Đổi số cố định: Việc không thể không làm!

09:41, 22/07/2008

Nếu không có gì thay đổi, vào 00 giờ ngày 5/10/2008, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ tiến hành đổi số điện thoại cố định cho 53 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trước tình trạng cạn kho số cố định tại nhiều địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại cố định của người dân. Sự phát triển tất yếu Hiện nay số thuê bao cố định có 6 chữ số, phân bổ theo mã (code) bình quân mỗi tỉnh, thành sẽ có khoảng 1 triệu thuê bao. Trong số 1 triệu thuê bao dành cho mỗi tỉnh, về địa phương còn phải chia nhỏ cho từng huyện thị rồi lại phân bổ cho nhiều doanh nghiệp thì việc thiếu số là điều dễ hiểu. Do đó phương pháp duy nhất để mở rộng kho số là thêm một số vào số thuê bao từ 6 lên 7 chữ số. Khi số cố định tăng từ 6 lên 7 chữ số, thì một tỉnh thành sẽ có 10 triệu số. Và với kho số này, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến tới năm 2015 mới phải đổi kho số một lần nữa. Việc thiếu kho số cục bộ tại một số địa phương đã diễn ra, và trong năm 2007 vừa rồi, Bộ đã chỉ đạo VNPT tiến hành đổi số điện thoại cho 6 tỉnh, thành là Đà Nẵng, Đồng Nai, Kiên Giang, Hà Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa. Với lần đổi số dự kiến diễn ra vào ngày 5/10/2008 tới sẽ thực hiện trên diện rộng cho 53 tỉnh, thành của cả nước. Chỉ cần thêm số "3" ở đầu thuê bao! Đây chính là một đặc điểm dễ ghi nhớ cho bất kỳ một người dân nào khi thực hiện quay số thuê bao sau đổi số. Trên thực tế thì khi đổi số có thể thêm bất kỳ số nào, tuy nhiên, theo tâm lý số đông nếu như một người gọi cho một người thì không sao, chứ nếu nhiều người gọi nhiều người mà không cố định một số thêm vào thì chắc chắn trong quá trình thực hiện gọi sẽ bị nhầm lẫn. Do đó, cần phải đưa ra một quy tắc đơn giản nhất để tất cả mọi người khi thao tác chỉ cần bấm thêm duy nhất số "3" là có thể thực hiện được cuộc gọi. Không chỉ có Việt Nam mà tất cả các nước khi đổi số thì bao giờ cũng dành một đầu số riêng. Tất cả mọi người chỉ cần thêm một số đã được dành sẵn này vào số thuê bao cũ là có thể thực hiện cuộc gọi mà không cần phải nhớ nhiều số khác. Phát triển mạnh cố định, đặt nền móng cho băng rộng Phải thừa nhận rằng, ở thời điểm này, phát triển dịch vụ điện thoại cố định đang bị lép vế hơn so với di động. Trên toàn mạng viễn thông Việt Nam tính tới ngày 30/6/2008 có 61,8 triệu máy điện thoại thì thuê bao di động đã chiếm tới 78,8%. Kéo theo đó, doanh thu từ dịch vụ điện thoại di động cũng chiếm ưu thế áp đảo so với cố định. Nhiều ý kiến cho rằng, với tốc độ phát triển chóng mặt của mạng di động hiện nay, nếu nhà nước không có những chính sách thúc đẩy cố định phát triển thì cố định sẽ rất khó có thể trụ vững. Bộ TT&TT đã có những kế hoạch thúc đẩy điện thoại cố định phát triển. Đây là một động thái được đánh giá là sẽ không chỉ đem lại lợi ích cho hiện tại mà cả về lâu dài. Theo các chuyên gia viễn thông, bất kỳ một quốc gia nào đang phát triển cũng đều cần có các chính sách đầu tư để phát triển điện thoại cố định. Việc duy trì ổn định mạng điện thoại cố định hiện tại sẽ là nền móng, cơ sở để phát triển mạng viễn thông băng rộng trong tương lai, đồng thời còn góp phần đảm bảo các vấn đề an ninh quốc phòng. Bộ TT&TT đang xây dựng và chuẩn bị trình Chính phủ Đề án “Điều chỉnh giá cước viễn thông nội hạt, nội tỉnh” nhằm xóa bỏ sự phân biệt giữa các huyện, xã trong cùng một tỉnh trong việc tính cước. Theo VnMedia.vn
TIN LIÊN QUAN