Doanh nghiệp “hiến kế” giúp TP.HCM khai phóng tiềm năng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Các doanh nghiệp và hiệp hội đưa ra loạt đề xuất đột phá trong cải cách tư duy quản lý, mở rộng sandbox, thu hút đầu tư công nghệ cao... nhằm nâng sức cạnh tranh đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ cho TP.HCM…
Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tại TP.HCM (HCMC C4IR) vừa tổ chức buổi tham vấn lấy ý kiến đại diện các nhóm doanh nghiệp và hiệp hội nhằm phục vụ cho việc xây dựng các đề xuất chính sách đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là một bước chuẩn bị quan trọng cho việc hoàn thiện nội dung dự thảo chính sách trình Hội đồng Nhân dân TP.HCM trong tháng 5/2025.
Tại buổi tham vấn, nhiều hiệp hội doanh nghiệp đã chỉ ra các rào cản đang cản trở hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cũng như đề xuất các giải pháp chính sách mang tính thực tiễn.
Hình minh họa do AI thực hiện.
Tạo bệ phóng cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Ông Vũ Văn Đảo, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), cho rằng hệ thống pháp luật và chính sách hiện hành tuy không thiếu, nhưng cách triển khai vẫn còn cứng nhắc, chưa phù hợp với tốc độ phát triển công nghệ hiện đại.
Theo ông Đảo, nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ thường xuyên gặp khó khăn trong việc xin phép, làm việc với cơ quan quản lý do tư duy quản lý lạc hậu và tiêu chuẩn kỹ thuật dựa trên công nghệ cũ.
“Tình trạng né tránh trách nhiệm trong bộ máy quản lý đã khiến nhiều sản phẩm công nghệ mới không được phép thử nghiệm, bị "ách đầu ra". Đồng thời, một số quy chuẩn xây dựng quá chi tiết đã hạn chế sáng tạo trong thiết kế và sản xuất”, ông Đảo cho biết.
Từ thực tế đó, VAMI kiến nghị cần sửa đổi, cập nhật luật pháp và tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với công nghệ mới. Đồng thời, thúc đẩy áp dụng cơ chế quản lý linh hoạt, dựa trên khung an toàn nhưng cho phép doanh nghiệp chủ động sáng tạo.
Ở góc độ khác, bà Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA), đề xuất cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các startup công nghệ và doanh nghiệp chuyển giao công nghệ.
"Việc mở rộng các trung tâm đổi mới sáng tạo tư nhân và vườn ươm công nghệ sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho các ý tưởng khởi nghiệp được nuôi dưỡng và phát triển", bà Phi nhấn mạnh.
Bà Phi cũng cho rằng TP.HCM cần tận dụng các hiệp định hợp tác quốc tế để huy động vốn và nguồn lực cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; đồng thời thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Ngoài ra, việc tổ chức các hoạt động kết nối, đào tạo cán bộ nhà nước về tư duy đổi mới, lấy cảm hứng từ mô hình của Singapore, cũng là điều cần thiết để tạo ra một nền tảng quản trị phù hợp với tinh thần đổi mới sáng tạo.
Các doanh nghiệp, hiệp hội chia sẻ ý kiến trong buổi họp tham vấn tại Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tại TP.HCM (HCMC C4IR).
