Điểm tên loạt dự án bất động sản "bất động" cả thập kỷ ở Hà Nội

13:41, 30/11/2024

Mặc dù đã có hàng loạt chỉ đạo, đôn đốc, gỡ vướng pháp lý... từ cơ quan chức năng nhưng hàng loạt dự án bất động sản được quy hoạch trên "đất vàng" ở Thủ đô nhiều năm vẫn chưa triển khai.

Lời Tòa Soạn:

Trong những năm vừa qua, trên địa bàn TP. Hà Nội, hàng nghìn dự án được phê duyệt quy hoạch và đưa vào sử dụng đã và đang mang lại rất nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn hàng trăm dự án đang nằm bất động, có những dự án đã được lập quy hoạch từ 10, 20 năm thậm chí còn lâu hơn nữa nhưng vẫn chưa được triển khai.

Phân tích về tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do dự án vướng mắc về pháp lý, có những dự án chậm triển khai do năng lực tài chính của chủ đầu tư… Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ công tác quy hoạch, quản lý, cùng với đó là tính khả thi của các dự án cũng như trách nhiệm của chính UBND TP. Hà Nội trong việc đôn đốc và đưa dự án vào thực tế còn chưa được hiệu quả.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc tồn tại hàng trăm dự án "treo" tại Hà Nội không chỉ khiến cho cuộc sống của người dân khu vực đó trở nên vất vả, khó khăn mà còn gây lãng phí không nhỏ giá trị tài nguyên đất. Các dự án chậm triển khai đã và đang làm hạn chế quyền khai thác sử dụng đất, kìm hãm phát triển kinh tế xã hội, người dân trong vùng quy hoạch rơi vào khốn đốn, nhà nước thì thất thu ngân sách, còn bộ mặt đô thị nơi có quy hoạch, dự án treo trở nên nhếch nhác.

Để có góc nhìn khách quan về hàng loạt dự án chậm triển khai trên địa bàn TP. Hà Nội, Reatimes khởi đăng tuyến bài: "Lãng phí đất đai: Nhìn từ những dự án "treo" trên địa bàn TP. Hà Nội"

Tuyến bài sẽ nghiên cứu, đánh giá khách quan về những nguyên nhân của tình trạng trên, đồng thời đưa ra những giải pháp, phân tích và nhận định từ các cơ quan chuyên môn, các nhà phân tích, các chuyên gia đầu ngành cũng như những ý kiến kiến nghị từ chính chủ đầu tư. Từ đó, đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn tại các dự án chậm triển khai, góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản nói chung và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội.

Dự án KĐT mới Thịnh Liệt 20 năm bất động do giải phóng mặt bằng

Theo nghiên cứu của phóng viên Reatimes, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt do Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi - thuộc Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Tổng công ty Licogi) làm chủ đầu tư.

Năm 2004, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi khoảng 35ha đất tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai, tạm giao cho Licogi tổ chức điều tra, lập phương án giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai dự án này.

Đến ngày 17/9/2007, Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt được UBND TP. Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 3649/QĐ-UBND về việc cho phép Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng - nay là Tổng Công ty Licogi sử dụng 351.618m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai thuộc quận Hoàng Mai để thực hiện dự án.

Điểm tên loạt dự án bất động sản

Khu đất thực hiện dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt có vị trí đắc địa bậc nhất quận Hoàng Mai khi tiếp giáp với nhiều khu đô thị đã quy hoạch đồng bộ, hiện đại nhưng đến nay vẫn bỏ hoang, gây lãng phí. (Ảnh: Duy Thế)

Dù dự án không có động thái triển khai từ năm 2007, nhưng đến ngày 15/9/2017, UBND TP Hà Nội đã có quyết định điều chỉnh dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt. Tại Quyết định này, TP Hà Nội cho phép Công ty Nhà ở và đô thị Locogi xây dựng khu nhà ở cao tầng tại các ô đất ký hiệu CT4, CT5, CT6 và CT4, tầng cao từ 25-27 tầng và 3 tầng hầm. Trong đó, các ô đất CT5 và CT6 bố trí nhà ở xã hội cao tầng, nhà tái định cư.

