Quảng Ninh: Đưa dịch vụ công trực tuyến đến gần hơn với người dân

13:34, 08/10/2020

Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) được bắt đầu triển khai từ tháng 12/2019. Sau gần 1 năm Quảng Ninh kết nối với Cổng DVCQG, người dân Quảng Ninh đã dần làm quen với sự tiện ích của Cổng DVCQG mang lại, và được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.

Thời gian sắp tới, Quảng Ninh sẽ nâng cấp 516 dịch vụ công trực tuyến lên mức 4, nâng tổng số dịch vụ công cung cấp cho người dân, doanh nghiệp trực tuyến mức 4 lên 621 dịch vụ, đạt tỷ lệ 35,6%.

Cổng DVCQG là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng; bảo đảm khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện dịch vụ công. Chỉ cần truy cập một địa chỉ  https://dichvucong.gov.vn, bằng một tài khoản duy nhất, người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập được đến tất cả các Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.

Theo kết quả rà soát của Sở TT&TT Quảng Ninh, đến nay tổng số thủ tục hành chính đang được thực hiện tại các Trung tâm phục vụ hành chính công và Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp xã là 1.742 thủ tục, gồm 1.509 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 282 thủ tục hành chính cấp huyện và 100 thủ tục hành chính cấp xã.

Thống kê của Sở TT&TT Quảng Ninh cho thấy, trong hơn 1.700 thủ tục hành chính, đã có 1.484 thủ tục được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm hơn 85%. Tuy nhiên, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 mới đạt xấp xỉ 19%, còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu tối thiểu 30% dịch vụ được cung cấp trực tuyến mức 4.

Nhân viên Marketing, Siêu thị điện máy HC chi nhánh Quảng Ninh truy cập Cổng DVCQG tại đơn vị.

Đối với tỉnh Quảng Ninh người dân hiện nay đã quen việc nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công của tỉnh và không cần phải tạo tài khoản trên Cổng DVCQG, nhưng các thủ tục khi đưa lên Cổng DVCQG có điểm ưu việt khác đó là mọi thủ tục đều được giám sát của bộ, ngành Trung ương khi các đơn vị của địa phương giải quyết chậm trễ các TTHC, qua đó giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC, tăng trách nhiệm giải trình và năng lực phản ứng chính sách, thúc đẩy quá trình cải cách hành chính.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hiện có 990/1.390 TTHC (hơn 72%) sẵn sằng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 cho người dân và doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay (15/7), Trung tâm đã tiếp nhận hơn 37.934 hồ sơ, trong đó mới có 7.105 hồ sơ (18,7 %) giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Theo đánh giá của Trung tâm, nguyên nhân chủ yếu do người dân, nhất là người dân ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, ít được tiếp xúc với công nghệ thông tin, khả năng sử dụng, cập nhật internet còn hạn chế. Hệ thống internet, hạ tầng thiết bị tin học tại một số địa phương chưa được đầu tư đồng bộ, gặp trục trặc chuyển tải dữ liệu, gây khó khăn cho việc ứng dụng sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Dù đã được cơ quan chức năng khẳng định về tính pháp lý, an toàn thông tin, nhưng nhiều người dân vẫn còn lo ngại khi sử dụng dịch vụ công mức độ 3 và 4.

Ông Ngô Quang Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cho biết: Thời gian tới, trung tâm hành chính công từ tỉnh đến địa phương, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, nhất là các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Đồng thời tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này, bằng cách bố trí bộ phận tư vấn, hướng dẫn lập hồ sơ, hỗ trợ thực hiện, giúp người dân làm quen, sử dụng thành thạo dịch vụ.

22

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà) giải quyết TTHC cho người dân.

Hiện tỉnh Quảng Ninh đã kết nối 518 TTHC của tỉnh lên Cổng DVCQG và đang đề nghị Văn phòng Chính phủ hỗ trợ, xem xét để phê duyệt cung cấp chính thức cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh những thuận lợi từ Cổng DVCQG mang lại vẫn còn những khó khăn nhất định như: Hiện các quy trình và biểu mẫu TTHC chưa hoàn thiện, phải chỉnh sửa nhiều trong quá trình kết nối nên mất nhiều thời gian thực hiện, bên cạnh đó nhiều người dân vẫn chưa tìm hiểu về những lợi ích từ Cổng DVCQG mang lại.

Để phát huy hiệu quả mà Cổng DVCQG mang lại, các địa phương và sở, ban, ngành, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp hơn nữa những tiện ích từ Cổng DVCQG, bên cạnh đó người dân cũng cần nâng cao trách nhiệm, chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin, phát huy hiệu quả hơn nữa từ những lợi ích của Cổng DVCQG.

Châu Anh (T/h)