Độc đáo lễ cưới dân tộc Giáy
Mùa xuân, khi những cây đào, cây ban đua nhau bung nở khắp rẻo cao cũng là lúc trên khắp các bản làng người dân tộc thiểu số rộn ràng bước vào mùa cưới. Đối với dân tộc Giáy trên vùng núi phía Bắc hiện nay lễ cưới vẫn giữ được ý nghĩa thiêng liêng và bảo tồn những nét văn hóa độc đáo gần như nguyên vẹn.
Độc đáo từ tên gọi tộc người
Người Giáy cư trú tập trung ở các tỉnh miền núi phía bắc nước ta, mà chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái. Người Giáy thường định cư ở những vùng trũng, thấp, sống cộng cư xen kẽ với các dân tộc anh em khác trên địa bàn. Họ là một mảng màu rực rỡ góp phần làm nên bức tranh văn hóa đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Dân tộc Giáy là dân tộc thuộc hệ ngôn ngữ Tày – Thái. Dân tộc Giáy được biết đến với rất nhiều tên gọi khác nhau. Người Giáy tự gọi dân tộc mình là “Vần Nả” hay “Pu Nả”. Từ Vần và từ Pu có nghĩa là người, từ Nả có nghĩa ruộng. Vần Nả hay Pu Nả có nghĩa là người ruộng, tên gọi này xuất phát từ việc người Giáy thường sinh sống ở những vùng trũng thấp, gần những con sông, con suối để thuận tiện cho việc làm lúa nước. Trong tên gọi thường ngày các dân tộc khác như người Thái, Mông, Dao, Kinh thường gọi người Giáy là người Nhắng. Tên gọi này khá phổ biến cho tới ngày nay, một số địa điểm, món ăn nổi tiếng của người Giáy thường được gắn với tên gọi này như Phở Nhắng, Bánh Nhắng, Phố Nhắng... Mặc dù có rất nhiều tên gọi khác nhau từ tự nhận hay được các dân tộc khác đặt cho nhưng hiện nay ở Việt Nam, tộc danh của họ được thống nhất gọi là Giáy.
Làm lễ gia tiên ở gia đình nhà gái.
Người Giáy là tộc người có lối sống ăn, ở rất đơn giản, hài hòa với thiên nhiên. Họ cũng là tộc người thân thiện, hòa đồng và biết tiếp thu các tiến bộ trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của các dân tộc anh em khác trên cùng địa bàn cư trú. Tuy sống hòa nhập nhưng người Giáy vẫn giữ cho mình những nét truyền thống tốt đẹp mang tính bản sắc của dân tộc không phai nhạt. Một trong những nét văn hóa độc đáo nhất của Giáy chính là lễ cưới. Hôn nhân đối với người Giáy cực kỳ thiêng liêng và quan trọng. Nó không chỉ là sự gắn kết của hai con người mà còn là sự gắn kết của hai gia đình, dòng họ trước sự chứng kiến của đất trời, gia tiên.
Sự độc đáo trong phong tục cưới
Phong tục cưới xin chính là một trong những tập quán đặc sắc nhất của người Giáy còn tồn tại cho tới ngày nay. Đám cưới của người Giáy thường được tổ chức vào mùa xuân, diễn ra trong hai ngày, ngày thứ nhất ở nhà gái, khi rước dâu về thì ngày thứ hai sẽ tổ chức ở nhà trai.
Ngày thứ nhất, ở nhà cô dâu
Đoàn đón dâu của nhà trai mang theo một cái sàng nhỏ, bên trong có 8 chiếc chén con đã rót sẵn rượu đến cổng của nhà gái. Đoàn đón dâu đến cổng của nhà gái bị chặn lại bởi những chướng ngại vật mà nhà gái tạo ra từ những sợi dây màu đỏ có cài mấy cành gai chắn ngang cổng. Bên trong cổng, các thiếu nữ đứng chờ sẵn cùng với một chiếc bàn nhỏ đặt rượu, 8 cái chén nhỏ, hai chậu nước và vài chiếc chổi rơm mới. Những thiếu nữ đứng bên trong cổng sẽ hát đối với những câu hỏi dành cho đoàn nhà trai như: đoàn người này là gì? Đến từ đâu? Đến đây để làm gì, có mấy người cùng đi?... Đại diện họ nhà trai sẽ cử người thay mặt đáp lời. Đoàn nhà trai phải hát đối lại được đầy đủ, có tình, có lý những câu hát nhà gái đưa ra. Hát đối câu nào được nhà gái chấp thuận thì được uống một chén rượu. Đến khi nào hát đối hết các câu hỏi của nhà gái, uống hết 8 chén rượu thì nhà gái mới phá bỏ chướng ngại vật cho đoàn nhà trai vào. Khi thuyết phục được nhà gái mở cổng, ông trưởng đoàn nhà trai sẽ hát bài Mở cổng (Vân hay cúa) để cảm ơn và dẫn đoàn nhà trai vào đón dâu.
Chú rể đón cô dâu chuẩn bị về nhà trai.
