Đưa Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam
Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Định đã phối hợp Hội Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm quốc tế khoa học - giáo dục liên ngành (ICISE, TP.Quy Nhơn, Bình Định) tổ chức hội thảo khoa học "Định hướng phát triển Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam".
Theo quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Định sẽ là một trong những điểm đến, nơi hội tụ của các nhà khoa học, trung tâm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng; phát triển và xây dựng Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Huỳnh Huyện, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định, đề án phát triển Khu đô thị khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã xây dựng và đang được triển khai tại Bình Định nhằm đưa Quy Nhơn trở thành khu đô thị đa chức năng đầu tiên của cả nước.
Dự án Khu đô thị khoa học Quy Hòa dự kiến nằm ở P.Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn) có diện tích 242 ha, được phân thành 4 khu chức năng: khu nghiên cứu và phổ biến khoa học (50 ha), khu thung lũng sáng tạo (77 ha), khu đô thị khoa học (107 ha), khu thương mại dịch vụ (8 ha). Hiện khu vực này có ICISE, Viện Nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành (thuộc ICISE), dự án Tổ hợp không gian khoa học, trung tâm sản xuất và xuất khẩu phần mềm của Công ty TMA Solutions, công ty phần mềm như FPT Software… hoạt động.
"Đây là dự án thí điểm xây dựng và phát triển khu đô thị khoa học đầu tiên của cả nước tại Bình Định, mang tầm quốc gia, quốc tế. Với dự án có tính chất tạo động lực, làm cốt lõi này, Quy Nhơn sẽ trở thành khu đô thị đa chức năng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây nguyên và cả nước; là thành phố khoa học hàng đầu của Việt Nam", TS Nguyễn Huỳnh Huyện nói.
Tại Hội thảo, TS Nguyễn Quân - nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, Quy Nhơn - Bình Định có những luận cứ, tiền đề rất thuận lợi để xây dựng thành trung tâm khoa học, đô thị khoa học của cả nước.
Mấu chốt của khu đô thị khoa học là hệ sinh thái của một đô thị khoa học: Những cơ quan khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức dịch vụ: trường học, bệnh viện, công viên, khu vui chơi giải trí, bảo tàng khoa học… để phục vụ khu đô thị khoa học đó.
Tất cả các tổ chức dịch vụ ấy đều có hàm lượng khoa học. Một bệnh viện ở đây không phải là bệnh viên thông thường, mà là bệnh viện có những trang thiết bị công nghệ cao và các cán bộ có trình độ khoa học cao.
Thứ hai là phải có nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Để làm được việc này thì ngoài đào tạo từ các trường đại học công nghệ, tự đào tạo, chúng ta phải có chính sách thu hút nhân tài từ khắp nơi trong và ngoài nước về đây, gắn bó lâu dài với Quy Nhơn, Bình Định.
Thứ ba là tập trung xây dựng hệ thống đầu tư tài chính cho khoa học, công nghệ và cho xây dựng đô thị khoa học.
"Để làm được 3 nội dung, ý chí người lãnh đạo và lựa chọn được sản phẩm mũi nhọn cho phát triển đô thị khoa học là quan trọng nhất" - ông Quân nhấn mạnh.
Theo Tạp chí điện tử Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo