Vụ Boeing 777 mất tích: Hé lộ thêm nhiều “manh mối”
Tiếp diễn vụ việc máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines bị mất tích sáng sớm ngày 8/3, trong nhiều diễn tiến khác nhau, đã hé lộ thêm nhiều manh mối.
Thái Lan điều tra hai hộ chiếu trong vụ máy bay mất tích
Ngày 9/3, cảnh sát Thái Lan cho biết đang điều tra một “đường dây hộ chiếu” sau khi có thông tin về việc hai hành khách trên máy bay của Malaysia Airlines mất tích đã mua vé bằng hộ chiếu đánh cắp tại Thái Lan.
Theo các thông tin của AFP về chuyến bay, các vé được đặt dưới tên Maraldi và Kozel trong ngày 6/3/2014, nơi xuất vé là thành phố Pattaya, một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của Thái Lan nằm về phía Nam thủ đô Bangkok. Số vé của hai người này liền kề nhau, được thanh toán bằng đồng Baht Thái. Giá của mỗi vé là 20.215 Bath (625 USD).
Kozel đã đặt vé để đi từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh trên máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines, rồi đi tiếp tới Amsterdam và Frankfurt. Trong khi Maraldi cũng đi cùng hành trình trên tới Amsterdam, sau đó đi tiếp tới Copenhagen, Đan Mạch.
Hiện Interpol đã xác nhận rằng “ít nhất 2 hộ chiếu” được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu Hồ sơ đi lại bị mất và đánh cắp (SLTD) được hành khách sử dụng để lên chuyến bay MH370 với 239 hành khách khác.
“Các hộ chiếu Áo và Ý đã được bổ sung vào cơ sở dữ liệu SLTD của Interpol sau khi chúng lần lượt bị trộm tại Thái Lan các năm 2012 và 2013”, thông báo của Interpol viết.
Một sỹ quan cấp cao của cảnh sát Thái Lan khẳng định với AFP rằng, cơ quan chức năng nước này đang điều tra một nhóm trộm cắp hộ chiếu tại Phuket, nơi hộ chiếu của Maraldi bị đánh cắp 2 năm trước.
“Một đội cảnh sát kết hợp với cảnh sát địa phương và cơ quan xuất nhập cảnh đang phối hợp để lần theo một đường dây hộ chiếu”, chỉ huy trưởng cảnh sát phía Nam Panya Mamen cho biết.
Ở góc độ khác, một sỹ quan cảnh sát tại Phuket cho biết, Maraldi (chủ nhân của một hộ chiếu bị mất) đã trình diện với cảnh sát tại đây hôm Chủ nhật, 9/3.
“Một du khách Ý, Luigi Maraldi, đã tới gặp chỉ huy cảnh sát phía Nam hôm nay tại Phuket để nói rằng ông ấy không ở trên máy bay đó, và hộ chiếu của ông bị đánh cắp năm ngoái”, trung tá cảnh sát Akanit Danpitaksart khẳng định với AFP.
Sỹ quan này cho biết họ không có thông tin vệ hộ chiếu của Kozel nhưng người phát ngôn Bộ ngoại giao Áo Martin Weiss hôm 9/3 khẳng định hộ chiếu bị đánh cắp trên chuyến bay từ Phuket tới Bangkok.
Malaysia cũng đã mở một cuộc điều tra khủng bố để điều tra các hành khách khả nghi này, đồng thời Mỹ cũng cử các chuyên gia của Cục điều tra liên bang (FBI) hỗ trợ.
Mở rộng vùng tìm kiếm máy bay Boeing 777 của Malaysia về phía Tây - Bắc
Sáng 10/3, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn của Việt Nam cho biết, ngày 10/3 các lực lượng tiếp tục tìm kiếm mở rộng về phía Tây - Bắc so với khu vực tìm kiếm ban đầu. Malaysia đã thống nhất với Việt Nam sẽ tìm kiếm ở phía Nam vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh. Còn Singapore thống nhất sẽ tìm kiếm khu vực giữa Việt Nam và Malaysia.
