Doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng đạt 7.179 tỷ đồng, tăng 30%

12:12, 30/12/2024

Doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin ước đạt 7.179 tỷ đồng, tăng 30%; nộp ngân sách nhà nước đạt 794 tỷ đồng, tăng 156,8%; đã xử lý 8.558 website lừa đảo, vi phạm pháp luật…

Ngày 29/12, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Theo báo cáo của Bộ, năm 2024, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt trên 4,2 triệu tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2023, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 109.478 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2023.

Đáng chú ý, so với năm 2023, năm 2024 doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin ước đạt 7.179 tỷ đồng, tăng 30%; Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp hoạt động an toàn thông tin mạng ước đạt 794 tỷ đồng, tăng 156,8% (năm 2023 là 309 tỷ đồng); Số lượng lao động của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin khoảng 4.249 lao động, tăng 19,4%.

Ngoài ra, trong năm 2024 đã xử lý 8.558 website lừa đảo, vi phạm pháp luật; 100% bộ, ngành, địa phương được hỗ trợ rà soát, triển khai các biện pháp an toàn, an ninh mạng thông qua các nền tảng do Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển. Đặc biệt, lĩnh vực an toàn thông tin đã bảo vệ 1,3 triệu người dân, không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng đạt 7.179 tỷ đồng, tăng 30% - Ảnh minh họa.

Cũng trong năm 2024, tỷ lệ tin xấu, độc, sai sự thật được phát hiện và xác minh trên mạng xã hội được ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời trong năm ước đạt khoảng 92,7%, tăng 0,4 điểm % so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, tổng số hệ thống thông tin trong cơ quan, tổ chức nhà nước là 8.339 hệ thống. Trong đó, 7.817 hệ thống đã được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin, đạt 93,7%; 622 lượt cán bộ chuyên trách an toàn thông tin được tham gia diễn tập thực chiến do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Năm 2024, dịch vụ chứng thực chữ ký số tiếp tục khẳng định được vai trò và sự cần thiết trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, Trung tâm tiếp tục quản lý, vận hành hệ thống kỹ thuật Root CA của 26 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Tính đến hết năm 2024, cả nước đã có hơn 13,33 triệu chứng thư chữ ký số được cấp (bao gồm hơn 12,45 triệu chứng thư chữ ký số công cộng và khoảng 880.000 chứng thư chữ ký số chuyên dùng Chính phủ).

Năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra nhiệm vụ duy trì thứ hạng của Việt Nam trên thế giới về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đạt Top 30; Tốc độ tăng trưởng doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng đạt 20%;

Cùng với đó, tỷ lệ tên miền gov.vn được gán tín nhiệm mạng đạt 95%; Tốc độ tăng trưởng chứng thư chữ ký số công cộng đạt 10%; Mục tiêu 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử; Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử;

Hoàn thiện hành lang pháp lý về việc bảo đảm an toàn thông tin cơ bản cho người dân Việt Nam trên không gian mạng; Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin Việt Nam giai đoạn 2026-2030; Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2026-2030; Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2026-2030;…