Đồng USD bùng nổ, dìm yên Nhật và euro xuống đáy

14:10, 07/11/2024

“Lạm phát có thể sẽ cao hơn và buộc Fed phải giảm tốc độ hạ lãi suất. Điều đó sẽ có lợi cho tỷ giá USD”...

Tỷ giá đồng USD tăng bùng nổ lên mức cao nhất 4 tháng sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử. Các chính sách mà ông Trump đã đề xuất trong quá trình tranh cử về nhập cư, thuế và thương mại được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát ở Mỹ, theo đó dẫn tới lãi suất ở Mỹ cao hơn, có lợi cho tỷ giá bạc xanh.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Không chỉ giành lại Nhà Trắng từ Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa còn chiếm được thế đa số trong cuộc bầu cử Thượng viện. Quyền kiểm soát Hạ viện tuy chưa được quyết định, nhưng những người Cộng hòa cũng đang chiếm ưu thế. Nếu nắm cả Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội, Đảng Cộng hòa sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc thông qua các chính sách lớn, và điều đó sẽ đẩy đồng USD tăng giá mạnh hơn.

Các chính sách lớn của ông Trump, gồm hạn chế người nhập cư, áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu, giảm thuế, và nới lỏng các quy chế giảm sát được kỳ vọng sẽ kích thích tăng trưởng và lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong môi trường như vậy, dư địa cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất sẽ thu hẹp lại. Lãi suất quỹ liên bang cao hơn lâu hơn sẽ là nhân tố có lợi cho sự tăng giá của USD.

“Lạm phát có thể sẽ cao hơn và buộc Fed phải giảm tốc độ hạ lãi suất. Điều đó sẽ có lợi cho tỷ giá USD”, chuyên gia thị trường cấp cao Nikos Tzabouras của nền tảng giao dịch Tradu nói với hãng tin Reuters.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD chốt phiên ngày thứ Tư ở mức 105,09 điểm, cao nhất kể từ tháng 9/2022 và tăng hơn 1,6% so với phiên trước. Đồng bạc xanh tiếp tục tăng trong phiên sáng nay (7/11), vượt mức 105,2 điểm - theo dữ liệu từ trang MarketWatch.

Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu eurozone, Mexico, Trung Quốc và Canada được coi là những nền kinh tế đứng trước rủi ro lớn nhất bị ông Trump áp thuế quan lên hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Thuế quan của Mỹ có thể tác động tiêu cực lên tốc độ tăng trưởng của những nền kinh tế này. Khi đó, khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và các nền kinh tế nêu trên sẽ gia tăng và gây áp lực giảm lên đồng tiền của họ.

Ngoài ra, đồng euro cũng đang đương đầu với áp lực giảm từ sự bất định chính trị ở Đức. Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 6/11 sa thải Bộ trưởng Bộ Tài chính Christian Lindner sau nhiều tuần tranh luận về chính sách kinh tế của Chính phủ. Trước đó, tờ báo Đức Bild đưa tin rằng ông Lindner đã đề xuất tiến hành bầu cử sớm như một giải pháp để phá vỡ thế bế tắc cho kế hoạch ngân sách, nhưng ông Scholz từ chối.

Chuyên gia Nick Wood của MillTechFX và Millenium Global cho biết diễn biến tỷ giá các đồng tiền vào ngày 6/11 là có trật tự, vì một số nhà đầu tư đã giảm vị thế xuống mức tương đối thấp trước khi diễn ra bầu cử ở Mỹ.

“Có vẻ như mức độ ham thích rủi ro trên thị trường đã giảm xuống mức thấp từ trước. Bởi vậy, không xảy ra tình trạng đặt cược sai và phải tháo chạy ồ ạt khỏi vị thế đầu tư”, ông Wood nhận xét.

Diễn biến chỉ số Dollar Index 1 năm qua - Nguồn: Trading Economics.

Nhưng có một yếu tố có thể khiến triển vọng tỷ giá đồng USD trong dài hạn trở nên phức tạp hơn. Đó là việc ông Trump đã thể hiện mong muốn đồng nội tệ suy yếu.

“Cả trong năm nay và trong những năm cầm quyền trước, ông Trump về cơ bản không thích đồng USD mạnh, vì ông ấy muốn một đồng tiền yếu hơn để hỗ trợ xuất khẩu và các hoạt động kinh tế Mỹ”, ông Tzabouras nhận xét.

Trong phiên ngày 6/11, đồng euro giảm giá gần 1,8% so với bạc xanh, còn 1,0735 USD đổi 1 euro. Có lúc, đồng tiền chung châu Âu giảm giá còn 1,0683 USD, mức thấp nhất kể từ hôm 27/6.

Đồng USD tăng giá hơn 1,9% so với đồng yên Nhật, đạt 154,5 yên đổi 1 USD. Trong phiên, có thời điểm đồng USD đạt 154,7 yên, cao nhất kể từ hôm 30/7. Giới chuyên gia dự báo đồng yên có thể giảm giá tới mức đã khiến giới chức Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối trong năm nay.

Phát biểu ngày 6/11, chánh thư ký nội các Nhật Yoshimasa Hayashi nói Chính phủ nước này sẽ theo dõi chặt chẽ bằng một tin thần cấp bách cao các diễn biến trên thị trường ngoại hối, bao gồm các diễn biến bị chi phối bởi yếu tố đầu cơ.

Ngoài cuộc bầu cử Mỹ, một sự kiện khác có thể tác động tới thị trường ngoại hối toàn cầu trong tuần này, và đó là cuộc họp hai ngày kết thúc vào ngày thứ Năm (8/11) của Fed. Với dự báo gần như chắc chắn Fed sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này, điều mà thị trường quan tâm là liệu Fed có phát tín hiệu tạm dừng giảm lãi suất vào tháng 12 hay không.

Báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 9 mạnh hơn dự báo của Mỹ đã khiến giới đầu tư giảm bớt kỳ vọng về số lần và tốc độ giảm lãi suất của Fed. Nhưng báo cáo việc làm tháng 10 yếu hơn dự báo lại khiến quan điểm này bị nghi ngờ, dù số liệu đó chịu tác động của loạt cơn bão và các cuộc đình công gần đây.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 99,5% Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 12.