Nam can trường, Thủ đô Hà Nội tự hào đã nỗ lực, tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt; tự hào đã góp phần quan trọng trong chiến thắng vĩ đại Mùa xuân năm 1975.

Những câu chuyện quá khứ vẫn luôn hằn in nếp gấp lên những vận động của hiện tại.

Ngày hôm nay, nửa thế kỷ sau cuộc chiến, Thủ đô anh hùng vẫn vẹn nguyên tinh thần bất diệt, là dòng máu nóng hổi hướng về Tổ quốc, là trái tim đập mãi át đi mọi thanh âm của bom đạn.

Sau 70 năm, làng Chèm cổ kính bên hữu ngạn sông Hồng nay đã đổi khác. Vẻ đẹp khang trang hiện đại và các di tích, công trình văn hoá cổ kính cùng tồn tại song hành ở vùng đất này cũng là minh chứng về sự phát triển mạnh mẽ của Thủ đô.

Kể từ ngày mở vòng tay yêu thương đón những học trò miền Nam ra tập kết, Hà Nội đang là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”.

50 năm trôi qua, chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” vẫn luôn hiện hữu; là biểu tượng sinh động về nghĩa tình đồng bào, đồng chí yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh; là bài học kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực hiện: Trung tâm Phóng sự Tài liệu - Đài Hà Nội
Biên tập: Lê Bình
Đồ họa: Thanh Nga