Doanh nghiệp gặp khó trong quá trình chuyển đổi xanh

16:37, 27/09/2024

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức ngày càng lớn, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh không chỉ là một lựa chọn mà còn là một sự cần thiết đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bài toán tài chính trong quá trình chuyển đổi này đang là một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chịu nhiều áp lực

Một trong những rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi chuyển đổi xanh là chi phí đầu tư ban đầu. Việc áp dụng công nghệ xanh, thay đổi quy trình sản xuất, và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường mới đòi hỏi một khoản đầu tư lớn. Các thiết bị tiết kiệm năng lượng, nguồn năng lượng tái tạo, và các hệ thống quản lý chất thải hiệu quả thường có giá thành cao.

Ngoài ra, thời gian để hoàn vốn từ các dự án chuyển đổi xanh cũng lâu hơn so với các dự án truyền thống do hiệu quả kinh tế không lập tức thấy rõ. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp e ngại khi phải cam kết một khoản đầu tư lớn mà không thể thấy được lợi nhuận ngắn hạn.

Mặc dù đã có nhiều chính sách và quỹ đầu tư nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, nhưng sự thiếu hụt về các nguồn vốn ưu đãi, các khoản vay lãi suất thấp và các hỗ trợ tài chính khác vẫn là một thực tế. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ điều kiện tiếp cận các nguồn vốn này do thiếu thông tin hoặc không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe.

Báo cáo về mức độ sẵn sàng và khó khăn của DN trong chuyển đổi xanh do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa công bố cho thấy, 48,7% DN đánh giá chuyển đổi xanh là cần thiết, nhưng 64% DN chưa có sự chuẩn bị gì, trong đó, 55,6% DN ngành công nghiệp chưa chuẩn bị gì, 65,1% DN trong nước chưa chuẩn bị gì và 68,7% DN chỉ hướng đến thị trường nội địa chưa chuẩn bị gì.

Về những khó khăn mà DN phải đối mặt trong chuyển đổi xanh, có 34,7% DN cho biết khó khăn về thông tin; 36,5% DN gặp khó khăn về chiến lược; 50% DN gặp khó khăn về vốn; 48,6% DN gặp khó khăn về nhân sự; 44,2% DN gặp khó khăn về các giải pháp kỹ thuật.

Theo Ban IV, nguồn vốn là khó khăn lớn nhất mà các DN gặp phải trong quá trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh. Đáng chú ý, có đến 62,7% DN có doanh thu từ 1.000-1.500 tỷ cho rằng, “gặp khó khăn về vốn”.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV cho rằng: “Đây là một vấn đề cần sự quan tâm đặc biệt vì trong khi DN rất cần vốn cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh để đón đầu các cơ hội thì tài chính xanh chưa phát triển tương ứng”.

Điều đáng nói, có một số DN nằm trong danh sách ban đầu bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính nhưng không biết, ví dụ như 67/69 DN ngành giấy và nhiều DN tại tỉnh Thái Nguyên chưa biết DN mình nằm trong danh sách, hay DN ở quy mô lớn nhất mảng sản xuất dây cáp điện tại Việt Nam không hề biết đến việc buộc phải kiểm kê cho đến khi được Ban IV đề cập trực tiếp.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy nhận định: “Với các diễn biến chính sách từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và nội luật hóa ở Việt Nam, việc các DN dường như chưa chuẩn bị gì sẽ tạo ra những sức ép rất lớn trong tương lai khi các quy định hết thời gian chuyển tiếp và chuyển sang giai đoạn bắt buộc tuân thủ”.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, với ngành da giày, 8 tháng của năm 2024, XK da giày tăng trưởng, với mức tăng hơn 10%, nhiều thị trường đang hồi phục. Với tốc độ phục hồi như hiện nay, dự kiến XK ngành da giày sẽ đạt khoảng 27 tỷ USD trong năm nay.

Tuy nhiên, đáp ứng tiêu chuẩn xanh là một quá trình diễn ra dần dần, bởi vì điều này liên quan nhiều đến việc đầu tư công nghệ. Ví dụ, DN phải chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hoặc thay thế nguồn nhiên liệu như than đốt trong nhà máy. Đây là những yêu cầu đòi hỏi nguồn lực lớn.

