Dữ liệu của người dùng sẽ được Apple sử dụng như thế nào cho AI?
Mới đây, tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC), Apple đã có một công bố đình đám về việc hãng này sẽ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào các sản phẩm của mình và hợp tác với OpenAI - nhà sản xuất ChatGPT. Việc này làm dấy lên những lo ngại về việc dữ liệu của người dùng không còn được Táo khuyết bảo mật.
Apple Intelligence - tên gọi chung cho tất cả các công cụ AI của Apple - được thiết kế như một trợ lý cá nhân, với trọng tâm là “cá nhân”. Nó thu thập thông tin cụ thể về các mối quan hệ và liên hệ của bạn, tin nhắn và email bạn đã gửi, các sự kiện bạn đã tham gia, các cuộc họp trong lịch của người dùng và các dữ liệu cá nhân khác về cuộc sống của bạn. Sau đó, nó sử dụng dữ liệu đó để “làm cho cuộc sống của bạn dễ dàng hơn” - như Apple lý giải. Chẳng hạn như giúp người dùng tìm lại một bức ảnh đã chụp từ buổi hòa nhạc nhiều năm trước, tìm tệp đính kèm đúng để đưa vào email, hoặc xếp hạng các thông báo di động theo mức độ ưu tiên và khẩn cấp.
Ngược lại, trong khi Apple Intelligence có thể biết người dùng đã đi leo núi vào năm ngoái, tuy nhiên nó thiếu cái mà các giám đốc điều hành của công ty gọi là “kiến thức toàn cầu”- thông tin tổng quát hơn về lịch sử, sự kiện hiện tại và các điều khác không liên quan trực tiếp đến bạn. Đó là nơi mà ChatGPT xuất hiện.
Người dùng có thể cho Siri chuyển câu hỏi và yêu cầu đến ChatGPT - trên cơ sở lựa chọn tham gia - hoặc nhờ ChatGPT giúp người dùng viết tài liệu trong các ứng dụng của Apple. Apple cũng cho biết họ có kế hoạch tích hợp với các mô hình AI của bên thứ ba khác trong tương lai.
Nếu Apple đã có AI của riêng mình, tại sao còn cần đến ChatGPT? Câu trả lời là Apple Intelligence và ChatGPT sẽ được sử dụng cho các mục đích khác nhau, lượng và loại thông tin người dùng gửi đến mỗi AI cũng sẽ khác nhau.
Apple Intelligence sẽ có quyền truy cập vào một loạt các dữ liệu cá nhân của người dùng, từ các giao tiếp bằng văn bản đến ảnh và video đã quay, chụp, cho đến ghi chép về các sự kiện trong lịch của người dùng. Theo CNN, hiện không có cách nào để ngăn Apple Intelligence truy cập vào thông tin này, ngoài việc không sử dụng các tính năng của nó. Khi được CNN liên hệ về vấn đề này, người phát ngôn của Apple chưa đưa ra bình luận.
ChatGPT không nhất thiết phải truy cập vào các chi tiết cá nhân cao của người dùng, mặc dù người dùng có thể chọn chia sẻ dữ liệu nhiều hơn với OpenAI nếu quyết định sử dụng ChatGPT thông qua Apple. Trong buổi demo tại Hội nghị các nhà phát triển, Apple đã cho thấy Siri yêu cầu người dùng cho phép gửi một yêu cầu đến ChatGPT trước khi thực hiện.
Theo thỏa thuận với Apple, OpenAI đã đồng ý không lưu trữ bất kỳ yêu cầu nào từ người dùng Apple hoặc thu thập địa chỉ IP của họ. Điều này không áp dụng nếu người dùng tự ý đăng nhập và kết nối với tài khoản ChatGPT hiện có. Một số người dùng có thể chọn làm như vậy để tận dụng lịch sử ChatGPT hoặc các lợi ích liên quan đến các gói tài khoản trả phí của ChatGPT.
Trong khi người dùng Apple sẽ phải gửi thông tin cá nhân và các yêu cầu AI đến OpenAI nếu họ muốn sử dụng ChatGPT, Apple đã cho biết rằng hầu hết thời gian, Apple Intelligence sẽ không gửi dữ liệu người dùng đi đâu cả. Apple cho hay sẽ cố gắng xử lý các yêu cầu AI trực tiếp trên thiết bị của người dùng bằng các mô hình AI nhỏ hơn.
Điều này giống như cách Apple xử lý FaceID và các dữ liệu nhạy cảm khác. Dữ liệu của người dùng không thể bị chặn hoặc tấn công từ một máy chủ trung tâm nếu nó không thực sự đi đâu cả.
Theo Tạp chí An toàn thông tin