Dịch vụ không gian làm việc chung ảo ăn nên làm ra trong dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cách làm việc của con người, trong đó làm việc tại nhà đã trở nên phổ biến. Cùng với sự thay đổi này, hàng loạt dịch vụ cũng ra đời.
Có ngày chị Diana Calvo Martínez, người Mỹ, làm việc tại phòng thí nghiệm, di chuyển từ chỗ kính hiển vi sang ống nghiệm, nghiên cứu vi khuẩn. Những ngày khác, chị phân tích đồ thị từ phòng khách nhà mình hoặc cúi đầu viết luận án từ bàn bếp. Thỉnh thoảng, chị rửa bát hoặc lau sàn nhà.
Đây có vẻ giống như các hoạt động bình thường đối với một người đang hoàn thành bằng tiến sĩ về công nghệ sinh học môi trường. Điều bất thường là chị thực hiện tất cả các nhiệm vụ này trước khán giả là những người lạ trên màn hình máy tính xách tay của mình.
Những ứng dụng không gian làm việc chung ảo hỗ trợ người làm việc từ xa. (Nguồn: CNN)
Chị Calvo Martínez, 35 tuổi, đang sử dụng Ultraworking, một "work gym" trực tuyến, nơi mọi người từ khắp nơi trên thế giới tham gia vào một cuộc gọi nhóm trên ứng dụng Zoom, bật camera và làm việc đồng thời trong chu kỳ 30 phút.
Mỗi chu kỳ được dẫn dắt bởi một người điều hành, người này sẽ thông báo cho người dùng khi hết thời gian và sắp xếp thời gian nghỉ 10 phút để mọi người có thể tương tác. Người dùng hiện phải trả 49 USD/tháng cho các chu kỳ làm việc không giới hạn trong ngày.
Các chu kỳ được thiết kế để khuyến khích sự tập trung và năng suất, đồng thời mang lại sự tương tác xã hội.
Đối với chị Calvo Martínez, ứng dụng này thật sự hiệu quả. Khi đại dịch xảy ra, chị lo lắng rằng mình sẽ không thể đảm đương việc chăm sóc con với vai trò tiến sĩ và nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Arizona. Chồng chị, người làm việc tại một phòng khám, thậm chí còn bận rộn hơn.
"Tôi là một bà mẹ làm việc, nhưng lại không thể gửi con đến nhà trẻ do những hạn chế trong đại dịch. Đây là một áp lực rất lớn đối với tôi", chị nói.
Chị bắt đầu đăng nhập vào Ultraworking gần như hàng ngày, làm việc từ 8 giờ tối đến 2 giờ sáng, trong khi cô con gái ba tuổi ngủ trên giường. Chị cho biết có bạn đồng hành giúp chị tỉnh táo, trò chuyện trong thời gian giải lao. Việc có người quan sát cũng ngăn chị ngủ gật hay mất tập trung.
Ứng dụng này cũng giúp chị giảm căng thẳng kể từ khi bắt đầu đại dịch. Chị Calvo Martínez cho biết: "Tôi được chẩn đoán mắc chứng lo âu và trầm cảm. Ultraworking là một trong những thành phần quan trọng giúp sức khỏe tinh thần của tôi tốt hơn một chút".
Ứng dụng Caveday cung cấp không gian làm việc chung ảo. (Nguồn: CNN)
Ultraworking chỉ là một trong số các công ty cung cấp không gian làm việc chung ảo. Ngoài ra còn có Caveday - với chi phí 40 USD/tháng - cung cấp mỗi chu kỳ làm việc 52 phút, xen kẽ các khoảng thời gian nghỉ giải lao với các bài tập giãn cơ, tập thở và trò chuyện truyền cảm hứng.
Cả hai công ty đều hoạt động trước đại dịch, nhưng việc đóng cửa đã giúp dịch vụ này trở nên phổ biến hơn, vì ngày càng nhiều người làm việc từ xa.
Người đồng sáng lập Caveday, Jeremy Redleaf cho biết: "Dịch vụ từng phù hợp với những người làm nghề tự do và những người có thể kiểm soát thời gian của họ. Rồi đột nhiên, khi đại dịch xảy ra, nó phù hợp với... hầu hết mọi người", anh nói và nói thêm rằng số thành viên của công ty đã tăng 800% kể từ tháng 3.
Caveday và Ultraworking cho biết khách hàng của họ đến từ hơn 15 quốc gia và ở độ tuổi từ 15 đến 80. Có nghệ sĩ, doanh nhân, luật sư, CEO, hay tác giả bán chạy nhất.
"Để người khác có thể nhìn thấy bạn qua camera có nghĩa là tái tạo kỷ luật của một nơi làm việc truyền thống. Khi bạn biết mọi người có thể đang theo dõi bạn, bạn sẽ ít có khả năng bật TV, chợp mắt hoặc chơi với chó của mình", Giám đốc điều hành của Ultraworking, Sebastian Marshal nói.
Châu Anh (Theo CNN)