Ngoài ra, còn xây dựng mới các công trình nhà ở thấp tầng biệt thự, liền kề. Quy mô dân số khoảng 11.620 người. Tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 900 tỷ đồng, chiếm 15,16%, còn lại là vốn huy động. Tiến độ dự án được quy định từ quý II/2017 đến quý IV/2021 hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đến nay, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt vẫn "án binh bất động". Hàng trăm hộ dân trong diện bị thu hồi đất phải sống khổ sở với dự án "treo" này.

Điểm tên loạt dự án bất động sản Điểm tên loạt dự án bất động sản
Điểm tên loạt dự án bất động sản

Việc giải phóng mặt bằng tại dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Duy Thế)

Theo số liệu thống kê từ đơn vị chức năng, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt có gần 600 hộ dân nằm trong diện đền bù thu hồi đất, nhiều hộ dân đang sống tạm cư. Mặc dù người dân muốn tái định cư tại chỗ, nhưng TP đến nay chưa giao đất cho nhà đầu tư nên dự án chưa được triển khai xây dựng. Chính vì vậy, các hộ dân phải nhận tiền tạm cư để ổn định cuộc sống.

Khu đô thị chức năng Trũng Kênh: Dự án nghìn tỷ chưa thấy ngày về đích

Khu đô thị chức năng Trũng Kênh được quy hoạch để xây dựng từ năm 2007, nhưng suốt 17 năm qua dự án không được triển khai, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Được biết, dự án Khu đô thị chức năng Trũng Kênh kết hợp cải tạo, chỉnh trang lại làng xóm cũ ở quận Hoàng Mai có quy mô khoảng 214.883m2, nằm ở vị trí đắc địa của quận Hoàng Mai. Phía đông bắc dự án giáp với khu di dân Đồng Tàu, phía tây giáp với đường Giải Phóng, phía đông giáp với đường quy hoạch dự kiến, phía nam giáp với tuyến đường tiếp giáp khu hành chính quận Hoàng Mai.

Điểm tên loạt dự án bất động sản

17 năm qua dự án không được triển khai khiến cuộc sống của người dân luôn trong sự chờ đợi, lo lắng.

Năm 2016, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định chấp thuận đầu dự án này cho Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Hà Thành (INDECOTECH), Công ty cổ phần Kinh doanh Phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội (HANHUD), Công ty cổ phần Licogi 16 (Licogi 16) làm chủ đầu tư, với tổng mức khoảng 3.234 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu nhà đầu tư chiếm 20%, tương đương 646 tỷ đồng.

Dự án được thực hiện trong thời gian 10 năm. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2017 đền bù giải phóng mặt bằng; giai đoạn 2017 - 2018 đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị; giai đoạn 2018 - 2025 đầu tư xây dựng công trình kiến trúc.

Tuy nhiên, đến hiện tại, dự án Khu đô thị chức năng Trũng Kênh kết hợp cải tạo, chỉnh trang lại làng xóm cũ vẫn chưa có hoạt động thi công.

Đầu tháng 7/2024, thông tin tới báo chí, lãnh đạo UBND phường Thịnh Liệt cho biết, năm 2007, Sở Quy hoạch kiến trúc đã công bố quy hoạch chi tiết 1/500 Khu chức năng đô thị Trũng Kênh và đến năm 2016 UBND Thành phố mới có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và liên danh ba nhà đầu tư. Hiện tại, việc giải phóng mặt bằng dự án này vẫn chưa thực hiện.

Chia sẻ từ một số người dân sống tại hẻm 42/58/36 phố Thịnh Liệt cho biết, hiện 40 hộ dân tại đây luôn phải sống trong lo âu, bất ổn tâm lý, bởi nhà đất của họ nằm trong quy hoạch xây dựng nên không biết khi nào thì bị thu hồi đất.

