Doanh nghiệp CNTT Nam Định có nhiều ưu thế do đáp ứng được dịch vụ sửa chữa, bảo hành
Nam Định là một tỉnh có cộng đồng doanh nghiệp CNTT khá lớn với con số khoảng 100 đơn vị. Ông Nguyễn Phi Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Tin học Phi Dũng, Chủ tịch cộng đồng doanh nghiệp CNTT Nam Định đã có những chia sẻ với Tin học & Đời sống về hoạt động của cộng đồng.
Ông Nguyễn Phi Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Tin học Phi Dũng, Chủ tịch cộng đồng doanh nghiệp CNTT Nam Định.
PV: Trước hết, xin ông cho biết là các doanh nghiệp CNTT của tỉnh hiện có phải cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn đến từ Hà Nội và các địa phương khác không?
Ông Nguyễn Phi Dũng: Trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định chúng tôi hiện có khoảng 100 doanh nghiệp CNTT. Và quá trình cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn đến từ Hà Nội và các địa phương khác cũng đã thực sự bắt đầu hơn 10 năm nay khi họ mở các cửa hàng, siêu thị tin học ở Nam Định. Có thể kể ra những tên tuổi như FPT, Media Mart, Thế giới Di động… Tuy nhiên, người dân Nam Định về cơ bản vẫn quen với các nhà cung cấp truyền thống nên nhiều khách hàng vẫn trung thành với các doanh nghiệp chúng tôi. Thêm nữa là về các dịch vụ sửa chữa và bảo hành thì về cơ bản là doanh nghiệp địa phương làm tốt hơn các đối thủ cạnh tranh đến từ nơi khác. Do đó, chúng tôi vẫn duy trì được khách hàng của mình và đặc biệt là sẽ có nhân viên đến tận địa chỉ của khách hàng để sửa chữa, bảo hành.
Riêng với các dự án của các cơ quan nhà nước thì doanh nghiệp CNTT ở Nam Định cũng không dễ thắng được vì rất nhiều lý do, trong đó, có giá cả khó có thể cạnh tranh và khó có thể cung ứng được số lượng lớn. Thêm nữa là sự chuyên nghiệp trong đấu thầu của các doanh nghiệp lớn chắc chắn cũng cao hơn. Tuy nhiên, cũng cần phải nói, Nam Định vẫn còn là một tỉnh nghèo nên nguồn ngân sách đầu tư cho CNTT vẫn còn hạn chế. Do đó, số các dự án CNTT của các cơ quan nhà nước cũng không nhiều và chủ yếu đã được phân bổ theo ngành dọc từ Trung ương xuống. Nhưng, với các đơn vị có nhu cầu mà đưa ra điều kiện phải sửa chữa, bảo hành trong ngày thì đó là ưu thế của các doanh nghiệp CNTT địa phương và các doanh nghiệp lớn đến từ nơi khác khó lòng đáp ứng được.
PV: Xin ông cho biết về nhu cầu mua sắm trang thiết bị và dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định?
Ông Nguyễn Phi Dũng: Nói đến Nam Định là chúng ta phải nói đến ngành dệt đã lừng danh một thời. Tuy nhiên, bản thân Liên hiệp Nhà máy Dệt Nam Định nay đã co hẹp quy mô rất nhiều so với trước đây. Do đó, Liên hiệp Nhà máy Dệt Nam Định còn là một khách hàng lớn cho thị trường sản phẩm và dịch vụ CNTT. Riêng về đầu tư nước ngoài, số các đối tác đặt chân vào Nam Định cũng không nhiều, thậm chí là rất ít. Đầu năm 2023, cũng có một nhà đầu tư sản xuất máy tính làm nhà máy ở Nam Định với số vốn 130 triệu USD. Thế nhưng, dự án này mới chỉ là trên giấy tờ chứ chưa chính thức hoạt động. Do đó, khách hàng chủ yếu của các doanh nghiệp CNTT chúng tôi về cơ bản vẫn chỉ là với các doanh nghiệp nhỏ và nhu cầu cá nhân.
