Doanh nghiệp số Việt Nam “xoay xở” trong bối cảnh thị trường huy động vốn khó khăn

15:01, 29/05/2024

Trước những thách thức trong việc huy động vốn và thoái vốn, doanh nghiệp bắt đầu tập trung vào phát triển bền vững hơn, cắt giảm chi phí và thu hút người dùng có giá trị cao để tối ưu hóa lợi nhuận...

Việt Nam là thị trường Đông Nam Á duy nhất trong nửa đầu năm 2023 đã ghi nhận sự gia tăng trong huy động vốn so với nửa cuối năm 2022.

Báo cáo về phát triển Kinh tế số ở Đông Nam Á 2023 do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện đã cho biết các doanh nghiệp đang chứng kiến một quá trình thay đổi đáng kể, trong đó trọng tâm được đặt vào việc tạo ra lợi nhuận và tăng trưởng sinh lời.

Mặc dù có những bất ổn trong ngắn hạn, nhưng quá trình này hoàn toàn lành mạnh và cung cấp nền tảng vững chắc cho việc thu hồi vốn và tiếp tục đầu tư. 

THỊ TRƯỜNG HUY ĐỘNG VỐN INDONESIA GIẢM 87%, SINGAPORE GIẢM 63%, VIỆT NAM GIẢM 25% 

“Chúng tôi nhận thấy thị trường đang trải qua giai đoạn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn. Đồng thời, việc thoái vốn vẫn còn nhiều thách thức, buộc các doanh nghiệp số phải tự lực hơn trong giai đoạn này”, bà Đào Phương Lan, Giám đốc Đầu tư, thị trường Đông Nam Á, Trưởng Văn phòng Đại diện Temasek Hà Nội, Công ty Temasek International, cho biết tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024).

Chia sẻ về ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu đối với việc huy động vốn ở Đông Nam Á, bà Đào Phương Lan khẳng định môi trường vĩ mô toàn cầu ngày càng trở nên tích cực nhưng cũng đầy thách thức. Mặc dù Đông Nam Á vẫn là điểm sáng với tăng trưởng mạnh mẽ, khu vực này “không miễn nhiễm” với những thách thức toàn cầu. Những khó khăn này đã ảnh hưởng đáng kể đến bối cảnh huy động vốn tại Đông Nam Á.

Theo đó, tổng quan về tình hình huy động vốn ở Đông Nam Á trong những năm qua cho thấy tốc độ huy động vốn đã tăng trưởng rất mạnh mẽ, đặc biệt vào năm 2021 và 2022. Trong Báo cáo về Kinh tế số Đông Nam Á đầu tiên được Google, Temasek và Bain & Company xuất bản vào năm 2016, khu vực này được dự đoán sẽ cần 40 đến 50 tỉ USD để đạt tổng giá trị hàng hóa (GMV) 200 tỉ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, thực tế đã vượt xa dự đoán, khi Đông Nam Á huy động được 100 tỉ USD và đạt cột mốc GMV 200 tỉ USD vào năm 2022, sớm hơn ba năm so với kế hoạch.

Bà Đào Phương Lan, Giám đốc Đầu tư, thị trường Đông Nam Á, Trưởng Văn phòng Đại diện Temasek Hà Nội.

Tuy nhiên, mức độ huy động vốn đã giảm từ mức kỷ lục cao vào năm 2021 xuống mức thấp nhất trong sáu tháng đầu năm 2023. Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á 2023 cho biết một phần của sự chậm lại này là do “các doanh nghiệp chuyển hướng tập trung vào phát triển bền vững hơn và cắt giảm lỗ”. 

Tình hình giảm giá trị huy động vốn diễn ra ở tất cả các quốc gia. Indonesia chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất, tới 87%. Trong khi đó, Singapore - thị trường huy động vốn lớn nhất - giảm 63%. Việt Nam có sự bền bỉ hơn với mức giảm huy động vốn chỉ khoảng 25%. Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường Đông Nam Á duy nhất mà trong nửa đầu năm 2023 đã ghi nhận sự gia tăng trong huy động vốn so với nửa cuối năm 2022.