Ghi nhận của phóng viên Reatimes, phần lớn nhà đất của người dân ở đây đã được cấp sổ đỏ và nhiều nhà đã xây dựng kiên cố 2 đến 4 tầng.

Tháp Tài chính Quốc tế IFT chưa triển khai do các bên góp vốn không có quyền quyết định

Năm 2005, Tập đoàn Bảo Việt đã được giao đất để triển khai dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT. Dự án có địa chỉ tại lô đất số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, do Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ làm chủ đầu tư.

Dự án có quy mô 13.000 m2, với tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Thời điểm ra mắt, dự án được kỳ vọng là tòa văn phòng hạng A, tiêu chuẩn quốc tế, biểu tượng của quận Cầu Giấy.

Điểm tên loạt dự án bất động sản

Khu đất thực hiện dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT vẫn "đắp chiếu". (Ảnh: Duy Thế)

Để thực hiện dự án, vào năm 2009, Tập đoàn Bảo Việt thành lập Công ty TNHH Bảo Việt – SCIC và nay là Công ty cổ phần Đầu tư SCIC – Bảo Việt với vốn điều lệ 140 tỷ đồng.

Ngày 28/5/2013, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội có văn bản chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ công trình "Tháp Tài chính Quốc tế" tại khu đất số 220 Trần Duy Hưng.

Cũng trong năm 2013, dự án này được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép. Công trình được cấp phép cao 34 tầng và chiều cao tối đa 150m với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại. Dự án từng được kỳ vọng là tòa văn phòng hạng A, tiêu chuẩn quốc tế, biểu tượng của quận Cầu Giấy.

Thời điểm năm 2020, đại diện SCIC thông tin tới báo chí rằng, nguyên nhân chậm triển khai dự án là do tỷ lệ vốn góp 2 bên bằng nhau nên không bên nào có quyền quyết định.

Còn theo ghi nhận thực tế, khu đất thực hiện dự án này đến nay vẫn được quây tôn. Bên trong khu đất cây cối, cỏ dại mọc um tùm, không có dấu hiệu của việc từng được triển khai. Văn phòng của Công ty liên doanh Bảo Việt - SCIC vẫn hoạt động.

Constrexim Complex - dự án ôm đất vàng 3 mặt tiền bỏ hoang cả thập kỷ

Dự án Constrexim Complex do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam (CTX Holdings) làm Chủ đầu tư. Dự án có diện tích 2,5ha, tọa lạc tại ô đất A1-2 khu đô thị mới Cầu Giấy và nằm ở nút giao cầu vượt Mai Dịch với 3 mặt tiền là đường Vành đai 3 (Phạm Hùng), Xuân Thủy và Trần Quốc Vượng.

Dự án được sử dụng để làm trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ với 45 tầng và 3 tầng hầm. Theo đó, Dự án gồm 1 tòa văn phòng, 3 tòa căn hộ chung khối đế 5 tầng dịch vụ và thương mại, 3 tầng hầm để xe và hệ thống kỹ thuật.

Điểm tên loạt dự án bất động sản Điểm tên loạt dự án bất động sản Điểm tên loạt dự án bất động sản

Khu đất "vàng" 3 mặt tiền làm dự án Constrexim Complex đã bỏ hoang cả thập kỷ. (Ảnh: Duy Thế)

Được biết, CTX Holdings đã có giấy chứng nhận đầu tư dự án trên của UBND TP Hà Nội từ tháng 7/2012 và văn bản chấp thuận tổng mặt bằng của Sở Quy hoạch - Kiến trúc năm 2017.

Đầu năm 2019, dự án này cấp tập giải phóng mặt bằng chợ tạm nông sản Dịch Vọng Hậu và bỏ hoang đến hiện tại.

Báo cáo tình hình hoạt động năm 2020, lãnh đạo CTX Holdings cho biết, các dự án của Công ty, không riêng Constrexim Complex, đều không triển khai. Lý do bởi ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.