Còn về các trường đại học, cao đẳng và trung cấp của Nam Định - những khách hàng tiềm năng cho thị trường CNTT thì cũng không thực sự mạnh do sức hút quá lớn với sinh viên của các trường ở Hà Nội. Vì thế, nhu cầu mua sắm của bản thân các nhà trường và cán bộ, sinh viên cũng khá khiêm tốn. Cũng cần nói thêm là trong giai đoạn căng thẳng của dịch cúm Covid-19 hồi cuối năm 2021 thì chúng tôi lại bán được rất nhiều sản phẩm do nhu cầu tăng vọt của giáo dục và làm việc từ xa vì ai ai cũng phải có máy tính cho công việc của mình.
PV: Đó là mới nói về thị trường phần cứng. Vậy còn với phần mềm thì sao thưa ông?
Ông Nguyễn Phi Dũng: Để cung ứng được phần mềm cho các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định có lẽ là vượt quá khả năng của lực lượng CNTT chúng tôi. Nguyên nhân vì nếu nói đến các phần mềm kế toán, quản trị doanh nghiệp… thì đã có những doanh nghiệp lớn như MISA, FAST… cung ứng. Thậm chí, họ còn miễn phí sử dụng phần mềm với các khách hàng là doanh nghiệp mới thành lập. Và thực tế, chúng tôi chỉ có thể là đại lý để cung cấp phần mềm như diệt virus cho các khách hàng có nhu cầu.
PV: Vậy xin ông cho biết về hoạt động hội với cộng đồng doanh nghiệp CNTT Nam Định?
Ông Nguyễn Phi Dũng: Thực ra, chúng tôi hiện mới chỉ là một tổ chức tự nguyện của các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn tỉnh chứ chưa chính thức là có tư cách pháp nhân. Điều này có lẽ cũng giống như nhiều địa phương khác vì hoạt động CNTT chưa đủ mạnh. Về cơ bản, các doanh nghiệp CNTT tại Nam Định đều có quan hệ mật thiết với nhau vì triết lý “buôn có bạn, bán có phường”. Chúng tôi đã ngồi lại với nhau hơn 10 năm nay và lựa chọn, bầu ra những người có uy tín và trách nhiệm mà trong đó có tôi để đại diện cho cộng đồng. Theo định kỳ thì mỗi năm chúng tôi có tổ chức 2 lần gặp gỡ toàn thể anh em. Nhiệm vụ chúng mà chúng tôi phải thực hiện là thống nhất về mặt bằng giá cả và phân vùng khách hàng cho các doanh nghiệp thành viên cùng các hoạt động giao lưu với đồng nghiệp ở các địa phương khác, tham, gia các hoạt động từ thiện…
Nhiều lúc, chúng tôi cũng phân vân về việc chính thức thành lập Hội Tin học Nam Định để có pháp nhân cho những công việc cần làm. Tuy nhiên, điều này cũng chưa thực hiện được vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan cùng rất nhiều trách nhiệm phải gánh vác của một tổ chức có pháp nhân chính thức. Chúng tôi hiểu mong muốn của trung ương và cả của tỉnh nhà về việc phải sớm chính thức thành lập Hội Tin học Nam Định. Để việc này trở thành hiện thực thì ngoài nỗ lực của chính cộng đồng doanh nghiệp CNTT chúng tôi thì còn cần sự vào cuộc tích cực của đội ngũ viên chức Nhà nước cùng ngành giáo dục tỉnh nhà và các cá nhân, tổ chức khác.
Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, ông Nguyễn Phi Dũng còn có niềm đam mê sưu tập báo chí. Hiện tại, ông đang sở hữu một khối lượng báo chí rất lớn và có cả nhiều tờ báo xuất bản tại Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX. Ông có tham vọng thành lập một bảo tàng tư nhân về báo chí và dự kiến sẽ khai trương trong năm 2025 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. |
Xin cảm ơn ông!
Theo Tạp chí in số tháng 4+5+6/2023