Dù vậy, các DN đều nhận thức rõ rằng nếu không thay đổi sẽ không còn đơn hàng. Những DN vẫn duy trì và phát triển được đến thời điểm này là những đơn vị đã đầu tư vào tiêu chuẩn xanh. Ngược lại, những DN không thể thích ứng sẽ dần bị loại bỏ khỏi thị trường.

Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh không chỉ là một lựa chọn mà còn là một sự cần thiết đối với các doanh nghiệp.

Tiết kiệm năng lượng đặt lên hàng đầu

Trong bối cảnh chuyển đổi xanh ngày càng được nhấn mạnh như một phần thiết yếu của chiến lược phát triển bền vững, việc tiết kiệm năng lượng đang trở thành điểm khởi đầu quan trọng cho bài toán tài chính xanh của các doanh nghiệp. Việc giảm thiểu chi phí năng lượng không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tiền mà còn góp phần vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, qua đó hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững chung của toàn xã hội.

Tiết kiệm năng lượng là bước đầu tiên đơn giản nhất trong việc áp dụng các biện pháp bền vững. Điều này bao gồm việc thay thế các thiết bị cũ, tiêu tốn nhiều năng lượng bằng những thiết bị hiện đại hơn, hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc cải tiến quy trình sản xuất, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cũng là những biện pháp giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí vận hành.

Trên thực tế, DN đang cùng lúc gánh chịu nhiều áp lực từ chuỗi cung toàn cầu và trong nước, khi các chuẩn mực về môi trường, xã hội và con người liên tục được cập nhật theo hướng xanh, bền vững. Các quy định về chất lượng, độ an toàn của các sản phẩm cũng vì vậy được yêu cầu cao hơn. Trong đó, chuyển đổi năng lượng xanh là một bước ngoặt quan trọng để giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết, ngành công nghiệp hiện chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Hiện, cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE (tấn dầu quy đổi) tương đương 6 triệu kWh điện/năm trở lên.

Các DN này có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Nếu các cơ sở này chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì hằng năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh điện (tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện được hơn 3.200 tỷ đồng).

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết: “Việc sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Các chính sách về tiết kiệm năng lượng đang khuyến khích, thúc đẩy các DN thực hiện giải pháp quản lý và công nghệ tiên tiến, đưa ra thị trường các sản phẩm có tính năng kỹ thuật vượt trội, hiệu suất năng lượng cao, góp phần đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng chuyển đổi kinh tế xanh hướng đến phát triển bền vững”.

Bà Phạm Ngọc Thủy cho rằng, việc đầu tiên là cần hoàn thiện mang tính tổng thể các thể chế, chính sách để hỗ trợ DN chuyển đổi xanh, bao gồm việc rà soát các chính sách và quy định pháp lý đã tồn tại để thay đổi cho phù hợp với xu hướng chuyển đổi, phù hợp với mô hình kinh tế tái chế, tuần hoàn...

Các tiêu chuẩn phân loại xanh, danh mục dự án xanh, quy định tín dụng/trái phiếu xanh, các thiết kế về dòng vốn trung và dài hạn cần được ban hành sớm và hướng dẫn tổ chức thực hiện, triển khai nhanh chóng để DN có thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết, phù hợp.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, các quy định xanh của các nước nhập khẩu có lộ trình và thời gian để cho các nước sản xuất, XK như Việt Nam có thể từ từ thích ứng chứ không phải là những quy định bắt buộc thực hiện ngay lập tức.

Thực tế cho thấy, các DN của Việt Nam cũng đã có những nhận thức, nhiều DN đã chủ động triển khai để đáp ứng quy định này. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế để thích ứng. Việc này xuất phát từ nhận thức, hơn hết là chi phí đối với DN, nhất là DN vừa và nhỏ.

DN phải có kế hoạch bài bản, xác định được thị trường mục tiêu của mình, sản xuất và XK theo tín hiệu thị trường, cái mà thị trường cần. Khi xác định được thị trường mục tiêu, nắm bắt được yêu cầu thị trường thì sẽ có kế hoạch đáp ứng được yêu cầu này.

Các doanh nghiệp đôi khi cần phải đầu tư ban đầu khá lớn, và việc thay đổi thói quen sản xuất để chuyển sang mô hình thân thiện hơn với môi trường đòi hỏi sự cam kết và kiên nhẫn.

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ công nghệ và chính sách, các doanh nghiệp có thể tối ưu hóa lợi ích này, mở ra cơ hội để phát triển bền vững hơn trong tương lai.