Bên cạnh đó, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, hiệp hội cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai các chính sách đột phá trong lĩnh vực sandbox và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo đó, các đại biểu đề xuất cần mở rộng khái niệm và phạm vi ứng dụng sandbox không chỉ dừng lại ở thử nghiệm công nghệ như blockchain, fintech,… mà còn cần áp dụng cho các mô hình tổ chức nhân sự, phương thức vận hành và đặc biệt là việc thu hút và sử dụng chuyên gia, nhân sự trình độ cao trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Theo ghi nhận từ doanh nghiệp, hiện nay việc mời gọi và sử dụng chuyên gia quốc tế tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều rào cản, từ thủ tục hành chính, cấp phép nhập cảnh, ký kết hợp đồng, đến mức đãi ngộ chưa đủ cạnh tranh. Những hạn chế này đang làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đổi mới sáng tạo tại TP.HCM, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh thu hút chất xám ngày càng gay gắt ở khu vực và toàn cầu.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp và hiệp hội kiến nghị xây dựng một cơ chế đặc thù về nhân sự trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, cư trú và ký hợp đồng đối với chuyên gia trong và ngoài nước…
Hoạt động trên nguyên tắc "Bốn cùng"
Phát biểu kết luận buổi tham vấn, ông Lê Trường Duy, Giám đốc HCMC C4IR, cho biết HCMC C4IR sẽ đóng vai trò chủ trì và làm cầu nối giữa các cơ quan chính sách với cộng đồng doanh nghiệp, tiếp thu ý kiến thực tiễn từ đại diện các nhóm doanh nghiệp và hiệp hội. Trung tâm cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các hiệp hội và các cơ quan chính quyền trong việc hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, bền vững và có khả năng thích ứng cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế tri thức của TP.HCM và cả nước.
Theo ông Lê Trường Duy, HCMC C4IR sẽ ưu tiên triển khai các sáng kiến đổi mới sáng tạo trong những lĩnh vực cốt lõi, có tính dẫn dắt như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn, mạng 5G ứng dụng trong công nghiệp và nông nghiệp, chuyển đổi số trong y tế, xây dựng sàn giao dịch công nghệ quốc tế và phát triển trung tâm nghiên cứu tập trung. Đặc biệt, Trung tâm đang phát triển công cụ chatbot hỗ trợ điều hành cho lãnh đạo Thành phố. Các sáng kiến này sẽ được triển khai theo hướng thí điểm thông qua cơ chế sandbox, được quy định tại Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, HCMC C4IR và Ban Soạn thảo sẽ đề xuất ba nhóm chính sách trọng điểm.
Thứ nhất, chính sách hợp tác công – tư và công – công. Trong đó, làm rõ quy định về quyền sở hữu tài sản trí tuệ từ kết quả nghiên cứu (ví dụ như bằng sáng chế), đảm bảo phân định rõ trách nhiệm và lợi ích giữa các bên.
Thứ hai, chính sách thu hút đầu tư vào công nghệ cao, gồm các ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp công nghệ cao trong và ngoài nước.
Thứ ba, chính sách thu hút và phát triển chuyên gia. Trong đó, bổ sung cơ chế đãi ngộ, các chương trình đào tạo chuyên sâu và giải thưởng khoa học – công nghệ nhằm xây dựng văn hóa tôn vinh tri thức.
Cùng với đó, Trung tâm đang xây dựng đề xuất thành lập Quỹ đầu tư khoa học công nghệ với quy mô 200–300 tỷ đồng, theo mô hình matching fund (60% xã hội, 40% ngân sách nhà nước). Quỹ sẽ được sử dụng để đào tạo từ 20 – 30 nhân tài trong các lĩnh vực cốt lõi như AI, vi mạch, công nghệ y tế…, phục vụ mục tiêu làm chủ công nghệ trong vòng 10–15 năm tới.
“Hoạt động theo mô hình hợp tác đa bên, HCMC C4IR tuân thủ nguyên tắc "bốn cùng". Đó là cùng nghiên cứu chính sách và công nghệ mới, cùng kiến nghị giải pháp thực tiễn cho chính quyền, cùng triển khai thực hiện thí điểm và cùng thụ hưởng giá trị trong hệ sinh thái đổi mới”, ông Lê Trường Duy nhấn mạnh.
Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tại TP.HCM (HCMC C4IR) được định vị là đầu mối chiến lược trong việc kết nối Việt Nam với mạng lưới toàn cầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và hệ thống 24 Trung tâm C4IR trên thế giới. |