Dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát mạnh
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 260.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 102 ca tử vong.
Theo các chuyên gia, một điểm khác thường của diễn biến bệnh sốt xuất huyết năm nay là bệnh có thể diễn tiến rất nhanh, nguy cơ bệnh nhân sốc, gặp các biến chứng nặng và tử vong rất cao, ở cả người lớn và trẻ em.
Theo thống kê của Bộ Y tế, so với cùng kỳ năm 2021, số mắc SXH tăng 4,8 lần, tử vong tăng 81 trường hợp. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, theo chu kỳ 5 năm, trong tháng 11 và 12 tới có thể xảy ra một đợt dịch SXH lớn tại nhiều tỉnh, thành phố. Theo Sở Y tế TP Hà Nội, tính đến ngày 23-10, toàn thành phố ghi nhận 8.481 ca mắc SXH, 12 ca tử vong, số ca mắc tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (2.627 ca mắc, 0 ca tử vong). Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 530/579 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, bệnh nhân mắc SXH tập trung tại một số quận, huyện vùng ven như: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì.
Dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện tại hầu hết các tỉnh thành và có nhiều dấu hiệu cho thấy nếu không tích cực phòng chống dịch thật sớm.
Tại TP Hồ Chí Minh, trước diễn biến phức tạp của ca mắc, tử vong do SXH, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập tổ chuyên gia về điều trị SXH với 15 chuyên gia về nhi; 13 chuyên gia về người lớn; 4 chuyên gia về tiêu hóa và 1 chuyên gia về huyết học. Tổ có nhiệm vụ tham gia cập nhật bổ sung hướng dẫn điều trị SXH; xây dựng các đồng thuận về điều trị trong khi chờ Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn điều trị. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân SXH nặng: Ngưng tim, ngưng thở đột ngột. Tùy tình huống và năng lực điều trị của bệnh viện để kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, liên viện hoặc cả hai nhằm bảo đảm kịp thời cứu sống bệnh nhân.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), trung bình tại trung tâm một ngày có 10-20 bệnh nhân SXH nặng đến bệnh viện khám phải nhập viện luôn. PGS.TS Đỗ Duy Cường lưu ý, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán phát hiện SXH sớm.
Việc chẩn đoán kịp thời và điều trị đúng sẽ giúp giảm nguy cơ các triệu chứng bệnh trở nặng ở cả người lớn và trẻ em. Cũng theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, hiện Covid-19 vẫn đang tồn tại cùng với dịch cúm, sởi, thủy đậu, Adenovirus nên nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ mình mắc SXH, chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thì mới đến bệnh viện. Lúc đó, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận. Tại trung tâm đã ghi nhận bệnh nhân suy đa tạng phải lọc máu. “Nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh-rong huyết cũng như có hiện tượng cô đặc máu, như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao..., bệnh nhân cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời”, PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia dịch tễ, bệnh nhân mắc SXH khoảng 80% là lành tính, không phải bệnh nhân SXH nào cũng phải nhập viện. Với bệnh nhân SXH nặng, cơ địa đặc biệt như người béo phì hoặc có bệnh mạn tính sẽ được các bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị kịp thời. Do đó, khi người dân có các triệu chứng nghi ngờ bị SXH, nên đi khám ở cơ sở y tế. Các trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà nhưng phải theo dõi sát các dấu hiệu toàn thân theo hướng dẫn của bác sĩ, chỉ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định. Tuyệt đối không dùng kháng sinh hoặc tự ý truyền nước, đạm hoặc dung dịch cao phân tử tại nhà. Bệnh nhân cần được khám và uống thuốc theo sự kê đơn của bác sĩ.
Do hiện nay SXH chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên Bộ Y tế khuyến cáo biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh...
Để xác định rõ có bị sốt xuất huyết hay không, người dân cần đi khám để được chẩn đoán sớm và được bác sỹ hướng dẫn cách chăm sóc và theo dõi bệnh.
Vì sốt xuất huyết bản chất là bệnh do do virus gây ra và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên với sốt xuất huyết thông thường thì chỉ cần theo dõi uống nước, uống oresol, dùng thuốc hạ sốt, trong trường hợp mất nước thì truyền dịch ngày thứ 5 thứ 7 bệnh sẽ sang giai đoạn hồi phục.
Khi bị sốt xuất huyết tuyệt đối không được dùng kháng sinh bởi dùng kháng sinh không có tác dụng thậm chí còn gây tác dụng phụ.
Bảo Trân (T/h)