Dự kiến sẽ có khoảng 23 máy bay, 39 tàu của các nước gồm: Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc, Mỹ, Philippines và Singapore cùng tham gia tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia bị mất tích.
Riêng Việt Nam, tính đến 23h ngày 9/3, đã sử dụng 7 máy bay, điều 8 tàu các loại tham gia tìm kiếm tại hiện trường.
8 kịch bản có thể xảy ra với chuyến bay bị mất tích MH370
Theo thống kê của hãng Boeing, chỉ 9% các máy bay bị gặp nạn khi đã đạt độ cao ổn định. Còn theo các chuyên gia hàng không, phần nguy hiểm nhất trong các chuyến bay chính là giai đoạn cất cánh và hạ cánh. Rất ít khi máy bay “gặp nạn” khi đã đạt độ cao ổn định. Chính lý do này đã khiến cho vụ mất tích của chiếc Boeing 777 của hãng Hàng không Malaysia càng trở nên khó hiểu.
Các chuyên gia cho rằng, sự việc xảy ra đã rất nhanh và quá đột ngột, đến mức các phi công và phi hành đoàn không kịp đưa về bất cứ tín hiệu bị nạn nào cho các cơ quan mặt đất.
Chia sẻ với phóng viên AP, Todd Curtis, một cựu kỹ sư an toàn của Boeing, người đã từng kiểm tra kỹ thuật cho những chiếc Boeing 777 và hiện đang là Giám đốc của Quỹ An toàn Hàng không (Airsafe.com), cho biết, ở thời điểm này, các chuyên gia đang phải tập trung vào một sự việc mà chính họ “không biết gì”. Vụ mất tích kể trên quá kỳ bí.
“Nếu giả sử có một lỗi kỹ thuật nhỏ nào đó xảy ra, hay thậm chí là nghiêm trọng hơn, cứ cho rằng cả hai động cơ máy bay đều bị hỏng cùng một lúc, phi công vẫn có thể có thời gian để điện đàm cứu trợ", ông này cho hay.
"Việc không hề có bất cứ cuộc gọi nào về trung tâm mặt đất, cho thấy đã có một điều gì đó rất đột ngột và bạo lực xảy ra”, William Waldock, một giảng viên môn Điều tra Tai nạn của Trường Đại học Hàng không Emby-Riddle tại Prescott, Ariz nói.
Sự việc diễn ra qua đột ngột và khó hiểu đến nỗi một số chuyên gia đã không loại trừ khả năng khủng bố hoặc một phi công đã cố ý phá hủy chiếc máy bay.
Một trong các dấu hiệu đầu tiên hé lộ những gì đã xảy ra chính là kích thước của các mảnh vỡ. Nếu mảnh vỡ lớn và trải rộng hàng chục dặm thì có nghĩa là máy bay đã bị vỡ thành từng mảnh ở trên cao. Đó là dấu hiệu của việc bị đánh bom hoặc một sự cố hỏng hóc nghiêm trọng. Nếu những mảnh vỡ nhỏ hơn thì có lẽ máy bay đã bị rơi từ độ cao xuống dưới, rơi xuống và vỡ tung khi tiếp xúc với mặt nước.
Dưới đây là hàng loạt các giả định, đã được đưa ra bàn thảo.
1. Sự cố thảm họa của khung máy bay hoặc các động cơ Rolls-Royce của máy bay
Hầu hết khung máy bay đều được làm bằng nhôm và bị ăn mòn theo thời gian, đặc biệt trong môi trường độ ẩm cao. Tuy nhiên, đối với loại máy bay có lịch sử an toàn cao như Boeing 777, giả thiết này khó thuyết phục.
Mối nguy cơ lớn nhất của máy bay khi cất và hạ cánh là buồng điều áp và xả áp sẽ hoạt động liên tục, gây áp lực lớn lên thân máy bay. Tháng 4/2011, một máy bay Boeing 737 từng phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ngay sau khi cất cánh vì thân máy bay bị vỡ. Rất may, 118 khách trên chuyến bay này đều an toàn.
