Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 - Phục hồi và phát triển bền vững
Ngày 5/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam tổ chức diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và kết nối đến 57 điểm cầu trong cả nước.
Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Lê Minh Khái, Bí thư TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên TƯ Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các ban, bộ, ngành, đoàn thể; các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Trung Hải, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Việt Văn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Quang Nguyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan chủ trì tại điểm cầu Vĩnh Phúc.
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, 2 năm nay, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam với chính sách ứng phó linh hoạt với dịch bệnh đã duy trì tăng trưởng dương và thuộc nhóm các nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Năm 2021, với nhiều giải pháp đồng bộ, 6 tháng đầu năm Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế 5,96%. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây thiệt hại nặng nề khiến tăng trưởng kinh tế quý III ở mức âm 6,17%, nên cả năm tuy tăng trưởng dương nhưng chắc chắn sẽ không đạt mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021 và cả nhiệm kỳ 5 năm.
Để khắc phục thiệt hại do tác động của dịch bệnh, phục hồi nền kinh tế, cũng như các nước trên thế giới, Việt Nam đã sử dụng các chính sách tiền tệ, tài khóa và gói hỗ trợ liên quan đến kinh tế và dân sinh với tổng giá trị ước tính 4% GDP năm 2020. Đồng thời, tại kỳ họp thứ hai vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết tổng thể gói hỗ trợ theo hướng thích ứng an toàn, theo mục tiêu phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế; giao Chính phủ xây dựng gói chính sách tài khóa, tiền tệ về gói hỗ trợ này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Dự kiến cuối tháng 12/2021, Quốc hội sẽ họp phiên bất thường để xem xét vấn đề cấp bách, quan trọng này và các vấn đề cấp bách khác liên quan đến vấn đề quốc kế dân sinh. Vì vậy, diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững” sẽ bao quát đầy đủ các ngành, lĩnh vực từ kinh tế tới xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường. Trong đó, một số nội dung quan trọng được các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học thảo luận sâu, cập nhật, đánh giá bối cảnh tình hình phòng chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới; phân tích, đánh giá xu hướng tác động của dịch bệnh và nền kinh tế hiện nay; các kinh nghiệm quốc tế trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế và những gợi ý cho Việt Nam; thực trạng kinh tế Việt Nam và những giải pháp, chính sách phục hồi nền kinh tế. Đồng thời, đề xuất giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách tác động ngay, một số chính sách dài hạn tác động đến động lực tăng trưởng nền kinh tế cũng như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và một số ngành, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên. Từ đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Với 3 chuyên đề: “Một số gợi ý đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”, “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”, diễn đàn thu hút 30 nghiên cứu tham luận của các chuyên gia, diễn giả, nhà khoa học tập trung phân tích tình hình, bối cảnh quốc tế, dự báo, đánh giá về diễn biến của dịch Covid-19 với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của dịch Covid-19; nghiên cứu các chính sách ứng phó với dịch Covid-19 đã được thực hiện trên thế giới, hiệu quả và những rủi ro đi kèm, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Đồng thời, đề xuất những kiến nghị, gợi ý quan trọng về xây dựng chương trình tổng thể phục hồi kinh tế-xã hội với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; huy động và sử dụng tối đa, đồng bộ, hiệu quả nguồn lực; thực hiện linh hoạt, phù hợp, kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa, tận dụng tối đa những dư địa của nền kinh tế; gắn kết chặt chẽ với Chiến lược 10 năm, Kế hoạch 5 năm về kinh tế-xã hội, tài chính công, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, phát triển văn hóa, bảo đảm trật tự an toàn, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Diễn đàn cũng tập trung thảo luận, làm rõ và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm và cơ chế thực hiện phù hợp với nguồn lực quốc gia.
Theo vinhphuc.gov.vn