Việt Nam sẽ chính thức có sàn giao dịch tín chỉ carbon trong năm 2025

17:49, 04/12/2024

Đó là khẳng định của PGS TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Tài nguyên và Môi trường tại Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu Xanh do Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội ngày 4/12/2024.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Việt Nam với tiềm năng và lợi thế sẵn có, đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa xanh và bền vững, đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Việc nắm bắt cơ hội này không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Chính vì vậy, nhằm cụ thể hóa các định hướng và mục tiêu phát triển bền vững, trong những năm qua, Bộ Công thương duy trì tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu thường niên với chủ đề trọng tâm “Xúc tiến xuất khẩu xanh”.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho rằng, doanh nghiệp cần xác định thị trường tập trung để định hướng xuất khẩu, đi kèm với đó là các yêu cầu về tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững.

Ông Phú cho hay, Bộ Công thương sẽ thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về các quy định mới, xanh, bền vững và xu thế tương lai, giúp doanh nghiệp định vị thị trường xuất khẩu để thích ứng, không bị loại khỏi cuộc chơi trong làn sóng xanh hóa toàn cầu.

Trong tham luận tại Diễn đàn, PGS TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Tài nguyên và Môi trường đề cập, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế xanh của Việt Nam đạt được 12-13%, nhưng mức độ cải thiện vị thế, cơ sở hạ tầng xanh của Việt Nam thấp so với thế giới. Đây là thách thức lớn trong việc duy trì thương mại, đầu tư trong thời gian tới.  Doanh nghiệp Việt sẽ đánh mất thị trường nếu không thực hiện tuân thủ về phát triển bền vững.

Ông cũng cho biết, sớm muộn thì Việt Nam cũng phải có được một thị trường giao dịch tín chỉ carbon trực tuyến cho các doanh nghiệp và sàn giao dịch này sẽ chính thức hoạt động trong năm 2025. Về bản chất, sàn giao dịch này cũng giống với thị trường chứng khoán nên về mặt kỹ thuật và công nghệ sẽ do Sở Giao dịch Chứng khoán vận hành. Còn về mặt chuyên môn sẽ được đảm trách bởi Cục Biến đổi Khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thuý – chuyên gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), chuyển đổi xanh chắc chắn phải gắn liền với chuyển đổi số và đây là quá trình chuyển đổi kép mà trong đó lãnh đạo doanh nghiệp giữ vai trò quyết định. Việc này chỉ có thể thành hiện thực khi chính họ nhìn thấy hiệu quả và mong muốn giảm thiểu lãng phí.

Ồng Vũ Bá Phú đặt câu hỏi với các đại biểu là các hiệp hội doanh nghiệp sẽ có vai trò gì trong quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh? Theo một số ý kiến, đây chắc chắn là nhiệm vụ của các hiệp hội vì quyền lợi của doanh nghiệp hội viển. Vì thế, việc cần làm là các hiệp hội doanh nghiệp phải sớm hình thành bộ phận chuyên trách cho việc này để hỗ trợ doanh nghiệp. Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cần là đầu mối để tập hợp, hỗ trợ các hiệp hội cho tiến trình cần phải thực hiện về chuyển đổi xanh và chuyển đổi số cho nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.