Đẩy mạnh chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới
Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo”, toàn ngành giáo dục tập trung vào 12 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai hiệu quả các mục tiêu năm học 2023-2024.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2023 – 2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2022-2023 là một năm học nhiều khó khăn và thách thức với ngành Giáo dục, khi vừa phải tiếp tục cùng với cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.
Năm học 2023 – 2024, ngành Giáo dục tiếp tục có nhiều thách thức cần vượt qua như:
Thiếu giáo viên: Theo Bộ GD&ĐT, nguyên nhân chính là số trẻ mầm non tăng mạnh, bậc tiểu học tăng tỷ lệ học hai buổi mỗi ngày, THPT tăng số lớp, chương trình 2018 có nhiều môn học mới. Năm học qua có hơn 10.000 giáo viên nghỉ hưu, gần 9.300 người bỏ việc.
Thiếu giáo viên nhưng ngành không có nguồn để tuyển. Năm học 2022-2023, các địa phương được giao bổ sung 27.850 người nhưng chỉ tuyển được hơn 17.000. Nhiều người nhìn nhận nghề giáo không còn hấp dẫn do áp lực cao nhưng thu nhập chưa tương xứng.
Lý giải về tình trạng thiếu giáo viên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, thiếu nguồn tuyển là khó khăn lớn nhất của ngành giáo dục hiện nay. Nguyên nhân là do một số môn đặc thù chưa đào tạo kịp thời như giáo viên dạy tích hợp, mỹ thuật, âm nhạc; do yêu cầu về nâng chuẩn giáo viên trong khi chưa kịp thời để nâng chuẩn; sức hút của ngành giáo dục còn hạn chế,…
Rối ren việc dạy tích hợp: Theo chương trình mới, học sinh THCS không học Sinh học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý riêng lẻ mà học Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, gọi là môn tích hợp. Môn này chỉ cần một giáo viên đảm nhận nhưng hiện các ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý chưa đào tạo ra giáo viên tích hợp.
Để dạy tích hợp, các trường thường bố trí giáo viên dạy các bài học theo thứ tự trong sách, hoặc gom tất cả bài học của từng môn, dạy xong môn này mới tới môn khác. Bản chất vẫn là giáo viên môn nào dạy môn đó.
Ngoài ra việc đồng nhất bộ sách giáo khoa; phương án cho kỳ thi tốt nghiệp 2025; đảm bảo an toàn trường học; học phí đại học; tình trạng thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học ở các thành phố lớn, các khu đông dân cư; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả; tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận,… là những thách thức cần phải xử lý trong ngành giáo dục hiện nay.
Chính vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra trong năm học 2023 – 2024, toàn ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ, trọng tâm sau:
• Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục;
• Thứ hai, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên;
• Thứ ba, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp;
• Thứ tư, bố trí, phân bổ ngân sách nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục;
• Thứ năm, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh;
• Thứ sáu, tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh;
• Thứ bảy, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo;
• Thứ tám, hội nhập quốc tế trong giáo dục;
• Thứ chín, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành;
• Thứ mười, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD&ĐT;
• Mười một, tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành;
• Mười hai, tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Đối với nhiệm vụ chuyển đổi số ngành giáo dục, tại Hội nghị Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo năm 2023 (tháng 7/2023) đã chỉ ra các nhiệm vụ cụ thể: Ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Trong đó, tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học trực tuyến, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành.
Sau 1 năm triển khai CĐS, ngành giáo dục đã đạt được một số kết quả quan trọng như: Bộ GD&ĐT đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông bao gồm các cấu phần cơ sở dữ liệu thành phần (gồm trường, lớp, học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính,…); ứng dụng CNTT phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học đã được triển khai đồng bộ, triệt để; ứng dụng CNTT trong dạy học được tăng cường triển khai trong toàn ngành. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT còn đang nâng cấp mở rộng cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, phổ thông cung cấp miễn phí cho các sở, phòng với Bộ GD&DT phục vụ quản lý điều hành giáo dục trên môi trường số; cung cấp trục tích hợp và chia sẻ dữ liệu trong ngành giáo dục, đảm bảo kết nối đầy đủ và thông suốt dữ liệu quản lý ngành,…
Theo Tạp chí điện tử Tự động hóa ngày nay
(https://vnautomate.net/day-manh-chuyen-doi-so-la-mot-nhiem-vu-trong-tam-cua-nam-hoc-moi.html)