Nhưng trường hợp đó có vẻ không có gì tương tự như vụ mất tích chiếc 777 của Malaysia vì Boeing 777 có đường bay dài hơn và số lần cất hạ cánh ít hơn nhiều so với Boeing 737.
2. Thời tiết xấu
Máy bay được thiết kế để có thể chống chọi với cả các cơn bão nghiêm trọng. Tuy nhiên, tháng 6/2009, một chiếc máy bay của hãng Air France đã gặp nạn trên đường bay từ Rio de Janeiro đến Paris vì gặp bão lớn.
Tuy nhiên, trong vụ mất tích chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines, các báo cáo đều cho thấy bầu trời rất trong và tốt.
3. Phi công bị mất phương hướng
Máy bay khi đạt độ cao an toàn, người lái có thể cài chế độ lái tự động và đôi khi phi công chỉ nhận ra bị sai phương hướng khi đã quá muộn.
Giả thiết này cũng không mấy thuyết phục, bởi chiếc Boeing 777 nếu bị mất phương hướng cũng sẽ được phát hiện bởi các hệ thống radar.
4. Cả hai động cơ hỏng cùng một lúc
Năm 2008, một chiếc Boeing 777 đã bị nạn khi mới chạy được khoảng 300m trên đường băng ở phi trường Heathrow. Cả hai động cơ của chiếc máy bay này đều bị chết máy vì đá đóng quá dày trên hệ thống cung cấp nhiên liệu. Không có thiệt hại về người trong vụ tai nạn kể trên.
Hai động cơ bị hỏng cùng lúc là điều có thể xảy ra, tuy nhiên theo chuyên gia Hamilton, nếu trong trường hợp đó, máy bay sẽ vẫn lướt tiếp được khoảng 20 phút trước khi rơi. Khoảng thời gian đó là quá đủ cho phi công thực hiện các cuộc gọi khẩn cấp.
5. Một vụ đánh bom
Trong lịch sử hàng không, đã có nhiều vụ đánh bom khủng bố trên máy bay như vụ Pan Am Flight 103 từ Luân Đôn đi New York hồi tháng 12/1988, vụ đánh bom máy bay của hãng Air India tháng 6/1985.
Gần đây nhất, tháng 9/1989, một chiếc máy bay của hãng Union Des Transports Aeriens, Pháp cũng bị nổ bom khi bay trên không phận vùng hoang mạc Sahara.
6. Một vụ không tặc
Một vụ không tặc truyền thống thường đi kèm với những yêu sách và máy bay cũng sẽ phải hạ cánh ở một sân bay nào đó. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chiếc Boeing 777 vẫn bặt vô âm tín.
7. Phi công tự tử
Những năm cuối thập niên 90, một chiếc may bay của hãng SilkAir và một chiếc máy bay của EgyptAir đã đâm vào nhau.
Người ta tin rằng vụ tai nạn trên là cố ý, dù chính phủ không bao giờ công khai thừa nhận giả thiết trên.
8. Bị bắn nhầm bởi lực lượng quân đội nào đó
Năm 1988, một tên lửa hành trình của Hải quân Mỹ đã không may bắn trúng một máy bay của Iran Air, khiến toàn bộ 290 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Năm 1983, một máy bay khác của hãng Hàng không Hàn Quốc cũng bị máy bay chiến đấu của Nga “bắn nhầm”. Đó là những kịch bản tồi tệ không ai mong muốn sẽ xảy ra với chiếc Boeing 777 của hãng Malaysian Airlines.
Có người nghi đã nhìn thấy máy bay nhào xuống biển
Alif Fathi Abdul Hadi ở Ketereh, thuộc bang Kelantan, đã kể với New Straits Times những gì anh chứng kiến sau khi đã báo tin cho Cơ quan Thực thi Luật biển Malaysia (MMEA) ở Tok Bali trước đó trong ngày.
Thương gia 29 tuổi này cho biết, anh đang ở nhà riêng thì nhìn thấy một vệt sáng trắng, trông giống như những vệt từ máy bay đang bay ban đêm.