Hát xin mở cổng xong, các chàng trai bên gia đình nhà gái trao bao lì xì, uống rượu nhà gái mời, họ nhà gái té nước từ hai cái chậu chuẩn bị sẵn vào họ nhà trai. Khi các thủ tục được chuẩn bị xong, họ nhà gái cắt dây, mở cổng để đón họ nhà trai vào nhà làm các thủ tục đón dâu.
Sau khi cổng được mở, nhà trai tiến vào nhà, khi tiến đến trước cửa, họ nhà trai lại bị chặn lại bởi những chướng ngại vật nhà gái đặt ra. Lúc này, tiếng một người lớn tuổi, có uy tín được cử đại diện cho nhà gái nói vọng ra từ trong nhà: “Cho đội kèn và chum rượu vào nhà trước”. Đội kèn qua được cửa, vào ngồi ở vị trí đã được nhà gái chuẩn bị sẵn một cái bàn, trên bàn bày một bát gạo, ba que hương được cắm trên bát gạo để làm bàn thờ thần kèn. Đội kèn sẽ thổi những bài hát chào gia chủ, thổi những bài hát mời rượu, mời thuốc trong đám cưới. Sau khi thống nhất, nhà gái thuận lòng thì ông trưởng đoàn nhà trai sẽ hát bài Hát mở cửa (Vân hay tâu) để xin nhà gái mở cửa.
Lễ vật nhà trai mang đến nhà gái.
Khi đoàn đón dâu họ nhà trai bước vào nhà, họ nhà gái lấy phẩm đỏ bôi lên người họ nhà trai với ý nghĩa màu đỏ mang may mắn tới với đoàn rước dâu. Ông trưởng đoàn nhà trai theo quy định phải ngồi đầu bàn, chủ nhà ngồi hai bên gọi là mâm “chòong tsăng”, đây là mâm trang trọng nhất, bà mối và những người còn lại ngồi ở mâm thấp hơn. Mâm cao thường được đặt phía bên tay phải, mâm thấp đặt phía bên tay trái để phân vai cao thấp trong buổi lễ.
Cô dâu chú rể làm lễ gia tiên và đội kèn Pí Lè đang thổi để mừng hạnh phúc cho họ.
Theo phong tục, ghế của người trưởng đoàn thường bị đặt lật úp xuống để không ngồi được. Khi ông trưởng đoàn hát xong bài Hát chào chủ nhà (Vân giảng choải) thì họ nhà gái mới lật ghế lên để mời trưởng đoàn ngồi vào vị trí. Nhà gái hát những bài hát trong lễ cưới hỏi nhà trai: “Sáng này nhà trai đi từ lúc mấy giờ? Đi theo đường mòn hay qua suối? Đoàn đi có bị mưa ướt không?...” Hai họ nhà trai và nhà gái cứ hát đối đáp qua lại và tiếp tục uống rượu, gần tới sáng, ông trưởng đoàn hát bài Hát ăn sáng (Vân ngạy năng) và mọi người tạm dừng ăn uống, chờ trời sáng để đón khách tới ăn tiệc chính thức của lễ cưới bên nhà gái.
Cỗ cưới mời khách thường được sắp ở bên ngoài, riêng ba mâm chính của trưởng đoàn (chồng tsâng), mâm phù dâu và đón dâu (chồng tsâu chầu) và mâm dành cho thợ kèn (chồng púa lấy) được sắp ở gian giữa trong nhà. Khi mọi người đã có mặt đầy đủ để chứng kiến việc trao lễ vật giữa nhà trai và nhà gái. Ông trưởng đoàn nhà trai mở túi đựng lễ vật được bọc bằng mảnh vải điều đặt trên một chiếc bàn kèm một chén rượu. Đại diện họ nhà gái khi nhận lễ vật thì uống luôn chén rượu trên khay đó để tỏ ý hài lòng với lễ vật nhà trai mang tới. Ông trưởng đoàn hát bài hát mời tiệc (Vân pen chòong, pen choải), bữa tiệc lại tiếp tục đến chiều tối.
Cô dâu chú rể quỳ lạy người thân trong gia đình cô dâu.
Tại bữa tiệc, chàng rể sẽ trao cho mẹ vợ chiếc “vòng bù cạn” để tỏ lòng biết ơn công ơn sinh thành dưỡng dục cô dâu. Chàng rể quỳ trước mặt mẹ vợ, đeo vòng tay cho mẹ, trưởng đoàn nhà trai sẽ thay mặt chú rể hát bài hát trao vòng vô cũng xúc động. Khi bữa tiệc cưới kết thúc, đại diện nhà trai đứng lên làm lễ xin dâu, hai bên hát đối đáp những bài hát để nhắc nhở, dặn dò con cháu sống phải theo đúng đạo vợ chồng, tròn đạo làm con.
Khi đã làm xong các thủ tục xin dâu, chị gái hoặc em gái đưa cô dâu từ buồng ra để cặp đôi làm lễ báo cáo với tổ tiên nhà gái. Khi ra khỏi cửa, chị gái hoặc cô, dì hay thím là người khỏe mạnh sẽ cõng cô dâu qua cửa để trao cho nhà trai. Bên nhà trai cũng có một người phụ nữ khỏe mạnh chờ sẵn để cõng cô dâu về nhà chồng.
