Để không "hớ" khi mua BlackBerry
Phần lớn BlackBerry đang bán ở Việt Nam đều là hàng tân trang lại từ Trung Quốc, muốn biết hàng thật người dùng cần biết xem máy, tem, hộp cũng như chọn cửa hàng uy tín.
Trong hai năm trở lại đây, số lượng người dùng BlackBerry tăng lên chóng mặt. Không chỉ là một chiếc máy độc, đây còn là những model có giá rất rẻ, từ 500.000 đồng (6710) đến trên dưới 1 triệu đồng (7290) hay trên 2 triệu đồng (8700, 8100).
BlackBerry dựng lại được nhặt main từ các máy cũ. Ảnh: Handheldvn. |
Tuy nhiên, phần lớn điện thoại BlackBerry bán tại Việt Nam đều là hãng "dựng" lại từ Trung Quốc. BlackBerry "dựng" hay còn gọi là những chiếc điện thoại có main board cũ, được tân trang lại như thay vỏ mới, thay pin. Một người bán loại điện thoại này tại Hà Nội tiết lộ, "ở Trung Quốc, main BlackBerry được "bán theo cân".
Bo mạch cũ được thu gom lại từ BlackBerry dùng rồi, người ta sẽ làm vỏ, thay pin và chạy lại phần mềm. Không chỉ vậy, các "chuyên gia trang điểm" tại đất nước này cũng tiến hành làm hộp, tem. Vì thế, BlackBerry "dựng" trông long lanh không kém điện thoại mới.
Khi về đến Việt Nam, những sản phẩm trên được bán với giá rẻ hơn nhiều so với model mới. Một chiếc 8100 được rao bán trên trang web của nhà cung cấp T-Mobile có giá tương đương 4,5 đến trên 5 triệu đồng (kèm hợp đồng) nhưng ở Việt Nam chỉ từ 2 đến 3 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng vẫn quảng cáo đó là hàng mới.
BlackBerry làm lại, thay vỏ vẫn mới như thường. Ảnh: Quốc Huy. |
Chính vì giá rẻ, nên việc chọn mua BlackBerry cũ đôi khi cũng gặp nhiều rủi ro như dùng được vài ngày máy "chết", phần mềm lỗi. Hải Anh (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết, "mua BlackBerry cũ là xác định 'hên, xui', bởi dù sao thì 'tiền nào của ấy', muốn dùng điện thoại tốt thì phải thêm tiền mua hàng mới".
Hàng mới là điện thoại được đặt hàng trực tiếp và xách tay từ nước ngoài về, chưa nhập code. Theo anh Nhật Khánh (cửa hàng Thiên Minh - TP HCM), để chọn được một chiếc BlackBerry không phải hàng dựng, phải xem xét máy, phụ kiện và nhập code để unlock.
Máy mới trên board không có tem, trong khi hàng Trung Quốc thì tem nhiều. Hộp phụ kiện máy mới phải có logo của nhà cung cấp dịch vụ, pin chưa lắp vào máy (chưa có vết trầy xước trên vỉ đồng chỗ tiếp xúc điện). Về phần nhập code, gồm 16 số, khi nhập người dùng vào option - advance option, sau đó kích hoạt.
Tuy nhiên, một chủ cửa hàng ở Hà Nội cho biết, việc tạo code với hàng Trung Quốc không khó khăn gì, đó là một "xảo thuật qua mắt khách hàng mà thôi".
Chữ trên tem dán lại của hàng "dựng" thường đậm nhạt khác nhau. Ảnh: Quốc Huy. |
Một kinh nghiệm để chọn một chiếc BlackBerry tốt là nên xem tem phía sau máy. Anh Thái Long (cửa hàng Đức Linh - Hà Nội) cho biết, những máy chưa chạy lại phần mềm, bo mạch chưa thay đổi thì tem dán thường rõ ràng, chữ viết sắc nét. Trong khi máy đã chạy lại phần mềm, chủ hàng thường dán tem có emei mới, chữ in đậm nhạt khác nhau và có thể bị lem mực.
Giữa ma trận BlackBerry mới, cũ, hàng dựng lại, việc tìm mua được một một thiết bị khá khó khăn. "Cách tốt nhất là người dùng nên trang bị một ít kiến thức, chọn những cửa hàng uy tín. Bên cạnh đó, các thương gia cũng nên nói rõ cho khách biết, hàng nào và giá nào", anh Long chia sẻ.
Theo Số Hóa