Doanh số xe điện toàn cầu cao kỷ lục
Doanh số xe điện và xe hybrid toàn cầu trong tháng 11 đã tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tăng tháng thứ 7 liên tiếp và là lần thứ 3 doanh số xe điện thiết lập kỷ lục mới trong năm 2024.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Rho Motion, doanh số xe điện trên toàn cầu đã đạt 1,83 triệu chiếc trong tháng 11. Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu, chiếm gần 70% tổng số xe điện và xe hybrid cắm sạc được bán ra trong tháng.
Tại Mỹ và Canada, doanh số xe điện tăng 16,8% và đạt 0,17 triệu chiếc. Trong khi đó, số lượng xe mới được đăng ký tại Châu Âu lại ghi nhận đà giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 7,7% so với tháng 10 ở mức 0,28 triệu xe. Tại các khu vực khác trên thế giới, doanh số không thay đổi so với tháng 11/2023.
Đáng chú ý nhất, doanh số tại Trung Quốc tăng vọt 50% so với năm 2023 lên 1,27 triệu xe, đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp doanh số vượt 1 triệu chiếc. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 1/2024, với nhà sản xuất xe điện nội địa BYD chuẩn bị vượt mức mục tiêu doanh số toàn cầu hàng năm và thậm chí vượt cả Ford và Honda, theo Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc (CPCA).
Trong tháng 11, xe điện chạy pin (BEV) đạt doanh số bán lẻ 758.000 chiếc trong tháng 11, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 4,9% so với tháng 10. Xe BEV chiếm 59,8% tổng doanh số bán lẻ NEV trong tháng 11, tăng từ mức 56,3% vào tháng 10.
Xe hybrid cắm sạc (PHEV), không bao gồm các loại xe hybrid mở rộng phạm vi (EREV), chiếm 30,7% tổng doanh số bán lẻ NEV trong tháng 11 với 389.000 chiếc, tăng 92,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 4,9% so với tháng 10.
Thực tế, thị trường xe điện đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi quan trọng khi nhu cầu gia tăng và sản lượng sản xuất tại Trung Quốc đang đe dọa đến các thị trường xe điện khác. Điển hình như Châu Âu đang phải đối mặt với vô số thách thức, từ chi phí sản xuất cao, áp lực tuân thủ mục tiêu khí thải mới cho đến tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Các nhà sản xuất ô tô tại Châu Âu và Mỹ đều cho rằng, căng thẳng thương mại leo thang, các quy định về khí CO2 và việc gỡ bỏ các ưu đãi thuế tại một số quốc gia đang tác động trực tiếp đến giá cả, đồng thời đẩy hàng nghìn việc làm vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.