"Tôi đang đi ra cửa sau thì nhìn thấy một vệt sáng trắng. Nó di chuyển hướng xuống biển, tới khu vực Bachok, rất bất thường".
"Thông thường, các máy bay qua đây có đường đi bình thường, nhưng vệt này lại hoàn toàn khác", Alif cho biết, anh đã đứng xem vệt sáng chuyển động khoảng 5 phút trước khi nhận ra rằng nó đang lao xuống.
Alif Fathi Abdul Hadi (phải) đã báo những gì anh nhìn thấy cho MMEA.
Tuy nhiên, Alif cũng thừa nhận, anh không chắc đó là một máy bay vì anh chỉ nhìn thấy vệt sáng. Người đàn ông này khẳng định không có ánh sáng đỏ nhấp nháy.
"Tôi cũng không để ý lắm, và sau đó đi ngủ", Alif cho biết thêm. "Nhưng ngày hôm sau, khi nghe tin tức trên đài, tôi nhớ ra vệt sáng tôi nhìn có thể là từ máy bay. Sau khi kể với mọi người trong nhà, họ khuyên tôi nên báo với chính quyền. Tôi hy vọng thông tin này có thể giúp ích gì đó". Và Alif đã cùng người chú Rosman Ishak, 55 tuổi, đi báo tin cho nhà chức trách.
Hiện có giả thiết cho rằng, rất có thể chiếc Boeing 777 của Malaysia kia đã bất ngờ bị nổ tung ở trên không.
Xuất hiện thông tin về một nhóm cảm tử của Trung Quốc có liên quan đến vụ việc
Khoảng 10h sáng nay (10/3) Báo Thanh Niên cho biết, trên các trang mạng xã hội đang lan truyền thông tin về một bức thư của tác giả tự xưng là 'Người lãnh đạo nhóm cảm tử Trung Quốc', tuyên bố tổ chức này đứng sau vụ máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích, nhằm trả thù cho người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Diễn đàn trực tuyến Boxun (Trung Quốc) đã cho đăng tải bức thư nặc danh được gửi tới một nhà báo có tiếng ở Trung Quốc, có đầu đề “Thanh minh và giải thích về sự kiện chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines”. Tác giả bức thư viết, “mọi người không cần phải tìm nữa, bởi vì tất cả những người trên chuyến bay này đã về với Chúa Trời rồi”.
Ở góc độ khác, Hãng thông tấn Malaysia Bernama dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước này, ông Zahid Hamidi, cho biết, hai hành khách sử dụng hộ chiếu ăn cắp để lên chiếc máy bay mất tích đều có nhận dạng khuôn mặt "mang đặc trưng châu Á". Trước đó, các quan chức Malaysia nói họ đã kiểm tra hình ảnh các hành khách lên máy bay, ghi lại từ camera an ninh.
Các báo "đông nghẹt" tại một cuộc họp báo ở Malaysia mới đây
Còn nguồn tin từ Malaysia Airlines cho hay, chiếc máy bay mất tích từng bị hỏng cánh vào năm 2012, nhưng đã được sửa an toàn để tiếp tục bay.
"Chiếc máy bay bị hư phần đầu cánh do va chạm. Tuy nhiên, nó đã được hãng Boeing sửa lại và được sự xác nhận đảm bảo an toàn để tiếp tục bay của các cơ quan chức năng khác”, Giám đốc điều hành Ahmad Johari Yahya nói.
Phóng viên quốc tế đổ về Phú Quốc
Sự kiện máy bay Boeing 777-200 của Hãng hàng không Malaysia bị mất tích đang được sự quan tâm của người dân Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.
Hiện, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nơi dự kiến thành lập Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ, đã có khá đông các phóng viên trong nước và quốc tế đến để tìm hiểu và đưa tin về vụ việc này.
Rất có khả năng trong những ngày tới, nhiều thân nhân của những hành khách trên chuyến bay MH370 bị mất tích của hãng Hàng không Malaysia cũng sẽ đổ về đây, với hy vọng tìm hoặc nhận được “đầu mối nào đó” về người thân của họ.
Thanh Trà (tổng hợp)