Điện hạt nhân trở thành giải pháp tại nhiều nước châu Âu
Nhiều nước châu Âu đã quyết định lộ trình từ bỏ hạt nhân nay đang phải xem xét lại, một số nước khác có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy điện nguyên tử dựa trên công nghệ mới.
0h ngày thứ Bảy tuần này, lò phản ứng hạt nhân Doel 3 của Vương quốc Bỉ sẽ bị ngắt khỏi mạng lưới điện. Lộ trình từ bỏ điện hạt nhân bắt đầu có hiệu lực. Doel 3 là lò phản ứng đầu tiên sẽ bị dỡ bỏ, tiếp đó 6 lò phản ứng còn lại sẽ lần lượt phải đóng cửa, muộn nhất là cuối năm 2025. Luật về từ bỏ vĩnh viễn điện hạt nhân đã được Nghị viện Bỉ phê chuẩn từ năm 2003, vào thời điểm phong trào phản đối điện nguyên tử dâng cao. Đối mặt với giá điện tăng vọt và nguy cơ thiếu hụt, nay nước Bỉ đang tìm cách tạm treo lộ trình từ bỏ hạt nhân.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết: "Chính phủ đang yêu cầu gia hạn hoạt động của lò phản ứng Tihange 2 cho đến hết mùa đông. Cơ quan điều phối hạt nhân sẽ rà soát xem có thể được thực hiện giải pháp này một cách an toàn hay không. Tất cả các nhà sản xuất điện đã được yêu cầu không bảo trì các máy phát điện trong mùa đông, mà phải chỉ làm việc đó trước hoặc khi mùa đông kết thúc".
Một số nước châu Âu khác quyết định tiếp tục duy trì các nhà máy điện nguyên tử sẵn có, hoặc xây dựng các nhà máy mới. Bây giờ thì ngay cả các đảng Xanh ở khắp châu Âu cũng phải ủng hộ sử dụng điện nguyên tử, hoặc ít ra là không còn phản đối như trước.
Ông Robert Habeck - Bộ trưởng Kinh tế Đức cho rằng: "Trong kịch bản xấu nhất, hai lò phản ứng sẽ hòa lưới điện. Chúng ta tạm ngưng, chứ không đóng cửa hai lò phản ứng đó, phòng khi cần tới. Đây là một thủ tục minh bạch".
Trong khủng hoảng năng lượng lúc này, nước Pháp ít bị ảnh hưởng, bởi vì Pháp có 56 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp tới 70% nhu cầu năng lượng cả nước. Giống như nhiều nước châu Âu khác, Pháp cũng có lộ trình từ bỏ hạt nhân và nay cũng đang phải tính lại.
GS. Thierry Bros - Đại học Sciences-Po Paris: "Công ty Điện lực Pháp đã cam kết với Quốc hội về thời gian biểu khởi động lại mọi thứ vào tháng Giêng năm sau. Vấn đề là chúng ta không biết chắc được, luôn luôn có thể gặp sự cố khi khởi động lại một lò phản ứng hạt nhân. Theo tôi lộ trình ấy quá lạc quan".
Điện nguyên tử đang là giải pháp cho khủng hoảng năng lượng, dựa vào những nhà máy điện hạt nhân có sẵn và đang hoạt động. Một số nước đang đầu tư cho lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới. Điện nguyên tử, tưởng chừng sắp đi vào dĩ vãng, bỗng nhiên lại trở thành yếu tố quan trọng quá trình chuyển đổi năng lượng của nhiều nước châu Âu.
Thanh Thanh (T/h)