Đẩy mạnh chiến dịch quáng bá du lịch trên các nền tảng số
Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang và Sở Du lịch Kiên Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL tại Hà Nội.
- Bộ TT&TT phát triển nền tảng số để bảo vệ người tiêu dùng
- Cẩm nang Làng số mang nền tảng số đến hộ gia đình
- Bộ TT&TT đẩy mạnh phát triển các nền tảng số quy mô quốc gia theo hướng dùng chung
- Mục tiêu đến năm 2025: sẽ có 70% các cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số
- Ngành Thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra kinh doanh nền tảng số
- Mộc Châu là huyện đầu tiên ra mắt nền tảng số du lịch thông minh
- 'Vàng đen' dữ liệu cần được lưu trữ trên nền tảng số nội địa
- Tích cực truyền thông quảng bá hình ảnh Hà Giang trên nền tảng số
Đẩy mạnh hợp tác quáng bá phát triển du lịch
Hội nghị nhằm giới thiệu, quảng bá những nét cơ bản về hình ảnh, thông tin và tiềm năng du lịch của 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đến với đại biểu các địa phương, doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, trao đổi kinh nghiệm, ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa hai khu vực.
Tại Hội nghị, Kiên Giang và các tỉnh ĐBSCL đã tổ chức trưng bày, triển lãm hình ảnh, thông tin du lịch và sản phẩm du của các tỉnh, thành ĐBSCL; trưng bày, giới thiệu hình ảnh, thông tin du lịch, các sản phẩm, dịch vụ du lịch, tour tuyến, điểm đến của các tỉnh, thành ĐBSCL đến với các doanh nghiệp của các địa phương phía Bắc tham dự Hội nghị. Bên cạnh đó, giới thiệu các sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng, các đặc sản làng nghề mang đậm bản sắc văn hóa ĐBSCL, sản phẩm OCOP đến với các đại biểu tham gia tại Hội nghị.
Thực tế cho thấy, Hà Nội - Kiên Giang cùng các tỉnh ĐBSCL là các điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên đa dạng và phong phú. ĐBSCL là một trong 7 vùng trọng điểm du lịch của cả nước với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và mang tính đặc thù, độc đáo riêng gắn với biển đảo, sông nước, miệt vườn, chợ nổi… Đây cũng là nơi giao thoa, hòa trộn các nền văn hóa dân tộc của người Kinh, Khmer, Chăm nên đã sớm hình thành hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc và giá trị.
Hội nghị “Xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang tại Hà Nội”.
Thời gian qua, Hà Nội đã chủ động hợp tác với các địa phương ĐBSCL, đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với Sở Du lịch, Sở VHTTDL 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo điều kiện, tổ chức kết nối và chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn triển khai các chương trình, sản phẩm du lịch mới, phù hợp với từng địa phương.
Đặc biệt, Sở Du lịch Thành phố Hà Nội đã tích cực hỗ trợ truyền thông, tham gia đồng chủ trì với Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long trong Hội thảo giới thiệu điểm đến Đồng bằng sông Cửu Long tại VITM Hà Nội 2019. Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp lữ hành Thủ đô khai thác tour du lịch khám phá khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt được thành công nhất định như: Vietrantour, Tiến Đạt Travel, Hanoi Etoco, PSY Travel, Sông Hồng Tourist, Tâm Việt Travel…
Xây dựng một tầm nhìn phát triển xa hơn
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, việc tạo sân chơi kết nối cho các doanh nghiệp du lịch của các địa phương liên kết hợp tác xây dựng tuyến du lịch giữa các tỉnh ĐBSCL với Hà Nội là rất cần thiết.Chính vì vậy, các tỉnh, thành ĐBSCL và các tỉnh thành phía Bắc (Hà Nội, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc…) cần tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp giữa các địa phương; kết nối cơ quan quản lý nhà nước, thống nhất xây dựng một số sản phẩm căn cứ trên thế mạnh đặc thù để kết nối chuỗi các sản phẩm du lịch giữa Hà Nội và các tỉnh phía Bắc với các tỉnh, thành ĐBSCL. Đặc biệt, để triển khai có hiệu quả và cụ thể hóa các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh ĐBSCL, các địa phương cần ký kết biên bản thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch; có kế hoạch phối hợp hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, vui chơi, nghỉ dưỡng tại các tỉnh, thành phố ĐBSCL.
Cùng với đó, các địa phương cũng phối hợp trong công tác truyền thông, tuyên truyền hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của các địa phương trên các kênh truyền thông; xuất bản các ấn phẩm chung về du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh; tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn Thành phố Hà Nội, trong đó tập trung quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp khởi hành từ thành phố Hà Nội. Đồng thời tổ chức các đoàn doanh nghiệp, báo chí đến tham quan, khảo sát các điểm đến du lịch trên địa bàn nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến và xây dựng các tour du lịch hấp dẫn, độc đáo, có tính kết nối cao.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung nhận định, cần xây dựng một tầm nhìn phát triển xa hơn cho du lịch ĐBSCL, cho thế mạnh của các địa phương trong khu vực. Năm 2023, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã thực hiện tốt việc đẩy mạnh liên kết - hợp tác, tăng cường xúc tiến - quảng bá du lịch, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, làm mới sản phẩm du lịch... Kết quả là tổng số khách du lịch đến ĐBSCL trong năm 2023 đạt 44,9 triệu lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khách quốc tế là 1,8 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu đạt hơn 45 ngàn tỷ đồng, tăng 42,59% so với cùng kỳ năm 2022. Do vậy, năm 2024, các địa phương cần xây dựng nội dung hợp tác theo hướng thiết thực, sát với điều kiện của từng địa phương; tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch ngày càng nhịp nhàng, tăng hiệu quả về chất lượng và số lượng.
“Cần tiếp tục tăng cường liên kết, phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa, tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm. Nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp; xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch ĐBSCL hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh.
Để đạt được hiệu quả cao hơn nữa, theo Phó Chủ tịch thường trực HHDL Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan, các tỉnh, thành ĐBSCL cần có sự kết hợp đông đảo với các doanh nghiệp của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Khu vực ĐBSCL cần phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các chính sách, giảp pháp phát triển du lịch đã được Chính phủ ban hành; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Sở quản lý nhà nước về Du lịch và các đơn vị cung ứng trong và ngoài ngành tại các địa phương để tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa du lịch khu vực ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu đặc biệt ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ĐBSCL trong xúc tiến quảng bá du. Điều này cho thấy sự quan tâm rất cao của lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL cũng như Kiên Giang đối với lĩnh vực Du lịch.
“Việc liên kết giữa các tỉnh, thành đã tạo nên sức mạnh đoàn kết và tính hiệu quả rất lớn. Các chương trình ký kết hợp tác, kích cầu điểm đến, các gian hàng trưng bày chung... đã góp phần tránh trùng lặp sản phẩm đồng thời hỗ trợ lẫn nhau trong đầu tư, phát triển sản phẩm mới cũng như hỗ trợ các vùng miền còn yếu về nhân lực, hoạt động quản lý... Để thực hiện hiệu quả hơn nữa đối với công tác xúc tiến du lịch, các địa phương cần đẩy mạnh việc đưa các hình ảnh, thông điệp và sản phẩm du lịch lên các nền tảng số để quảng bá rộng rãi và cụ thể hơn” – Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia nói.
Theo Tạp chí Điện tử & Ứng dụng
(https://dientuungdung.vn/day-manh-chien-dich-quang-ba-du-lich-tren-cac-nen-tang-so)