DOANH NGHIỆP TẬP TRUNG TĂNG LỢI NHUẬN, THU HÚT NGƯỜI DÙNG CÓ GIÁ TRỊ CAO

Những thay đổi trong kinh doanh, vận hành đã giúp các công ty có thể kéo dài thời gian hoạt động trước khi phải huy động vốn. Theo bà Đào Phương Lan, mặc dù điều này rất lành mạnh trong dài hạn, nhưng các nhà đầu tư vì thế cũng trở nên cẩn trọng hơn và chọn cách tiếp cận “chờ đợi và xem xét”.

Ngoài ra, liên quan đến câu chuyện gọi vốn, vẫn tồn tại một số khác biệt trong quan điểm định giá giữa nhà đầu tư và công ty. Các công ty thường đánh giá giá trị công ty dựa trên những gì họ đã đạt được 18-24 tháng trước đây. Trong khi đó, các nhà đầu tư đang phải điều chỉnh lại định giá trong một môi trường có mặt bằng lãi suất tăng lên.

Tiết lộ về các ngành nghề ở Việt Nam đã thu hút số vốn nhiều nhất, bà Đào Phương Lan cho biết các ngành mới đang thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn, như B2B, công nghệ y tế, công nghệ giáo dục, trí tuệ nhân tạo, bất động sản, và ô tô là những ngành đã thu hút đầu tư lớn hơn.

“Chúng ta đã thấy các doanh nghiệp số cắt giảm mạnh mẽ các khoản trợ cấp và khuyến mãi, đồng thời tập trung vào việc thu hút người dùng có giá trị cao và sinh lời tốt hơn. Sự chuyển đổi này đã dẫn đến những thay đổi trong triển vọng tài chính”, bà Đào Phương Lan cho biết.

Khi các doanh nghiệp chuyển đổi tập trung vào việc tăng lợi nhuận, việc thu hút người dùng có giá trị cao (high value users) trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp tập trung vào người dùng có giá trị cao trong ngắn hạn để đạt được lợi nhuận nhanh chóng. Tuy nhiên, theo Báo cáo, cũng quan trọng không kém là khả năng thu hút những người dùng khác nằm ngoài nhóm này để đảm bảo sự ổn định và tăng trưởng dài hạn.

Trong thời gian vừa qua, người dùng có giá trị cao ở Việt Nam đã chi tiêu nhiều hơn, và dự kiến sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai. Khi các doanh nghiệp chuyển đổi để tối ưu hóa lợi nhuận, họ đã ưu tiên việc tạo ra doanh thu từ nhóm người dùng có giá trị cao.

Đối tượng người dùng này thường tập trung ở các thành phố lớn và tạo ra sự phân bố kinh tế kỹ thuật số trong quá trình này. Đáng lưu ý, mặc dù người dùng có giá trị cao sẽ tiếp tục thúc đẩy kinh doanh bền vững, nhưng tiềm năng tăng trưởng đáng kể nằm ở những người dùng ngoài nhóm này.

Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2023 (Vietnam - Asia DX Summit 2023) có chủ đề: “Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh, Phát triển kinh tế số”.

Mặc dù đang đối mặt với nhiều thách thức, song sự dịch chuyển giúp tăng cường lợi nhuận và tăng trưởng hiệu quả đang diễn ra. Sự chuyển dịch này, kết hợp với nguồn vốn sẵn có và các yếu tố thuận lợi trong khu vực, tạo ra một tình hình lạc quan cho tương lai. 

“Chúng ta đang chứng kiến một quá trình thay đổi đáng kể, trong đó trọng tâm được đặt vào việc tạo ra lợi nhuận và tăng trưởng sinh lời. Mặc dù có những bất ổn trong ngắn hạn, nhưng quá trình này hoàn toàn lành mạnh và cung cấp nền tảng vững chắc cho việc thu hồi vốn và tiếp tục đầu tư. Chúng tôi tin rằng sóng tăng trưởng kinh tế số tiếp theo sẽ mang lại nhiều cơ hội hứa hẹn”, bà Đào Phương Lan nói.

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-so-viet-nam-xoay-xo-trong-boi-canh-thi-truong-huy-dong-von-kho-khan.htm