Dịp Tết Nguyên đán 2025, Việt Nam ghi nhận hơn 100 cuộc tấn công mạng
Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin, dù không ghi nhận các sự cố tấn công mạng gây hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn ghi nhận tới 105 cuộc tấn công mạng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2025.
Theo đó, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 kéo dài 9 ngày, đã phát hiện 105 cuộc tấn công mạng, chủ yếu theo hình thức phishing.
Trong thời gian này, Cục An toàn thông tin đã gửi cảnh báo và hỗ trợ xử lý 15 cuộc tấn công mạng, song song với đó kịp thời ngăn chặn và xử lý 30 website vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) đã nhận được gần 2.600 phản ánh về cuộc gọi rác và gần 1.200 phản ánh về tin nhắn rác.
Được biết, từ trước Tết dương lịch 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cùng các tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước đồng loạt triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tăng cường bảo vệ an toàn cho các hệ thống thông tin, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, Internet và các nền tảng chuyển đổi số phải tăng cường nguồn lực đảm bảo hạ tầng viễn thông, Internet an toàn, thông suốt. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nâng cao giám sát, hỗ trợ xử lý sự cố và triển khai các biện pháp kỹ thuật cao nhất để phát hiện, chặn lọc và ngăn chặn các hoạt động tấn công mạng, phát tán thông tin xấu độc.
Năm 2025 các cuộc tấn công mạng theo hình thức: tấn công chủ đích APT, mã độc gián điệp spyware và mã hoá dữ liệu tống tiền ransomware được dự báo sẽ vẫn là xu hướng chính, cùng với đó, các hệ thống điều khiển công nghiệp, xe tự hành, máy bay không người lái (drone) sẽ là mục tiêu mới của tin tặc.
Bên cạnh đó các chiêu thức tấn công giả mạo, lừa đảo trực tuyến nhắm đến các đối tượng không có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn, hiểu biết về nền tảng số, kẻ lừa đảo thường sử dụng hình ảnh, công nghệ để giả mạo bạn bè, người thân nhằm chiếm đoạt tiền cũng sẽ được tin tặc ưu tiên lựa chọn,
Trước thực tế việc bị lộ lọt, nghe lén và đánh cắp những thông tin cá nhân, tài khoản, dữ liệu phục vụ mục đích chiếm đoạt và lừa đảo vẫn là mối nguy lớn nhất, đồng thời các phần mềm gián điệp, nghe lén và giả mạo trên smartphone ngày càng nhiều, nhận thức về an toàn thông tin của người sử dụng lại chưa cao, các doanh nghiệp, cơ quan cần đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo và nâng cao nhận thức cho người dùng về mối nguy hại và tác hại của những vụ việc, sự việc tấn công trên nền tảng số.