Ngày thứ hai, tại nhà chú rể
Người Giáy rất quan trọng giờ đón cô dâu vào cửa. Nếu nhà cô dâu và chú rể cách xa nhau, không kịp giờ vào cửa đã định thì cô dâu phải ở tạm nhà dưới, chờ ngày hôm sau có giờ đẹp mới được làm lễ vào cửa. Trước khi cô dâu về tới nhà trai, cả bản đều phải chống hết cối giã gạo lên không được phép giã. Theo lệ của người Giáy, nếu cối giã gạo không được dựng lên thì sau này cô dâu sẽ là người lắm điều, chanh chua, hay cãi vã với nhà chồng. Khi cô dâu qua cửa nhà chồng phải đi trên tấm vải màu đỏ, có chiều dài khoảng 2m được trải sẵn từ ngoài cửa vào đến sát bàn thờ nhà chồng. Sau khi thắp hương, báo cáo tổ tiên, cô dâu chính thức được công nhận là một thành viên trong gia đình nhà chồng, chính thức được nhập ma vào gia đình nhà chồng. Người Giáy quan niệm màu đỏ là màu tượng trưng cho sự may mắn. Vì vậy, trong lễ cưới của người giáy ngập tràn sắc đỏ, các lễ vật đều được trang trí bằng vải đỏ hoặc được dán bằng giấy màu đỏ. Với họ, đám cưới càng xuất hiện nhiều màu đỏ thì đôi vợ chồng càng gặp nhiều may mắn, tốt lành. Đám cưới truyền thống của người Giáy chính là nơi thể hiện những mong muốn, khát khao hạnh phúc của họ và màu đỏ chính là yếu tố dẫn truyền để đưa họ tới những điều mong ước đó.
Bà mối rót rượu mời gia đình nhà gái và nhà trai.
Sau khi thực hiện hết các nghi thức qua cửa, chú rể đưa cô dâu vào buồng, chú rể cởi bỏ khăn che mặt màu đỏ của cô dâu và cả băng vải đỏ quấn qua vai. Cuối buổi tiệc cưới, bên nhà gái làm lễ trao dâu và từ biệt để ra về. Lễ cưới lúc này coi như đã kết thúc, cô dâu khi chưa lại mặt nhà bố mẹ đẻ thì chưa được đi sang bất cứ nhà ai cho tới khi thực hiện xong thủ tục này.
Nhà trai uống rượu trước khi làm lễ mở cổng.
Đám cưới truyền thống của người Giáy thường trải qua rất nhiều bước được chia thành các nghi lễ trước, trong, sau đám cưới với nhiều các thủ tục được tiến hành rất công phu, mất nhiều thời gian. Đám cưới dù được tổ chức với quy mô lớn hay nhỏ thì đều được tiến hành theo ba bước chủ đạo là: Lễ dạm ngõ, Lễ ăn hỏi và Lễ cưới.
Sự độc đáo trong lễ cưới của dân tộc Giáy thể hiện ở nhiều chi tiết, trong đó có những điểm nhấn riêng có như: Lễ cưới diễn ra trong 2 ngày, được tổ chức ở nhà gái hôm trước, nhà trai hôm sau thể hiện sự tôn trọng phụ nữ, tôn trọng gia đình nhà gái. Dùng chướng ngại vật chặn cổng để hát đối đáp rồi mới được vào khiến cho chàng trai thấy việc lấy vợ là gian nan như thế về sau trân trọng người phụ nữ của mình hơn. Việc phải hát mới được vào, hát mới được ngồi thể hiện nét tinh tế trong giao tiếp của người Giáy. Trong hát đối đáp gia đình hai bên kết hợp căn dặn cô dâu chú rể cách sống, cách cư xử trong quan hệ vợ chồng. Cõng cô dâu qua cửa nhà trao cho nhà trai thể hiện gia đình nhà gái rất yêu quý cô dâu nên khi về nhà trai cũng phải trân trọng. Việc chú rể tặng mẹ vợ chiếc vòng bạc thể hiện sự hiếu thảo… Với những thủ tục tuy có phần rất cầu kỳ như trên nhưng với những ý nghĩa rất nhân văn, tính giáo dục cao, tính cộng đồng mạnh mẽ nên những truyền thống trong đám cưới của người Giáy vẫn đang được duy trì trong cuộc sống hiện đại, góp thêm mảng màu tươi sáng trong truyền thống văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Bàn thờ nhà người Giáy xã San Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu.
Dân tộc Giáy là một trong 54 dân tộc anh em ở Việt Nam, có nền văn hóa dân gian đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc riêng. Đặc biệt, các nghi lễ quan trọng trong vòng đời người như ma chay, cưới xin, sinh đẻ… có nhiều nét đặc sắc so với các dân tộc khác. Trong đó, phần nghi lễ đám cưới là một trong những nghi lễ quan trọng và có nhiều nét đặc sắc vẫn được bà con bảo tồn, gìn giữ. |
Trịnh Hương