Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới có tín chỉ carbon cho xe điện 2 bánh

10:33, 06/12/2024

Theo Quyền Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam, Dự án thí điểm tín chỉ carbon từ xe máy điện là một nỗ lực bước đầu nhằm đánh giá tính khả thi của các giải pháp giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam.

Mới đây, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Phát triển dự án tín chỉ carbon thí điểm trong lĩnh vực giao thông vận tải”, nhằm chia sẻ các bài học và kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai dự án.

Để hỗ trợ Việt Nam với mục tiêu đầy tham vọng là 100% phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh vào năm 2050, UNDP đã triển khai dự án “Phát triển dự án tín chỉ carbon thí điểm trong lĩnh vực giao thông vận tải”.

Việt Nam là nước tiên phong phát triển tín chỉ carbon từ xe máy điện. Ảnh: Int

Trong khuôn khổ dự án trên, UNDP hợp tác với nhà sản xuất xe máy điện Selex Motor, để triển khai thí điểm một dự án tín chỉ carbon cho xe máy điện tại Việt Nam và hoàn tất quy trình thẩm định quốc tế theo Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard). Đây là nỗ lực tiên phong nhằm thử nghiệm khả năng sử dụng tín chỉ carbon để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang giao thông phát thải thấp tại Việt Nam. Dự án thí điểm đặt mục tiêu đóng góp vào giảm phát thải khí nhà kính trong bối cảnh ngành giao thông vận tải dự kiến sẽ tăng đáng kể lượng phát thải trong những năm tới nếu không có các biện pháp giảm thiểu phù hợp.

Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.

Ông Vũ Thái Trường - quyền Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam cho biết, dự án tín chỉ carbon từ xe máy điện tại Việt Nam cũng là dự án tín chỉ carbon đầu tiên cho xe điện hai bánh trên thế giới. 

Dự án xe điện này sẽ bán tín chỉ trong 5 năm, với tổng lượng giảm phát thải dự kiến hơn 197.000 tCO2. Các bước phát triển một dự án tín chỉ này gồm thiết kế, thẩm định, đăng ký, giám sát, thẩm tra, và ban hành tín chỉ. Dự án của Selex Motors đã hoàn tất khâu đăng ký. Mỗi bước còn lại mất chừng 3-6 tháng.

Một lĩnh vực khác của Việt Nam có tiềm năng bán tín chỉ carbon là điện rác. Ông Đỗ Sơn Thủy - chuyên gia Quỹ đầu tư VinaCarbon, VinaCapital – cho biết quỹ này dự kiến triển khai nhà máy điện rác đầu tiên tại Hà Nội vào 2025, sau đó nhân rộng, hướng mục tiêu tận dụng tối đa giá trị của rác.

Dự án đang thí điểm với quy mô linh hoạt, chừng hơn 100 tấn rác mỗi ngày. Nguồn thu của dự án đến từ bán điện, sản phẩm tái chế, viên nén năng lượng, bán tín chỉ carbon cũng như tín chỉ nhựa. Tương tự tín chỉ carbon, tín chỉ nhựa là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đạt mục tiêu giảm sử dụng và trung hòa nhựa.

Theo thống kê từ Gold Standard, Việt Nam có 72 dự án đã đăng ký, thẩm định, và cấp chứng nhận bán tín chỉ carbon. Có 39 dự án được cấp chứng nhận, chủ yếu trong lĩnh vực điện gió và khí sinh học (biogas).